Khoảng 22h đêm 8/5/2011, nhân viên bảo vệ trực đêm ở Tử Cấm Thành (còn gọi là Cố Cung) phát hiện một kẻ khả nghi, trên người có dấu đỏ nghi do cọ xát vào tường cung điện. Nhân viên yêu cầu người này ngồi xổm xuống tại chỗ rồi lấy điện thoại báo cáo cấp trên, nhưng đối tượng thừa cơ bỏ trốn.
Khoảng 8h sáng 9/5, trước khi Tử Cấm Thành mở cửa, nhân viên bảo tàng Cố Cung (nằm trong Tử Cấm Thành) phát hiện một lỗ hổng trên bức tường trang trí ở Điện Thành Túc trong Trai Cung, chín vật trưng bày bên trong bị đánh cắp.
Chín món đều là trang sức dát vàng, bạch kim, khảm kim cương và đá quý được chế tác từ đầu thế kỷ 20, có giá trị lịch sử nhất định, thuộc về bảo tàng tư nhân Lưỡng Y nổi tiếng Hong Kong. Chúng là một phần trong những tác phẩm được trưng bày ở triển lãm do hai bảo tàng Lưỡng Y và Cố Cung hợp tác tổ chức.
Sau vụ trộm, nhiều khu vực tham quan bị đóng cửa để điều tra. 10h ngày 9/5, hai tang vật được tìm thấy gần tường thành, một trong đó bị hư hại nghiêm trọng.
10h30 ngày 11/5, bảo tàng Cố Cung và bảo tàng Lưỡng Y cùng tổ chức họp báo, công khai danh sách và hình ảnh bảy vật trưng bày bị đánh cắp và hai vật trưng bày tìm thấy gần hiện trường, nhằm ngăn chặn thị trường chợ đen mua lại.
Sáng 11/5, Thứ trưởng Công an Trung Quốc tiết lộ vụ trộm do một người thực hiện. Kẻ này từng có tiền án và đang bị truy bắt sau khi đối chiếu dấu vân tay.
23h ngày 11/5, cảnh sát Bắc Kinh thông báo nghi phạm Thạch Bách Khôi, 27 tuổi, bị bắt lúc 19h40 tại một quán cà phê Internet ở Phong Đài, ngoại ô Bắc Kinh, một số tang vật được thu hồi. Vụ trộm được giải quyết trong 58 giờ.
Thạch Bách Khôi khai nhận chiều 8/5, lợi dụng vóc dáng thấp bé, cao 1,58 m và nặng 40 kg, hắn chui qua lan can trước lối vào Tử Cấm Thành mà không mua vé. Sau đó, Khôi đi theo nhóm khách du lịch, bắt đầu tham quan "miễn phí" cho đến khi vào Trai Cung. Hắn trốn trong một căn phòng nhỏ, đợi tối đến để gây án.
Khoảng 22h, Khôi đập vỡ kính cửa sổ phía sau Điện Thành Túc, khoét một lỗ rộng 60-70 cm trên tường trang trí chặn trước cửa sổ để vào bên trong, tiếp tục đập tủ kính trưng bày. Hắn để lại dấu tay và dấu chân ở hiện trường.
Khi bị nhân viên tuần tra phát hiện, Khôi bỏ chạy. Lợi dụng bóng tối, hắn nhảy lên nóc một ngôi nhà và trèo lên tường thành cao dọc theo mái nhà. Sau đó, Khôi nhảy xuống từ bức tường cao 8 m. Hắn xác định đã trộm chín món đồ, nhưng khi thoát ra ngoài thì phát hiện trong túi chỉ còn bốn món, số còn lại đã bị rơi mất trong cuộc trốn chạy.
Khôi tìm đến một "người trong nghề" nhờ giám định giá trị của các vật trưng bày nhưng được cho biết là "đồ giả". Hắn tức giận vứt chúng vào thùng rác, sau đó đến quán cà phê Internet giải sầu cho tới khi bị bắt.
Qua xác minh, chín món đồ bị đánh cắp được bảo tàng Lưỡng Y mua bảo hiểm tổng cộng là 410.000 NDT (gần 65.000 USD). Trong đó, ba món đồ bị mất có số tiền bảo hiểm tổng cộng là 150.000 NDT (khoảng 23.600 USD).
Ngày 19/3/2012, Thạch Bách Khôi bị tuyên án 13 năm tù vì tội trộm cắp.
Cơ quan an ninh cấp quốc gia của Tử Cấm Thành được mệnh danh là "Sở an ninh đệ nhất kinh thành", với hơn 240 nhân viên, gồm tám phòng ban gồm Đội cảnh vệ, Phòng Kỹ thuật, Đội Phòng cháy chữa cháy... với ít nhất 1.600 thiết bị báo động chống trộm, 3.700 thiết bị báo cháy và 400 camera đang hoạt động.
Với hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt, việc một kẻ trộm thiếu sự chuẩn bị đầy đủ trước khi gây án lại thực hiện trót lọt và tẩu thoát thành công khiến ban quản lý hứng chỉ trích nặng nề.
Trang People's Daily và Xinhua nêu nhiều điểm nghi vấn trong vụ trộm, như vì sao bảo vệ phát hiện sự việc vào buổi tối mà sáng hôm sau mới báo án, vì sao nhiều thiết bị an ninh đồng loạt hỏng, làm thế nào thủ phạm trốn thoát khỏi đội tuần tra dày đặc trong Tử Cấm Thành?
Theo thông tin trước đó, nhân viên tuần tra để nghi phạm tẩu thoát khi đang báo cáo cấp trên, sau đó không truy tìm được đối tượng, điều này gây hoài nghi về năng lực của đội an ngũ ninh tại đây.
Sau đó, trang web chính thức của Tử Cấm Thành công khai các lỗ hỗng an ninh trong vụ trộm. Họ thừa nhận để lọt người khi phong tỏa hiện trường, một phần do các kiến trúc cổ bố trí phức tạp, nhiều đường đi lối lại thông nhau. Nhân viên trực thiếu cảnh giác, không kịp thời báo cáo khi nhiều hệ thống giám sát, thiết bị an ninh báo lỗi, lầm tưởng đây là sự cố diện rộng do trời mưa.
Trong Tử Cấm Thành có nhiều công trình xây dựng, đội ngũ thi công đông đảo, thiếu sự quản lý sát sao nên có thể để lọt kẻ gian vì kiểm tra qua loa. Trong quá trình truy tìm nghi phạm, đội an ninh cho rằng chỉ cần đóng chặt các cửa là đủ nên không bố trí lực lượng lục soát khu vực tường thành. Kẻ trộm sau đó vượt tường đào tẩu, làm rơi hai vật trưng bày dưới chân tường.
Theo hồ sơ của cảnh sát Bắc Kinh, từ năm 1958, Tử Cấm Thành xảy ra sáu vụ trộm cắp bảo vật. Trong các vụ trước, hai tội phạm bị xử tử hình, ba kẻ bị xử chung thân vì tội trộm cổ vật có giá trị lớn.
Tử Cấm Thành là hoàng cung của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, nằm ở vị trí trung tâm Bắc Kinh, hiện là điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc. Tử Cấm Thành có diện tích đất khoảng 720.000 m2, diện tích xây dựng 150.000 m2, có hơn 70 cung điện lớn nhỏ và hơn 9.000 phòng ốc.
Tuệ Anh (Theo Chinanews, Xinhua)
Xem thêm: lmth.8438244-hnaht-mac-ut-tav-uab-mort-uv/ten.sserpxenv