Sở Y tế TP.HCM đã có nhận định nguyên nhân ban đầu gây nên tình trạng sốt của học sinh hai trường là do siêu vi. Vì sao xuất hiện ổ dịch do siêu vi gây ra?
Hàng trăm học sinh nghỉ ốm bất thường
Trước đó, chiều 23-2 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh về hiện tượng số học sinh nghỉ ốm tăng cao bất thường tại Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn.
Số học sinh nghỉ học vì bệnh cũng như số học sinh xuống phòng y tế của hai trường này để khám vì có triệu chứng sốt, mệt tăng nhanh trong các ngày 22, 23 và 24-2.
Cụ thể, số học sinh có triệu chứng bệnh trong ba ngày tại Trường Lê Văn Tám lần lượt là 14, 193 và 23 học sinh; tại Trường Lam Sơn lần lượt là 5, 84, 17 học sinh.
Triệu chứng chính của các học sinh này chủ yếu là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt.
Ngoài ra, còn ghi nhận khoảng 10 - 15% trường hợp có tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
Sau khi loại trừ được các nguyên nhân do COVID-19, cúm, vấn đề an toàn thực phẩm..., các chuyên gia nhi khoa hàng đầu tại TP.HCM nhận định khả năng cao là nhiễm siêu vi hô hấp khá thường gặp ở trẻ em. Đây là căn bệnh do các tác nhân vi rút hay gây bệnh như rhinovirus, adenovirus, coronavirus...
Siêu vi hô hấp dễ lây lan
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết sốt siêu vi hay nhiễm siêu vi là bệnh do rất nhiều các tác nhân do vi rút gây ra.
Siêu vi hô hấp rất dễ lây lan trong cộng đồng, trẻ bị nhiễm sẽ lây lan cho các bạn trong cùng lớp qua tiếp xúc trực tiếp thông qua giọt bắn.
Đây là lý do giải thích vì sao xuất hiện ổ dịch nhỏ như tại hai trường THCS tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) mới đây.
Bác sĩ Tiến cho hay để tránh tình trạng xuất hiện các ổ dịch nhỏ, khi trẻ có các triệu chứng sốt siêu vi, trẻ phải được cách ly.
Đa số trẻ đều được cách ly tại nhà do các triệu chứng nhẹ, được hướng dẫn chăm sóc tại nhà và uống thuốc theo toa của bác sĩ.
Các triệu chứng của nhiễm siêu vi:
* Sốt cao: 38 - 39oC, thậm chí 40 - 41oC.
* Đau nhức mình mẩy: Trẻ thường đau cơ bắp, đau khắp mình...
* Viêm long đường hô hấp: Trẻ có biểu hiện như ho, chảy nước mũi, họng đỏ.
* Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do siêu vi đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện vài ngày sau khi sốt với biểu hiện như tiêu lỏng, không có màu, chất nhầy.
* Nôn: Trẻ có thể nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp một số các dấu hiệu khác như viêm kết mạc mắt (mắt đỏ, chảy ghèn, phát ban đỏ, sưng hạch vùng đầu, mặt, cổ sau tai, gáy...).
BS Tiến lưu ý khi trẻ có những biểu hiện sốt siêu vi sau đây cần nhập viện: sốt cao khó hạ trên 2 ngày, khó thở, thở bất thường, tay chân lạnh, mệt, nôn ói nhiều, đi cầu nhiều, rối loạn tri giác, co giật...
Sốt siêu vi là chẩn đoán dùng chỉ chung tất cả những trường hợp trẻ bị sốt do nhiễm các loại siêu vi khác nhau. Hiện nay có rất nhiều loại siêu vi có thể gây sốt như sốt xuất huyết, sởi, rubella, tay chân miệng…
Xem thêm: mth.25270532210303202-iv-ueis-tos-od-hcid-o-neih-taux/nv.ertiout