93 thành viên Dàn nhạc Radcliffe, câu lạc bộ âm nhạc cổ điển tại Đại học Harvard, tham quan Cung điện Kyungbok, Seoul, Hàn Quốc, ngày 10-3. Ảnh: knto.or.kr
Theo Korea Times, xu hướng mới này mang đến cho các bạn trẻ nước ngoài cơ hội hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa Hàn Quốc thông qua trải nghiệm giáo dục và trải nghiệm học thuật ngoài kỳ nghỉ thông thường.
Trong số các sinh viên quốc tế tới "xứ sở kim chi", sinh viên Mỹ và sinh viên các nước châu Âu chiếm tỷ lệ đáng kể. Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO), số lượng sinh viên Mỹ và châu Âu đến Hàn Quốc vừa học vừa du lịch đã tăng từ 519 vào năm 2019 lên 1.445 trong nửa đầu năm nay.
Trong bối cảnh tổng số du khách đến Hàn Quốc ngày càng tăng, KTO kỳ vọng số lượng sinh viên Mỹ và châu Âu đến thăm Hàn Quốc có thể đạt 3.000 vào cuối năm 2024 và nâng con số này lên gấp 6 lần trong vòng 5 năm.
Từ ngày 9 đến ngày 18-3, 93 sinh viên viện Harvard-Radcliffe đã đến Hàn Quốc đi biểu diễn khắp đất nước. Trong thời gian ở lại đây, gần 100 sinh viên này sẽ có cơ hội trải nghiệm văn hóa các địa phương, khám phá các điểm du lịch lớn ở trung tâm thủ đô Seoul như Cung điện Kyungbok và Ikseon-dong. Họ cũng trải nghiệm thiền định và ẩm thực chùa tại chùa Jingwan ở Tây BắcSeoul.
Trong chuyến thăm, không chỉ tham gia các hoạt động văn hóa, các sinh viên này sẽ giao lưu với các sinh viên đại học Hàn Quốc thông qua các buổi biểu diễn chung với câu lạc bộ dàn nhạc ESAOS của Đại học Nữ sinh Ewha.
"Từ nhỏ, tôi đã được học sáo và nhạc cổ điển nhưng chưa bao giờ gặp những âm thanh đặc biệt như vậy. Tôi rất háo hức được khám phá những giai điệu và phong cách hoàn toàn mới này", Elizabeth Lee, một sinh viên 22 tuổi trong nhóm du học sinh, chia sẻ sự hào hứng khi được nghe những giai điệu phương Đông độc đáo khi tới đền Jingwansa.
Tương tự như nhóm sinh viên Harvard, 21 sinh viên từ câu lạc bộ cappella của Đại học Yale cũng đang ở Hàn Quốc để học tập. Tại Seoul và đảo Jeju, các sinh viên này sẽ trải nghiệm nhiều khía cạnh của văn hóa Hàn Quốc, xem các buổi biểu diễn "nanta" - một buổi biểu diễn âm nhạc bằng nhạc cụ gõ truyền thống của Hàn Quốc - và khám phá Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên (DMZ).
Jeong Ran-soo, Giáo sư tại Khoa Du lịch Đại học Hanyang, nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình "vừa học vừa chơi" mà Hàn Quốc đang thúc đẩy.
"Như ngày trước, du khách đến Hàn Quốc thường tập trung vào tiêu dùng, chẳng hạn như mua sắm. Tuy nhiên, bằng cách tích hợp nhiều yếu tố văn hóa và giáo dục hơn, du khách có thể kéo dài thời gian lưu trú, không chỉ giúp họ hiểu sâu hơn về văn hóa mà còn tiếp thêm động lực để hồi sinh ngành du lịch", Giáo sư Jeong giải thích.
Ông cũng coi learncation là một xu hướng tích cực, cả về tác động lẫn tiềm năng phát triển của đất nước. "Khi các bạn sinh viên quan tâm đến học tập đến thăm đất nước chúng ta, điều đó sẽ nâng cao sự hiểu biết sâu sắc và phổ biến văn hóa Hàn Quốc", Giáo sư Jeong nói.
Văn hóa Hàn Quốc thường gắn liền với các nội dung giải trí như các nhóm nhạc K-pop và phim truyền hình dài tập. Xu hướng learncation này có thể mở rộng phạm vi tiếp cận văn hóa Hàn Quốc đối với giới trẻ nước ngoài. "Khi sự quan tâm đến Hàn Quốc tiếp tục tăng lên thông qua nhiều nền tảng khác nhau, số lượng các chuyến đi kết hợp giữa học tập và du lịch Hàn Quốc sẽ tăng lên nhiều hơn", ông Jeong chia sẻ.
Một quan chức KTO cho biết: "Trước đại dịch, du học sinh chủ yếu đến từ các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông hoặc các trường quốc tế dạy tiếng Hàn. Giờ đây, chúng tôi nhận thấy đối tượng khách hàng rộng hơn, bao gồm sinh viên đại học, bị thu hút bởi âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc đã trở thành những hiện tượng toàn cầu"./.