vĐồng tin tức tài chính 365

Quảng Ninh: Chuyển hướng, bớt phụ thuộc vào du lịch để vượt khó

2021-03-29 09:32

Từ những nhiệm kỳ trước, Quảng Ninh đã rục rịch chuyển hướng phát triển bền vững để không còn quá phụ thuộc vào ngành than và du lịch - một trong những thế mạnh đặc biệt của Quảng Ninh. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên khắp thế giới vào cuối năm 2019, sự chuyển hướng càng mạnh mẽ và trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Mong manh ngành du lịch

Ngoài di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử thì Quảng Ninh còn có khoảng 600 các di tích, danh lam thắng cảnh khác, cùng với núi rừng, biển đảo…

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi tất cả. Ngành du lịch trở nên vô cùng mong manh. Những đợt COVID-19 bùng phát đã vùi dập ngành du lịch Quảng Ninh, với hàng trăm con tàu du lịch hạng sang trên vịnh Hạ Long, hàng loạt các khách sạn lớn nhỏ, các khu du lịch nằm im. Những lần vừa được phép hoạt động trở lại thì đợt COVID-19 mới lại ào tới khiến giờ đây tình hình cơ bản đã yên ổn, nhưng những người làm du lịch cũng chẳng muốn khởi động trở lại, trong khi người dân cũng chẳng dám xách ba lô lên đường.

Đóng góp vào ngân sách của ngành du lịch ở Quảng Ninh chưa phải là lớn, nhưng tổng doanh thu từ du lịch năm 2019 của tỉnh này cũng đạt gần 29.500 tỉ đồng, đóng góp vào thu ngân sách nội địa 3.568 tỉ đồng.

Năm 2020, những người làm du lịch nói rằng hãy quên đi năm 2020 và trông chờ chút hy vọng cuối năm 2021. Nhưng đến hôm nay tất cả đều lắc đầu, nói rằng chẳng trông chờ phép màu gì nữa, vì COVID-19 sẽ còn tiếp diễn trong khi vaccine COVID-19 đại trà vẫn còn xa vời.

Khi COVID-19 chưa xuất hiện, mỗi năm Ban quản lý vịnh Hạ Long thu khoảng 1.000 tỉ đồng từ tiền bán vé tham quan vịnh Hạ Long. Năm 2020, đơn vị này chỉ thu được khoảng 230 tỉ đồng. Năm nay được giao 600 tỉ đồng, nhưng đến nay mới được khoảng hơn 2 tỉ đồng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 13 khẳng định ngành du lịch, dịch vụ vẫn là một trụ cột, nhưng trước đại dịch COVID-19, đã nhấn mạnh thêm chiến lược phát triển mới của Quảng Ninh: Công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tạo thế phát triển bền vững

Tại kỳ họp ngày 24.3 mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với thị xã Đông Triều (giai đoạn 1). Tuyến đường này dài 41,2km, gồm 10 làn, trong đó có 6 làn xe chạy tốc độ cao. Tổng số vốn cho tuyến đường này là 9.436 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách, sẽ mở ra một không gian phát triển mới cho Quảng Ninh, mà mục tiêu chính là nhằm thu hút các dự án lớn chuyên về sản xuất, chế biến, chế tạo đẳng cấp.

Tuyến đường này cũng góp phần kết nối các khu công nghiệp (KCN) lớn, như KCN Amata và KCN Cảng biển Đầm Nhà Mạc; thúc đẩy phát sự phát triển cho tam giác kinh tế Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng và khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Trước đó, khởi động cho hướng đi mới, Quảng Ninh đã cấp giấy phép đầu tư cho một tổ hợp sản xuất các linh kiện ôtô của Tập đoàn Thành Công tại KCN bên bờ vịnh Cửa Lục; 9 dự án FDI sử dụng công nghệ cao tại KCN Đông Mai và đón chào lô sản phẩm thiết bị điện tử công nghệ cao đầu tiên của tập đoàn Foxcon cũng tại KCN này.

Để đón các nhà đầu tư chuyên về chế biến, chế tạo, sản xuất công nghệ cao, Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông động lực vào các KCN, Khu kinh tế.

Xung quanh vịnh Cửa Lục, hai cây cầu Cửa Lục 1 và 3 đang tiếp tục được hoàn thành để kết nối các khu đô thị, KCN với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, dự kiến khánh thành vào năm tới - sẽ mở ra một không gian mới về phát triển kinh tế biển nữa cho Quảng Ninh. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cơ bản đã hình thành sẽ giúp kết nối nhanh với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các ngành, các địa phương liên quan phải nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, cơ chế chính sách để sớm đón các nhà đầu tư.

Theo ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - tất cả những vị trí đất đẹp ở những KCN, Khu kinh tế hoặc những khu vực đang hình thành do mở đường mới sẽ chỉ dành cho những nhà đầu tư lớn, có uy tín, với các dự án về sản xuất, chế biến, chế tạo hiện đại.

Theo quy hoạch, KCN Việt Hưng (TP.Hạ Long) trở thành KCN hỗ trợ, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô, sản xuất máy móc, thiết bị phụ trợ. KCN Cái Lân sẽ được quy hoạch, cơ cấu lại, chuyển đổi ngành nghề trở thành KCN thông minh, công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả đất đai.

KCN - cảng biển Hải Hà và KCN Hải Yên (Móng Cái) thành trung tâm công nghiệp thời trang, công nghiệp sáng tạo khu vực phía Bắc gắn với KKT Vân Đồn, hướng tới thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa với các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. KKT Vân Đồn phát triển thành trung tâm công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa có casino, du lịch biển đảo cao cấp. Đồng thời, nơi đây cũng sẽ tập trung thu hút phát triển một số ngành sử dụng công nghệ cao như: Y dược, sinh học, công nghệ nano, công nghệ năng lượng và môi trường...

Xem thêm: odl.555398-ohk-touv-ed-hcil-ud-oav-couht-uhp-tob-gnouh-neyuhc-hnin-gnauq/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quảng Ninh: Chuyển hướng, bớt phụ thuộc vào du lịch để vượt khó”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools