GS-TS VŨ TRỌNG HỒNG, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:
Sử dụng hiệu quả nguồn nước
Khoảng 4-5 năm, ĐBSCL sẽ xảy ra hiện tượng El Nino một lần, đây là quy luật tự nhiên, hiện tượng này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến thời tiết và khí hậu. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm của vụ đông xuân nên không chỉ riêng ĐBSCL mà các tỉnh, thành khác cũng sẽ thiếu nước. Nắm được quy luật này, các đài khí tượng thủy văn sẽ dự báo trước, từ đó đưa ra từng kịch bản có thể xảy ra để đối phó phù hợp.
Một số giải pháp ngăn hạn mặn đã mang lại hiệu quả mà các địa phương đã và đang thực hiện như nạo vét, đắp đập, trữ nước cho sản xuất. Ngoài ra còn có giải pháp kiểm tra độ mặn thích hợp của loại cây mà người dân đang trồng để phục vụ tưới tiêu bằng nguồn nước có độ mặn phù hợp chứ không cần sử dụng toàn bộ nguồn nước ngọt để tưới.
Nhiều loại cây trồng có thể chịu được độ mặn trong khoảng 4‰, theo đó người dân có thể bơm lấy nước từ lớp dưới của các kênh rạch để pha trộn thêm nguồn nước ngọt. Thông thường độ mặn trên bề mặt sẽ cao hơn so với tầng đáy kênh rạch, do đó việc lấy nước phía dưới có thể giảm độ mặn.
Ngoài ra, nếu nắm bắt được thời điểm hạn mặn, thiếu nước, người dân nên hạn chế trồng loại cây không chịu được hạn mặn. Việc chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu chắc chắn nhiều người dân nắm rất rõ nhưng hơn ai hết, chính quyền địa phương sẽ phải khuyến cáo cung cấp thông tin cho người dân. Có tính toán đảm bảo nguồn nước cung cấp cho loại cây trồng đó chứ không chạy theo thời giá.
Nếu nắm bắt được thời điểm hạn mặn, thiếu nước, người dân nên hạn chế trồng loại cây không chịu được hạn mặn.
GS-TS LÊ THANH HẢI, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Rà soát, thực hiện các công trình ưu tiên
Hiện nay có nhiều giải pháp có thể giúp phòng, chống hạn mặn. Các địa phương đã thực hiện giải pháp xây cống đập ngăn mặn, hệ thống này được xây dựng với hệ thống thủy lực nâng hạ cửa van, khi vận hành hoặc hệ thống tự động đóng, mở cửa kịp thời khi có báo động triều cường lên cao, điều này giúp giảm thiệt hại do hiện tượng nhiễm mặn.
Cạnh đó, cần rà soát các công trình ưu tiên, cấp bách để triển khai thực hiện sớm nhằm ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt. Tuyên truyền thêm cho người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là tại những vùng thường xuyên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước.
Ngoài ra, một bài toán nữa mà cơ quan quản lý cần tính toán, cân nhắc là việc chuyển, chứa nước ngọt ở những nơi nhiễm mặn cao như dùng túi chứa nước, hồ trữ nước mưa... Điều này sẽ phù hợp với một số nơi, như Bến Tre có cống đập Ba Lai sẽ phù hợp với việc chứa nước do sông nơi đây có dòng chảy rất yếu, nếu chắn lại thì sông Ba Lai sẽ thành hồ. Từ đó cho thấy việc lợi dụng dòng chảy của các sông để làm hồ chứa nước cũng là điều cần cân nhắc.
Ông HOÀNG VĂN ĐẠI, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn):
Chủ động việc sử dụng nước
Chính quyền địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo xâm nhập mặn để chủ động việc sử dụng nước.
Hiện nay cơ quan khí tượng thủy văn chúng tôi thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn định kỳ cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tại địa phương, khi mặn tăng đột xuất thì có bản tin tăng cường để phục vụ kịp thời. Các thông tin được chuyển tải trên Zalo, Facebook, nhóm phòng, chống thiên tai tại địa phương.
Các bản tin dự báo xâm nhập mặn với tần suất 10 ngày/bản tin, dự báo độ mặn cao nhất đến từng điểm quan trắc, dự báo ranh mặn 1‰ và 4‰ đến từng sông chính trên địa bàn tỉnh, số liệu độ mặn được cập nhật, gửi đến các địa phương hằng ngày tại các điểm quan trắc.•