Nhẹ nhàng, thầm lặng mà lan tỏa trong dòng chảy đô thị này là tinh thần tương thân tương ái, là những lối ứng xử dễ thương, sẵn sàng sẻ chia để người mới đến thì quý mến, kẻ đi xa luôn hoài nhớ, yêu thương.
"Lang thang trên mạng, tôi thấy nhóm cho tặng đồ miễn phí. Mình cũng lớn tuổi rồi, tiền đâu mua những cái nhỏ nhỏ, vậy chớ nhiều tiền lắm, phải giỡn đâu.
Tôi mới đánh bạo xin quạt máy, ghế ngả lưng buổi trưa, dầu thơm quá đát để khử mùi..." - bà Cẩm Hồng (66 tuổi, ngụ phường 11, quận 11, TP.HCM) nhớ lại những ngày mình làm ở nhà vệ sinh công cộng và lò dò lướt mạng nhận đồ cũ.
Cho nhận bằng cả tấm lòng
Hẹn chúng tôi trong căn nhà nhỏ treo những chậu kiểng xanh mát, bà Hồng cười hiền queo cho biết hiện đã nghỉ làm do bận việc gia đình. Tám tháng trông coi nhà vệ sinh để lại cho bà nhiều kỷ niệm, nhất là từ khi biết tới nhóm cho nhận đồ Freecycle Saigon.
"Làm việc có những lúc rảnh nên tôi quẹt quẹt điện thoại, lướt Facebook thấy nhóm hay quá. Tôi đăng ký thành viên, đăng bài muốn nhận món này món kia hoặc bình luận vào các bài cho đồ. Không ngờ người ta đem đến cho, cảm động dễ sợ luôn vậy đó", bà nói.
Trong những tấm lòng, bà nhớ nhất là cô gái tên Oanh đi chiếc Vespa màu cam. Oanh làm ca đêm, sáng sớm cột chiếc ghế dựa sau yên xe chở đến và nói "Con có cái ghế cho cô nè". Bà quý chiếc ghế, quý cô gái, và sau khi nghỉ việc đem về nhà tiếp tục sử dụng.
Tính tình xởi lởi, bà thường vào nhóm giao lưu, chia sẻ cảm xúc khi đọc bài đăng của các thành viên.
"Cái nhóm hay dễ sợ. Nhờ những nhóm như vậy giúp cho mình có niềm vui, đỡ suy nghĩ tuổi già. Hồi đó giờ tôi ở nhà nội trợ, biết những nhóm này giúp mình hiểu nhiều thứ hơn", bà chia sẻ.
Thành viên đông đảo của Freecycle Saigon có thể kể đến những bạn trẻ. Từ sáng đến 23h, nhiều lúc nửa đêm khi nhiều người đã say giấc, những bài đăng cho tặng đồ vẫn đều đặn xuất hiện trên trang.
Bày tỏ sự xúc động sau khi nhận chiếc thùng máy tính, chị Vũ Thị Kim Hạnh chia sẻ: "Chị chân thành cảm ơn em Huỳnh Thịnh đã cất công sửa thùng máy từ bạn Bội Lê và tặng lại cho bé con nhà chị. Máy chạy êm lắm, bé nhà chị rất mê. Em rất nhiệt tình và vui vẻ.
Quý trọng tình cảm của em dành cho mọi người, cảm ơn ban quản trị tạo nhóm thật ý nghĩa, nơi mọi người không phân biệt giàu nghèo cùng nhau chia sẻ đồ dùng từ giá trị nhỏ đến giá trị to...".
Dường như sợ món đồ mình trao chưa đủ tươm tất, nhiều thành viên tỉ mẩn giặt sạch rồi treo từng chiếc áo, cái túi, bày từng cuốn sách... để đăng hình cho người nhận dễ chọn.
Vừa đăng tặng mấy đôi giày còn tốt, chị Thảo Lý (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: "Tôi đi làm chỉ có nhà vào buổi tối nên tôi dặn mọi người ghé lấy sau giờ tan tầm.
Mỗi người một hai đôi, ai nhận cũng vui vẻ và món đồ dài thêm vòng đời của chúng. Tôi là thành viên nhóm cũng mấy năm nay rồi".
Không chỉ những món đồ nhỏ, một số trường hợp còn đăng tặng xe máy, máy giặt, tủ lạnh...
Dù giá trị ít hay nhiều, ai cũng dùng những lời lẽ lịch sự, nhã nhặn và trao món đồ sao cho người nhận cảm thấy được tôn trọng. Có người cho đi còn dành những lời cảm ơn khi có người nhận đồ.
Đáp đền tiếp nối
Freecycle Saigon hiện có gần 76.000 thành viên. Điều khiến chúng tôi cảm động là những hành động cho đi của các thành viên được lan tỏa một cách tự nhiên, ngôn từ sử dụng như lời ăn tiếng nói thường ngày.
Người được tặng cái này lại vui vẻ đăng cái khác lên cho người khác, hoặc hết nhu cầu dùng món được tặng nên đăng biếu lại. Nhóm thường có những bài cảm ơn, phản hồi về món đồ được tặng.
Khi còn làm ở nhà vệ sinh, bà Hồng xin trên nhóm cái thùng để làm bình trà đá cho người qua đường đỡ cơn khát. Người quen cho mớ ốp lưng điện thoại, bà cũng đăng lên tặng. Không rành công nghệ, bà từng nhắn tin hỏi quản trị viên: "Muốn đăng bài phải làm sao con ơi?".
Vừa rồi, bà đăng tặng bộ áo dài. Chiếc quạt máy được một người phụ nữ tốt bụng cho, bà tặng lại người khác có chị bị tai biến nằm một chỗ. "Tội nghiệp, mình cho để bà có quạt mát lưng, đỡ bị lở loét do nằm nhiều", bà bộc bạch.
Nhìn lại hoạt động của Freecycle Saigon từ năm 2017 đến nay, chị Trần Thảo (một trong những quản trị viên) chia sẻ rằng ngày càng cảm thấy gắn bó với nhóm.
"Trước đó tôi gần như không tham gia hoạt động cộng đồng từ khi ra trường. Biết nhóm, hiểu về ý nghĩa việc kết nối, trao tặng giúp những món đồ đã qua sử dụng giảm phát thải ra môi trường nên tôi quyết định tham gia", chị chia sẻ.
Theo chị, động lực gắn bó có lẽ từ ý nghĩa của Freecycle với cộng đồng và với cá nhân. Nhóm góp phần nhỏ giúp tập lối sống tối giản, cho tặng những món còn giá trị sử dụng đến người cần hơn là giữ lại không dùng mà bỏ thì uổng phí.
"Nhiều người không biết tặng ai bởi ở thành phố gần như mọi người sống độc lập nên Freecycle là một trong những nơi được tin tưởng gửi gắm nhiều món đồ", chị nói.
Riêng mình, chị Thảo nói khi tham gia cảm giác thành người có ích dù chỉ góp phần nhỏ bé. Việc chăm chút, gìn giữ và chia sẻ tinh thần Freecycle được chị xem là một công việc mỗi ngày.
Đặc biệt, nhóm có tiêu chí rất rõ là nơi trao tặng, không có bất kỳ hoạt động có yếu tố mua bán, thanh lý, quyên góp.
Chị Thảo chia sẻ: "Ở nhóm, miễn là mọi người cần tặng và cần dùng thì không phân biệt hoàn cảnh.
Ví dụ bạn ở nhà phố, đi xe hơi, nhưng khi cần món đồ nào đó nhóm khuyến khích nên đăng bài hỏi vì biết đâu có người cần tặng.
Nhóm khuyến khích chia sẻ hơn là mua sắm mới rồi xả rác". Suốt quá trình quản trị nhóm, chị ấn tượng nhiều thành viên và những câu chuyện, không hẳn vì giá trị món đồ mà vì họ chọn tin tưởng nhóm để trao tặng. Có bạn thấy bài đăng, biết người nhận không tiện đi lại nên tình nguyện làm người vận chuyển.
Chị Thảo còn ấn tượng về sự trung thực khi một số trường hợp thấy tiền còn sót lại trong đồ cũ đã nhắn tin trả lại. Có người không có đồ trao thì góp sức, nhận đồ và sửa chữa tặng lại thành viên khác. Cũng có người do yêu thương các thành viên nên lâu lâu nấu đồ ăn tặng riêng.
Khi mệt mỏi với cuộc sống, có thành viên đăng bài xin một lời động viên. "Biết là có lúc bị lạc đề, nhưng đọc qua chia sẻ của mọi người, tôi rất cảm động bởi họ rõ ràng xem Freecycle như ngôi nhà thứ hai rồi. Nhiều anh chị là thành viên tích cực luôn tin tưởng yêu quý nhóm, do đó việc quản trị nhóm cũng nhẹ nhàng hơn khi được mọi người chia sẻ", chị Thảo nói.
Freecycle Saigon thuộc cộng đồng cho nhận đồ miễn phí Freecycle Việt Nam. Freecycle Việt Nam hoạt động từ năm 2013 và hiện có mặt ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Sau đó, vì có nhiều người ở các khu vực chưa có nhóm cũng muốn trao tặng nên ban quản trị lập riêng nhóm Freecycle Việt Nam 2 hoạt động toàn quốc. Người cho tặng ghi rõ khu vực để kết nối những người ở gần với nhau.
Ngoài Freecycle Saigon, trên mạng hiện có những hội nhóm trao tặng từ quyển sách cho đến chiếc máy tính, do những người không dùng nữa đăng lên. Dù quy mô khác nhau, nhưng các nhóm cùng chung mục đích trao đi một cách trân trọng.
************
Nhiều loại rau đã được bó gọn gàng, các túi cũng được để sẵn giúp bà con nào cần có thể dễ dàng lấy và mang đi với thông điệp: "Ai cần cứ đến lấy, lấy đủ ăn, không lấy quá nhiều, ngày mai có tiếp!".
>> Kỳ tới: Hàng rau ai cần cứ đến lấy miễn phí
TTO - Cái hồi mới vô TP.HCM trọ học, tôi không nghĩ là gắn chặt miền đất này lâu. Vậy mà tôi "bị" những trái tim hồn hậu, nghĩa tình, bao dung của người Sài Gòn gây thương gây nhớ.