Tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 10% trong năm 2021 và tận dụng được lợi ích từ các hiệp định, doanh nghiệp dệt may phải chuyển mình, thay đổi cơ cấu sản phẩm và cạnh tranh giá cả với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Cùng kỳ năm trước, khẩu trang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Tổng công ty May 10, thế nhưng năm nay doanh nghiệp này đã có thể quay trở lại xuất khẩu những mặt hàng truyền thống. Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, họ đã có đơn hàng sơ mi đến tháng 7/2021.
Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may ghi nhận những tín hiệu tích cực. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Giống như mọi năm, chúng tôi phải đối mặt với 2 khó khăn: về nguồn hàng do tính mùa vụ và khó khăn về lực lượng lao động tuyển mới. Năm nay, chúng tôi có đầy đủ nguồn hàng, thậm chí chúng tôi có lượng khách hàng đặt hàng đến hết tháng 8", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết.
Hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may ghi nhận những tín hiệu tích cực với tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu sợi tăng đến 41% sau 24 tháng sụt giảm. Nhiều cơ hội được mở ra với xuất khẩu dệt may Việt Nam.
"Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên toàn cầu là tương đối tốt cộng với hình ảnh Việt Nam kiểm soát dịch tốt nên các đối tác có xu hướng chuyển dịch mua hàng Việt Nam, ưu tiên Việt Nam hơn", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chia sẻ.
Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên toàn cầu là tương đối tốt. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhiều thời cơ nhưng cũng lắm thách thức. Đơn hàng tăng, nhưng giá thành sản phẩm giảm trung bình 15 - 20%, trong khi nguyên liệu dự báo tăng sẽ là bài toán mà các doanh nghiệp dệt may cần cân nhắc.
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch sản xuất từ những sản phẩm vốn là thế mạnh sang những sản phẩm mới cũng đòi hỏi cần thời gian để thích nghi và nghiên cứu thị trường.
Trong năm 2021, xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể tăng trưởng là 39 tỷ USD nếu thuận lợi và 38 tỷ USD trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, miếng bánh này sẽ không dành cho số đông, điều này khiến các doanh nghiệp dệt may lớn và cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chuyển mình để nắm bắt cơ hội.
VTV.vn - Năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, mức kế hoạch cao tương đương năm 2019, nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.37581725111301202-man-uad-gnaht-iah-gnort-7-gnourt-gnat-yam-ted-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv