Nhấn mạnh điều này, chuyên gia kinh tế - tài chính quốc tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, khi xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, thu nhập tăng cao hơn, nhu cầu chi tiêu sẽ lớn hơn. Tài chính tiêu dùng phát triển là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.
- Trong hình dung của chuyên gia, cách đây 10 năm, các nhu cầu tiêu dùng và tài chính tiêu dùng (TCTD) của người dân Việt Nam ra sao?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Nhu cầu tiêu dùng lúc nào cũng có. Từ hơn mười năm trước, các nhu cầu đó cũng rất lớn và khá đa dạng. Khi việc đi vay từ ngân hàng, các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân rất khó khăn, người ta tham gia chơi “họ”, tín dụng tập thể… Hàng chục năm trước đã xảy ra những vụ vỡ “họ” lên đến vài tỷ đồng, các vụ việc lừa đảo trong các tổ chức tín dụng tự phát.
Tuy nhiên, khi đó, mạng xã hội chưa phát triển, fintech chưa xuất hiện, tài chính công nghệ chưa phổ biến nên đỡ nghiêm trọng hơn. Bây giờ, tín dụng đen trên mạng nở rộ. Các công ty tài chính (CTTC) cho vay tiêu dùng xuất hiện nhiều hơn nhưng cũng chưa đủ để chặn được tín dụng đen.
- Hiện nay, TCTD có vai trò ra sao, thưa chuyên gia?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: TCTD xuất hiện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong xã hội. Tính đến năm 2019, tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam ước đạt 11,4%, đạt mức 1 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt, trong điều kiện thu nhập của người dân bị giảm sút, thậm chí ngắt quãng do mất hoặc thiếu việc làm, nhu cầu tài chính tiêu dùng là lẽ đương nhiên. Thậm chí, trong chừng mực hoặc phạm vi nào đó, nhu cầu vay vốn để tiêu dùng càng cao hơn.
Mặt khác, trong lúc nền kinh tế khó khăn, càng cần giải quyết vấn đề bán và lưu thông hàng hoá. Mặc dù xuất nhập khẩu Việt Nam có tăng trưởng, nhưng lại tăng trưởng chậm hơn so với những năm trước. Có những mặt hàng, trong những thời điểm sản xuất ra không bán được. Rõ ràng nếu như cung cấp vốn tiêu dùng tốt cho người dân, các mặt hàng thiết yếu sẽ có người mua. Cầu tăng lên và giải quyết được hàng hoá đang ứ đọng.
Thực ra, để đảm bảo được sinh hoạt thường xuyên của một nền kinh tế, nhu cầu tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng lớn hơn. Khi xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, thu nhập xã hội tăng cao hơn, nhu cầu chi tiêu sẽ lớn hơn. TCTD phát triển là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.
- Chuyên gia có thể đánh giá về triển vọng thị trường TCTD của Việt Nam?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: TCTD đang là thị trường rất phát triển, được nhiều tổ chức tài chính tín dụng quan tâm, nhất là các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính.
Nhu cầu này bùng phát do thời gian vừa qua, thu nhập của người dân tăng lên và khá ổn định. Đặc biệt là những năm gần đây (trừ năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19), nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên; tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng, khiến tín dụng tiêu dùng và các chỉ số tiêu dùng đều gia tăng. trong thời gian vừa qua.
Sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ trong tài chính đã làm giảm các khâu trung gian, các chi phí về bảo hiểm, quản trị, vận hành. Người đi vay có thể được hưởng lợi hơn với lãi suất thấp hơn.
Tuy nhiên, công nghệ tài chính cũng làm cho hoạt động tín dụng đen tăng đột biến. Đặc biệt là các hình thức cho vay ngang hàng không chính thức, thiếu cơ sở pháp lý, lãi suất rất cao lên tới hàng trăm, hàng ngàn % so với thị trường tín dụng tiêu dùng hợp pháp. Điều này làm nảy sinh các vấn đề về kinh tế và xã hội.
- Theo ông, cơ quan quản lý Nhà nước nên hành động như thế nào trước tình hình này?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích các CTTC ứng dụng công nghệ cao trong quá trình cho vay tài chính.
Trong giai đoạn trước mắt, nếu chưa có nghiên cứu đầy đủ thì các tổ chức tín dụng cần có những biện pháp đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn của các cá nhân, gia đình có nhu cầu chính đáng được vay vốn nhanh thông qua các gói vay nhỏ lẻ, thủ tục thông thoáng, không cần thế chấp.
Bởi xã hội đang có nhu cầu thật và với những nhu cầu nóng, nếu Nhà nước và các tổ chức tài chính tín dụng chính thức không đáp ứng được thì người dân sẽ tìm đến tín dụng đen.
Mặt khác, khi tín dụng đen vẫn đang lan truyền trên mạng và khắp các ngõ ngách, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc xử lý.
- Như vậy, khi phát triển các CTTC mạnh sẽ góp phần đẩy lùi được tín dụng đen, thưa chuyên gia?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Tất nhiên chứ. Khi các CTTC tiêu dùng phát triển mạnh mẽ sẽ góp phần đẩy lùi được tín dụng đen một cách hữu hiệu.
Quan trọng hơn, chúng ta phải có cơ chế, chính sách cụ thể cho CTTC tiêu dùng vi mô, tài chính toàn diện… đáp ứng nhu cầu của tất cả các đối tượng trong xã hội, nhất là các chủ thể khó khăn để họ có thể tiếp cận được tài chính đơn giản nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Đó là điều mà Nhà nước cần làm, nên khuyến khích và phát triển. Rõ ràng, phải có các hình thức thu hồi được nợ cho các CTTC.
Khi hệ thống các CTTC tiêu dùng phát triển rộng khắp, người dân cần vay tiêu dùng chính đáng sẽ dễ dàng hơn, đâu phải tìm đến tín dụng đen? Khi các CTTC tiêu dùng phát triển toàn diện, chắc chắn sẽ không còn đất sống cho tín dụng đen.
- Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi!