‘Ông lớn’ địa ốc nào có nhiều dự án đang chờ tháo gỡ thủ tục?
V.Dũng
(TBKTSG Online) - Hàng loạt dự án bất động sản TPHCM đang chờ tháo gỡ khó khăn; trong đó, Novaland có 10 dự án đang bị vướng mắc pháp lý chờ giải quyết, Himlam đang xin được đóng tiền để triển khai, Đại Phúc thì đề xuất hoán đổi để làm nhà ở xã hội. Các dự án gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý không chỉ khiến chủ đầu tư thiệt hại, mà quyền lợi của nhiều người dân cũng bị ảnh hưởng.
Dự án của Novaland tại Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn chưa thể triển khai. Ảnh minh họa: Bình Nguyên |
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đề cập báo cáo tổng hợp hàng chục doanh nghiệp bất động sản gặp vướng mắc chưa được giải quyết để triển khai dự án. Trong đó có nhiều doanh nghiêp với hàng loạt dự án có quy mô lớn đang ‘nằm’ chờ thông thủ tục nhiều năm qua.
Novaland còn vướng mắc ở 10 dự án
Tập đoàn Novaland cho biết thời gian qua UBND TPHCM và các sở ngành đã xem xét, giải quyết được 4 dự án trong tổng số 14 dự án có vướng mắc trước đây. Hiện nay, còn 10 dự án đang được thành phố và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét giải quyết.
Cụ thể gồm dự án Khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 hiện đã được UBND TPHCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng; Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 hiện đã được UBND TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án; 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành tích cực xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Đáng chú ý là dự án 30,2 héc-ta tại phường Bình Khánh, quận 2 hiện các Bộ ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Song song đó các Sở ngành tại TPHCM vẫn đã và đang rất nỗ lực tìm kiếm, đề xuất các giải pháp báo cáo Bộ ngành Trung ương, Chính phủ để sớm có hướng xử lý theo các quy định pháp luật có liên quan.
Tập đoàn Novaland bày tỏ mong muốn thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trước những khó khăn thách thức hiện nay và tin tưởng rằng Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND TPHCM và các Sở, ngành sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại; cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án.
Hiệp hội đề nghị UBND TPHCM và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm xem xét, giải quyết có lý có tình các kiến nghị của Novaland, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển ổn định sản xuất kinh doanh và góp phần thực hiện “Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị” của thành phố.
Him Lam xin được đóng tiền để làm dự án
Công ty Him Lam là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức), có diện tích 2,16 héc-ta với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010.
Dự án này là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9, do Công ty cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án.
Phía Him Lam cho biết do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng và dự án này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, nên Dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Công ty Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.
Theo đó, Công ty Him Lam đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án, để Công ty Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính của dự án theo quy hoạch được duyệt.
Hiệp hội thống nhất với Công ty Him Lam đề nghị UBND TPHCM xem xét giao đất Dự án Khu nhà ở Him Lam cho Công ty Him Lam để công ty thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, để có cơ sở cấp “sổ đỏ” cho khách hàng.
Đại Phúc xin hoán đổi vị trí để làm nhà ở xã hội
Công ty Đại Phúc là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Vạn Phúc có diện tích 198 héc-ta tại phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án, có các khu đất dành cho các công trình giáo dục, y tế và phải dành 20% diện tích đất dự án đã xây dựng hạ tầng để phát triển nhà ở xã hội trong dự án.
Khu đô thị Vạn Phúc tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: DNCC |
Đề xuất về quyền được đầu tư công trình giáo dục, y tế trong dự án, phía Đại Phúc cho biết trước đây, theo Luật Đất đai 2003, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư trên lĩnh vực giáo dục, y tế thì chủ đầu tư dự án nếu có nhu cầu xin được đầu tư các công trình giáo dục, y tế trong phạm vi dự án thì được Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu trình UBND TPHCM để chấp thuận chủ trương đầu tư. Khi thực hiện các dự án này thì chủ đầu tư phải thuê lại đất của Nhà nước. Nhưng hiện nay, tất cả hồ sơ xin đầu tư trong trường hợp này đều bị dừng lại, chưa được giải quyết.
HoREA thống nhất với Công ty Đại Phúc đề nghị UBND TPHCM, Chính phủ xem xét cho phép các chủ đầu tư dự án được thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế trong phạm vi dự án nếu có nhu cầu.
Về đề nghị hoán đổi vị trí để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội của dự án, theo quy định của pháp luật về nhà ở, các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 héc-ta trở lên phải dành 20% diện tích đất dự án đã xây dựng hạ tầng để phát triển nhà ở xã hội trong dự án.
Tuy nhiên trên thực tế, có những dự án nhà ở thương mại cao cấp không phù hợp cho việc bố trí nhà ở xã hội trong dự án, hoặc không phù hợp với quy hoạch của địa phương, nên tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã quy định, đối với trường hợp bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội không phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc có bố trí nhưng không đủ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận.
Công ty Đại Phúc có nhu cầu xin hoán đổi vị trí để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án khác có giá trị tương đương.
Hiệp hội đề nghị Công ty Đại Phúc có văn bản đề xuất Sở Xây dựng trình UBND TPHCM xem xét, nếu xét thấy không phù hợp với quy hoạch của địa phương, thì thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận…
Xem thêm: lmth.cut-uht-og-oaht-ohc-gnad-na-ud-ueihn-oc-oan-co-aid-nol-gno/531413/nv.semitnogiaseht.coaid