Các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có bờ biển kéo dài, với nhiều thế mạnh trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy - hải sản. Những ngày này, tình hình xuất khẩu thủy hải sản có nhiều chuyển biến khởi sắc, mở ra những kỳ vọng mới cho doanh nghiệp và người dân.
Ở một doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An, mỗi ngày tiến hành chế biến hàng tấn lươn. Từ tháng 6/2021, các sản phẩm lươn đóng gói ăn liền của đơn vị đã được xuất khẩu sang Anh, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Czech. Riêng trong năm 2023, Hoa Kỳ cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ lươn với số lượng 4 container/năm.
Còn tại Hà Tĩnh, trong 10 tháng năm 2023, Công ty cổ phần XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh đã sản xuất được trên 250 tấn sản phẩm với doanh thu trên 2,8 triệu USD. Mặc dù tình hình xuất khẩu năm nay còn gặp nhiều khó khăn song các sản phẩm thủy sản của Hà Tĩnh đã chinh phục được thị trường quốc tế.
Thời gian qua, nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Chính phủ và các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, khai thác, chế biến sâu. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu thủy sản ra các nước trên thế giới.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh cho thấy sự phục hồi của kinh tế biển ở Hà Tĩnh. Thủy sản xuất khẩu không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để người dân Hà Tĩnh phát triển nuôi trồng thủy sản, ổn định cuộc sống.
Còn tại các tỉnh Nam Trung bộ, xuất khẩu cá ngừ là mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, trong năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ bị tác động ở các thị trường chủ lực như Mỹ và EU. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cá ngừ Nam Trung bộ đang tìm cách thích ứng với tình hình tạo đà ngay từ đầu năm.
Tại một đơn vị xuất khẩu cá ngừ lớn ở Phú Yên, 2 thị trường chính của doanh nghiệp là Mỹ và EU. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đơn vị phải linh hoạt thích ứng để giảm bớt khó khăn khi xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn còn khó. Đa dạng các mặt hàng từ cá ngừ và tìm kiếm thị trường mới là cách doanh nghiệp đang triển khai.
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cá ngừ ở các tỉnh Nam Trung bộ đem về gần 850 triệu USD, giảm 17% so với năm ngoái. Theo dự báo, xuất khẩu cá đại dương năm nay sẽ còn gặp khó. Vì vậy, hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ chủ động đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ chế biến thuỷ sản để đáp ứng các thị trường mới, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng cá khai thác.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, ngành cá ngừ vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2024, nhất là việc Ủy ban châu Âu duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Do vậy, trong khi các doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới và đa dạng sản phẩm, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp để ngư dân tiếp tục thực hiện tốt các khuyến nghị EC về IUU.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.75742237030204202-nas-yuht-uahk-taux-ut-cuc-hcit-ueih-nit/et-hnik/nv.vtv