Bị cáo nhận tội, luật sư nói không phạm tội
Trong phần tranh luận, ông Lê Đình Trung thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú và luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (bào chữa cho ông Lê Đình Trung) cho rằng không đủ cơ sở để quy kết ông Trung về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Theo luật sư, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không phải là tổ chức giám định tư pháp kỹ thuật hình sự nên việc cơ quan tố tụng sử dụng kết luận giám định của cơ quan này để buộc tội là vi phạm tố tụng. So sánh hai nhãn hiệu, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy nhiều điểm khác biệt rõ ràng và dễ dàng nhận biết, không thể gây nhầm lẫn như cáo buộc.
Luật sư cho rằng theo công bố mới nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay tại Việt Nam chỉ có 6 nhãn hiệu nổi tiếng gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike, Petrolimex, Phạm và Liên Danh, không có tên bia Sài Gòn của SABECO.
Ngoài ra, đối với tội danh này, người phạm tội phải có lỗi cố ý. Tuy nhiên từ khi thành lập doanh nghiệp, ông Trung đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu cho bia Sài Gòn Việt Nam, thể hiện ông Trung không có lỗi cố ý.
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam) cho rằng pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ 4 điều kiện theo quy định điều 75 Bộ luật hình sự.
Đặc biệt, để có thể xử lý pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì bắt buộc pháp nhân đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tuy nhiên, pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam chưa hội đủ cơ sở bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Hoài, một trong những hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn, có khả năng gây nhầm lẫn.
Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm "gây nhầm lẫn và khả năng gây nhầm lẫn" chưa có quy định chi tiết, mà chỉ quy ước chung chung, nặng về suy luận theo cảm tính nên chưa đảm bảo yếu tố pháp lý để xem xét trong quá trình xử lý.
Mặt khác, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam chưa nhận được văn bản từ chối cấp chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với thùng bia Sài Gòn Việt Nam Lager và kiểu dáng công nghiệp nhãn sản phẩm bia Sài Gòn Việt Nam Lager.
Theo luật sư Hoài, ngày 2-9-2018, SABECO có nộp đơn đăng ký nhãn hiệu "Bia SAIGON, hình" cho sản phẩm "bia" thuộc nhóm 32. Nhãn hiệu theo đơn trên được chấp nhận đơn hợp lệ theo quyết định số 74626 ngày 22-10-2018 nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ.
Từ đó, luật sư cho rằng không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nêu trên mà tạo điều kiện cho các bên hòa giải, thương lượng về tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp không hòa giải được thì mỗi bên có quyền đưa vụ tranh chấp ra tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.
'Bia Sài Gòn là niềm tự hào của Việt Nam'
Luật sư bảo vệ bị hại - SABECO cho rằng SABECO thành lập từ năm 1977, đã tạo được rất nhiều nhãn hiệu, trong đó có nhãn hiệu bia Sài Gòn. Bia Sài Gòn được người tiêu dùng biết đến và được sử dụng rộng rãi nên đây là một nhãn hiệu nổi tiếng.
Luật sư cho rằng các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bia Sài Gòn, khiến khách hàng nhầm lẫn, không thể phân biệt được đâu là sản phẩm bia Sài Gòn và bia Sài Gòn Việt Nam.
Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời ông cho rằng các thành viên khác trong công ty như bà Trần Thị Ái Loan, Trần Thị Khánh Hà, đại diện bia BiVa cũng có dấu hiệu phạm tội.
Còn đại diện SABECO thì cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xem xét việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như cam kết quốc tế. Bia Sài Gòn là niềm tự hào của Việt Nam, đã được nhận diện trên thị trường.
Tranh luận đối đáp, đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết SABECO đăng ký nhãn hiệu cả ở nước ngoài, hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhà nước sẽ bảo hộ thương hiệu của SABECO.
"Còn về nhãn hiệu nổi tiếng, văn bản của Cục Sở hữu trí tuệ trao đổi với tòa án vẫn làm chúng tôi thắc mắc. HĐXX sẽ xem xét cân nhắc ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ và các luật sư" - đại diện VKS nói.
VKS cũng cho biết bà Loan ký hợp đồng hợp tác với cơ sở bia Biva, ngoài ra bà Loan không có hoạt động gì khác xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của SABECO. Tương tự, đại diện cơ sở sản xuất bia Biva cũng thực hiện trên cơ sở hợp đồng hợp tác nên VKS cho rằng không có cơ sở xử lý hình sự đối với hai người này.
HĐXX nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 15h ngày 16-3.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi nghỉ việc ở SABECO, tháng 5-2019, ông Lê Đình Trung cùng một số người thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam.
Ông Trung nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu bia Sài Gòn Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cục này chấp nhận đơn hợp lệ đối với kiểu dáng công nghiệp ngày 15-7, đối với nhãn hiệu ngày 12-8-2019 và đăng công báo.
Dù chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đã đặt hàng cơ sở sản xuất bia BiVa (TP Bà Rịa) để sản xuất sản phẩm bia lon mang thương hiệu "Bia Sài Gòn Việt Nam" để bán ra thị trường với quy mô thương mại.
Ngày 9-9-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Trung và Công ty bia Sài Gòn Việt Nam. Đến ngày 30-11-2020, Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bia Sài Gòn Việt Nam.
Sau nhiều lần trả hồ sơ, sáng 9-3, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở lại phiên tòa xét xử vụ làm nhái vỏ bia Sài Gòn (SABECO). Đây là vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có bị cáo là pháp nhân đầu tiên, được dư luận quan tâm.