Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc đàm phán về khí hậu lớn đầu tiên kể từ khi ông lên nắm chính quyền. Đây là một sự kiện mà Mỹ hy vọng sẽ giúp định hình, tăng tốc và làm sâu sắc hơn các nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm nhiên liệu hóa thạch gây ảnh hưởng đến khí hậu ô nhiễm, các quan chức chính quyền Mỹ nói với hãng tin AP.
Tổng thống Biden đang tìm cách hồi sinh một diễn đàn về khí hậu từng được tổ chức dưới thời Tổng thống George W Bush và Barack Obama nhưng bị bỏ quên trong bốn năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Đây là một diễn đàn gồm 40 nước thành viên đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Diễn đàn dự kiến diễn ra vào hai ngày 22 và 23 tháng 4 và có thể sẽ được tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc đàm phán về khí hậu vào ngày 22 và 23 tháng 4. Ảnh: REUTERS
Phiên họp này sẽ kiểm tra cam kết của ông Biden rằng sẽ ưu tiên việc thay đổi khí hậu trong số các vấn đề nóng như chính trị, kinh tế, chính sách và đại dịch COVID-19.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã chế giễu các cảnh báo khẩn cấp của khoa học về sự nóng lên toàn cầu và hậu quả là hạn hán, lũ lụt, bão và các thảm họa thiên nhiên khác. Ông Trump cũng đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 2 năm nay, ông Biden đã tái gia nhập hiệp định kể trên. Điều này khiến hội nghị thượng đỉnh về khía hậu sắp tới càng đáng được chú ý hơn.
Trong thời gian gần đây, Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Biden đã có nhiều xung đột với Nga và Trung Quốc trong các vấn đề như can thiệp bầu cử, tấn công mạng, nhân quyền và nhiều vấn đề khác. Vậy nên, không rõ hai quốc gia này sẽ đáp lại lời mời của Mỹ như thể nào và liệu họ có sẵn sàng hợp tác Mỹ để cắt giảm khí thải hay không.
Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia phát thải ô nhiễm có hại cho khí hậu hàng đầu thế giới. Mỹ đứng vị trí số hai và Nga ở vị trí số bốn.