Sáng đầu tuần, một doanh nghiệp thương nhân kinh doanh xăng hỏi với giọng rất nghiêm trọng: "Nhà báo xem dự thảo sửa đổi nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu này có phải là bản mới nhất không?". Mở tệp tài liệu được gửi đến, tôi ngạc nhiên khi đó là một văn bản ba không: không ký, đóng dấu; không ngày tháng và không có nội dung gửi lấy ý kiến.
Tin rằng đây là "văn bản mới nhất" được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến, vị doanh nghiệp chia sẻ văn bản này nhận được vào chiều tối qua.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, họ cho biết không nhận được văn bản chính thức về dự thảo sửa đổi được gửi đến từ các cơ quan chức năng để xin ý kiến, nên đành "ngóng" tin từ nhiều nguồn.
Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 11-2022 Bộ Công Thương bắt đầu xây dựng dự thảo sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 để đưa ra lấy ý kiến. Và văn bản này được sửa đổi nhiều lần. Trong tháng 1, Bộ Công Thương liên tiếp đưa ra hai văn bản (ngày 6-1 và 18-1) để gửi tới các bộ ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp xin ý kiến góp ý.
Điều đáng nói là đã có rất nhiều thay đổi về nội dung xin ý kiến qua các văn bản này, nhưng đến nay nội dung được đăng công khai trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương vẫn là nội dung dự thảo chưa được cập nhật nhiều đề xuất mới.
Ngay báo chí, chỉ trong một ngày 1-2 vừa qua, đã có hàng loạt dòng tít thay đổi như "chong chóng" về việc sửa đổi nghị định về quản lý xăng dầu.
Một nhóm doanh nghiệp chia sẻ đọc các thông tin về sửa đổi dự thảo quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu, cứ thấy "rối như tơ vò", như chính việc quản lý thị trường xăng dầu hiện nay.
Việc sửa các quy định của nghị định quản lý về kinh doanh xăng dầu lần này có vai trò sống còn đến số phận hàng nghìn cửa hàng bán lẻ và nhiều doanh nghiệp liên quan mảng kinh doanh xăng dầu. Trong khi họ đóng vai trò quan trọng trong phân phối thì việc nhận văn bản mới nhất, từ đó có ý kiến vẫn trở ngại.
Chưa có một hội thảo nào được tổ chức công khai lấy ý kiến. Việc các thông tin chưa được cập nhật kịp thời cùng những dự thảo "ba không" được lan truyền trong cộng đồng doanh nghiệp đã khiến doanh nghiệp không thể phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin cũ, thông tin mới.
Khi đọc những nội dung thông tin dự thảo "xoay như chong chóng", những bức xúc của doanh nghiệp lại càng bộc lộ hơn, khi kinh doanh vốn đã khó khăn.
Trong chỉ thị 03 đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau Tết và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2023, hay trong buổi làm việc đầu năm với Bộ Công Thương, Thủ tướng đã liên tục yêu cầu phải gấp rút sửa đổi nghị định 95 và 83. Định hướng là cần đảm bảo hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, giảm khâu trung gian, đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh.
Nghị định 95 mới đi vào thực thi được một năm đã phải sửa đổi có yếu tố khách quan khi chưa lường hết biến động của thị trường. Nhưng nếu quá trình sửa đổi, lấy ý kiến không bao phủ được khắp các đối tượng, không cập nhật thông tin đầy đủ, đảm bảo tính công khai, minh bạch... thì những lo ngại vừa thực thi đã phải sửa đổi tiếp có thể sẽ tiếp tục lặp lại thời gian tới.
Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu đồng loạt lên tiếng, lo ngại sẽ bị siết nguồn cung, đầu mối ép giá nếu bị cắt bớt số lượng doanh nghiệp cấp hàng.
Xem thêm: mth.2033158070203202-iod-aus-uad-gnax-hnid-ihgn-oaht-ud-mar-ior/nv.ertiout