Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu cùng chủ trì, lắng nghe và trao đổi với sinh viên. Đại diện nhiều sở, ban, ngành của TP cũng tham gia cuộc gặp này.
Cần thông tin về môi trường công
Một thực tế được nhắc lại tại buổi gặp là hơn 5 năm qua, TP.HCM không tuyển được sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nào vào hệ thống công dù mỗi năm có hơn 100.000 cử nhân, trong đó có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Một số ý kiến tại buổi gặp nói họ không "quay lưng", thậm chí rất hào hứng với hệ thống công. Nhưng có nhiều lý do khiến họ chọn "đầu quân" làm bên ngoài thay vì trở thành công viên chức nhà nước.
Dù tốt nghiệp thủ khoa, loại xuất sắc, Quách Thanh Vịnh An (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng các yêu cầu đối với người được thu hút là quá cao, vì ngoài tốt nghiệp đại học xuất sắc còn phải có quá trình học tập tốt ở phổ thông cùng những giải thưởng khác.
Gương mặt thủ khoa tốt nghiệp điểm tuyệt đối 4/4 Phạm Đức Công (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) quan tâm cơ chế đặc thù cho cán bộ Đoàn - Hội. Theo bạn, nếu chỉ thu hút sinh viên xuất sắc sẽ phần nào bỏ phí nguồn nhân lực sinh viên là cán bộ Đoàn - Hội học giỏi, sở hữu nền tảng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khá tốt.
Võ Lập Phúc (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói nhắc đến lĩnh vực công, bức tranh tổng thể trong suy nghĩ của giới trẻ sẽ là khuôn khổ, quy tắc, sự ràng buộc nhiều mặt. "TP nên tái xác lập về mặt tư duy của giới trẻ, để môi trường công trở nên năng động, sáng tạo, tạo điều kiện, dư địa cần thiết cho người trẻ xây dựng bản sắc của mình thông qua giải pháp đa dạng, mới mẻ" - Phúc nói.
Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM Mai Hải Yến nói cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo TP nhưng hiện sinh viên chưa có nhiều kênh tiếp đầy đủ thông tin và hình dung cụ thể về môi trường làm việc công. "Nên chăng có một chiến dịch truyền thông đủ lớn giúp người trẻ có cái nhìn rõ hơn, hình thành nhận thức đủ rộng về môi trường làm việc công" - Yến đề đạt.
Chia sẻ với các phát biểu này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng thừa nhận khu vực nhà nước chưa quan tâm lắm tới công tác truyền thông mà chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền. "Chắc chắn thời gian tới sở sẽ thay đổi trong mục tiêu truyền thông, không chỉ là truyền thông chính sách mà truyền thông về hoạt động, môi trường, tính sáng tạo của các cơ quan nhà nước, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về lĩnh vực công" - ông Thắng phát biểu.
Quỹ tín dụng và "Sáng kiến sinh viên"
Ông Phan Văn Mãi nói Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP khởi động ngay chương trình "Sáng kiến sinh viên", huy động trí tuệ, sáng tạo của sinh viên, tạo ra không gian để các ý tưởng đó phát triển trên nền tảng của sự kết nối, kế thừa.
Chủ tịch UBND TP đặc biệt quan tâm đề án phát triển tài năng trẻ, đội ngũ lãnh đạo trẻ và cho biết sẽ tiếp thu đề nghị "làm mới" hình mẫu công chức bằng việc đổi mới sáng tạo, thể hiện nét riêng nhưng thể hiện mức độ ra sao cần nghiên cứu đặc thù của ngành nghề. Ông Mãi cũng nói TP làm được việc hỗ trợ công chức, viên chức, sinh viên tham gia các hội thảo quốc tế như cách nâng cao trình độ ngoài ghi nhận, khen thưởng các công trình nghiên cứu khoa học ý nghĩa, những bài báo khoa học quốc tế...
Ông Mãi nói chưa thấy đề cập tới khía cạnh TP chăm lo cho sinh viên và đề nghị các sở, ban, ngành phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên tập trung học tập, nghiên cứu. Trước thực tế không phải bạn nào cũng có điều kiện tài chính thuận lợi, ông Mãi cho rằng vấn đề tín dụng sinh viên phải là kế hoạch, đề án lớn mà trách nhiệm thuộc về UBND TP và cả các trường, Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP.
"Đây là đầu tư cho giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Với TP.HCM, chúng ta có thể xây dựng đề án và cam kết rằng bất kỳ sinh viên nào có nhu cầu về tín dụng trong thời gian học tập cho đến khi có việc làm, có điều kiện trả lại đều được tiếp cận để trang trải chi phí học tập" - ông Mãi nhấn mạnh.
50 công trình, phần việc
Chủ tịch UBND TP hỏi thanh niên TP sẽ ở đâu và làm gì trước cột mốc 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sắp tới. Rồi ông nói Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP cần bàn cụ thể, có thể là cuộc vận động trong tuổi trẻ TP, hoặc là 50 công trình, phần việc do tuổi trẻ TP đảm nhận "sẽ là hành động thiết thực kỷ niệm sự kiện lớn này, cũng là cách để đóng góp cho sự phát triển chung".
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ tầm nhìn đến 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á. Theo ông, để hoàn thành các mục tiêu đó, TP.HCM rất cần nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ có trí tuệ, khát vọng, hoài bão.
"Dẫu các bạn quê ở đâu, học trường nào cũng hãy tích cực hưởng ứng, tham gia lực lượng lao động có chất lượng cao để góp sức cho sự phát triển của TP.HCM thân yêu của chúng ta" - ông Hiếu kêu gọi.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng nói sẵn sàng tiếp nhận các ý tưởng, đề tài nghiên cứu liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, và sẽ kết nối, chuyển giao tới khâu cuối cùng.
Cùng với ý kiến "sinh viên cần được tiếp cận với các bài toán lớn của TP", ông Thắng ủng hộ và cho rằng càng biết sớm, việc học tập, nghiên cứu của sinh viên càng sát thực tiễn, và TP có thể tiếp nhận được nhiều ý tưởng phù hợp trước yêu cầu đặt ra.
Sáng nay 22-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên Việt Nam với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".