Tại hội thảo Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam, đã đề xuất giảm độ tuổi được cấp bằng lái xe hạng A1.
Theo ông Hiểu, thế hệ trẻ ngày nay phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý, vượt bậc so với trước đây. Nhu cầu chạy xe máy đi học và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh từ 16 đến 18 tuổi, nhất là ở các thành phố, là rất lớn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, người trong độ tuổi này chưa được cấp giấy phép lái xe, chưa được học luật giao thông đầy đủ.
Đồng tình với đề xuất này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, quy định hiện hành đã lạc hậu so với thực tiễn. Việc hạ độ tuổi được cấp bằng lái xe sẽ tạo điều kiện cho giới trẻ được chủ động, linh hoạt khi đi học và tham gia vào các hoạt động xã hội, giảm bớt mối lo cho gia đình.
Hầu hết phụ huynh phải đi làm cả ngày, trong khi các con trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi phải đi học trái buổi, ngoại khóa, học thêm khá nhiều nên không có người đưa đón. Xuất phát từ nhu cầu này, trên thực tế có rất nhiều bạn trẻ chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về an toàn giao thông, chưa có giấy phép vẫn chạy xe máy.
Các phụ huynh khi giao xe cho con em mình, họ đã có sự tin tưởng vào độ "chững chạc" và an toàn của con. Nhưng bản thân trẻ vì chưa có bằng lái nên có tâm lý sợ, mất bình tĩnh, né tránh hoặc bỏ chạy khi nhìn thấy lực lượng cảnh sát giao thông. "Việc này dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và người khác", luật sư Trạch nêu quan điểm và cho rằng, để hạn chế tình trạng này cần tạo khung pháp lý, cho phép người 16-18 tuổi được thi bằng lái xe hạng A1, để giới trẻ có điều kiện chấp hành các quy định pháp luật tốt hơn.
Ngoài ra, với sự phát triển về thể chất, nhận thức, tâm lý của giới trẻ hiện nay, nếu các em 16-18 tuổi được học và sử dụng xe máy, tham gia giao thông một cách an toàn còn có thể giúp đỡ cha mẹ, gia đình được nhiều việc trong đời sống sinh hoạt, kinh tế hàng ngày.
"Khi các em được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, sẽ tham gia giao thông khá an toàn. Đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng cứ mạnh tay xử lý theo quy định", luật sư Trạch nói.
Cùng quan điểm, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) còn cho rằng có thể hạ độ tuổi học và cấp bằng lái ôtô cho người 16-18 tuổi. Việc này tạo điều kiện cho giới trẻ dễ dàng hội nhập, nhất là ở môi trường quốc tế.
Theo ông, với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, môi trường của đứa trẻ không chỉ gói gọn trong gia đình, nhà trường mà còn nhiều hoạt động xã hội khác bao gồm cả trong nước và quốc tế. Ôtô cũng không còn xa lạ với các gia đình ở thành phố lẫn nông thôn. "Việc trẻ hóa độ tuổi cấp bằng lái, giúp trẻ sớm ra đời, trưởng thành, cáng đáng công việc của gia đình, thậm chí còn có thể tham gia vào các hoạt động tạo ra giá trị cho xã hội", luật sư Hà Hải nói.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới. Như tại Thái Lan, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ 110 cc trở xuống là 15 tuổi; xe trên 110 cc và ôtô là 18 tuổi. Hay ở Mỹ, 16 tuổi có thể học, thi lấy bằng lái ôtô và thời gian từ lúc học lý thuyết đến khi thực hành được kéo dài trong 6 tháng để trẻ dần thích nghi.
Hơn nữa, giấy phép lái xe của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp giấy phép lái xe quốc tế. Như vậy, nếu trẻ hóa độ tuổi được cấp bằng lái, giới trẻ sẽ nhanh chóng thích nghi trong môi trường quốc tế trong các trường hợp đi du học, du lịch, định cư... nước ngoài. Hơn nữa còn thuận tiện và giảm chi phí cho người học khi lấy bằng lái trong nước.
"Nhiều người quan ngại rằng, việc cấp phép lái xe cho người dưới 18 tuổi sẽ có nguy cơ gây tai nạn giao thông, ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả? Tuy nhiên, đó chỉ là suy đoán, bởi người không có kiến thức và ý thức tham gia giao thông thì dù 30 hay 40 tuổi đều có nguy cơ gây tai nạn", luật sư Hải nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo ông, khi điều chỉnh luật, cho phép hạ độ tuổi cấp bằng lái cũng cần kèm theo những điều kiện, như: kéo dài thời gian từ khi học lý thuyết đến thực hành cấp bằng lái đối với người 16-18 tuổi; khi học bằng lái, sử dụng xe máy, ôtô bắt buộc phải mua bảo hiểm hai chiều. Mức bảo hiểm dành cho độ tuổi này phải cao hơn so với người đã thành niên.
"Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố, bên bảo hiểm có trách nhiệm hoàn toàn về mặt dân sự thay vì các cơ quan Nhà nước phải đứng ra giải quyết. Trong trường hợp vi phạm pháp luật hình sự thì cứ chiếu theo quy định xử lý", luật sư Hải nói.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.3110444-ex-ial-gnab-pac-iout-aoh-ert-uen-ig-iol-coud-nad-iougn/ten.sserpxenv