Người thuộc đối tượng phải cách ly vì nghi nhiễm covid-19 mà không tự nguyện chấp hành thì cơ quan nhà nước cưỡng chế cách ly và phạt tiền.
Nếu tôi đi du lịch nơi có dịch Covid-19 mà không báo với chính quyền thì có phạm luật hay không? Đọc trên báo và mạng tôi thấy người bị nghi tiếp xúc với người bệnh thì bị cưỡng chế, cách ly. Chính quyền làm như thế có đúng luật không? - (Nguyễn Thị Như, quận 12, TP.HCM)
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời: Trước tiên xin cảm ơn bạn đã hỏi câu mà hiện rất nhiều người quan tâm thắc mắc. Chúng ta nên biết, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm là trách nhiệm chung của mọi người chứ không phải riêng gì cơ quan y tế và chính quyền các cấp, theo qui định tại Điều 7 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Trong trường hợp bạn nghi mình có thể nhiễm bệnh truyền nhiễm thì phải đến cơ sở y tế trình báo theo qui định pháp luật. Việc cố ý che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm là hành vi bị pháp luật nghiêm trị (Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007).
Tại Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, qui định “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A
b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Chúng ta lưu ý, bệnh dịch virus corona Vũ Hán (tên chính thức theo Tổ chức y tế thế giới WHO là Covid -19), là loại bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Cách ly những người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh là một biện pháp luật định mà cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm phòng, chống truyền nhiễm dịch bệnh, phải thực hiện kịp thời. Trong trường hợp người thuộc đối tượng phải cách ly mà không tự nguyện chấp hành thì cơ quan nhà nước cưỡng chế cách ly.
Như vậy, nếu bạn nghi mình nhiễm Covid-19 hoặc biết ai đó có nguy cơ nhiễm bệnh thì cần nhanh chóng báo ngay với cơ quan y tế hoặc UBND phường (xã, thị trấn) nơi đó để được xử lý và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh đúng qui định pháp luật.
Xem thêm: ofni.634233tsop-neit-tahp-ib-es-yl-hcac-uihc-gnohk-am-91divoc-meihn-ihgn/nv.tenmanteiv.tenofni