Mì quảng vịt/heo là món rất quen thuộc với người dân Phan Thiết - Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Là một người Phan Thiết (Bình Thuận), tôi hoàn toàn đồng ý với những gì tác giả nêu.
Cá nhân tôi cũng từng có bài viết trên báo Bình Thuận chỉ ra 6 điểm khác nhau cơ bản giữa món mì quảng Phan Thiết và mì Quảng ở xứ Quảng. Những nhận định nêu ra cũng tương tự thế.
Đáng nói là những ý kiến trái chiều bên dưới bài viết. Nói trái chiều, song kỳ thực đa phần ý kiến chụm lại ở chỗ "chê" nhiều hơn "khen".
Mọi người - có lẽ là những thực khách đã có dịp ăn qua mì quảng Phan Thiết, cho rằng món ăn này ngọt quá. Có độc giả bình luận: "Món chè quảng Phan Thiết đây mà". Thật, không biết nên buồn hay vui.
Một luồng ý kiến khác thì, đại ý, gay gắt rằng "nếu món ăn đã mang tên ‘mì Quảng’ thì hãy chế biến đúng theo kiểu ‘mì Quảng’ gốc", chứ đã biến tấu như kiểu mì quảng Phan Thiết thì… khó chấp nhận, là "đánh lừa thực khách" (nguyên văn bình luận). Có ý kiến cho rằng "bạn" phải "lấy tên của bạn", phải gọi là "mì Phan Thiết" mới đúng (!), chứ đừng "mượn tên".
Tôi tin chắc rằng nhiều người Phan Thiết - nhất là thế hệ trước - từ nhỏ đến lớn chỉ biết đến mỗi món ăn quê hương mà họ yêu thích là mì quảng Phan Thiết, chứ hầu như không hoặc hiếm khi có dịp tiếp xúc với món mì Quảng xứ Quảng.
Thực ra trong phạm vi tỉnh Bình Thuận, món mì quảng Phan Thiết phổ biến nhất là ở khu vực TP Phan Thiết. Tại một số địa phương trong tỉnh có đông người dân gốc Quảng vào đây sinh sống, lập nghiệp - như huyện miền núi Đức Linh, Tánh Linh chẳng hạn, món mì Quảng kiểu miền Trung vẫn có mặt và được ưa chuộng hơn.
Nước lèo mì quảng Phan Thiết có màu rất đặc trưng - Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Trừ việc tên giống tên, theo tôi, cũng rất khó xác định món mì quảng Phan Thiết có nguồn gốc từ đâu, xuất xứ thế nào, có phải ảnh hưởng từ món mì trứ danh ở xứ Quảng không.
Mà nếu giả chăng có ảnh hưởng, thì qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, sự biến đổi, sai khác trong ẩm thực là chuyện hết sức bình thường.
Người Phan Thiết rõ ràng không cố ý sử dụng "thương hiệu" mì Quảng như một cách "ngụy tạo" để làm chi hết. Thật oan quá!
Là người sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, ăn mì quảng ở đây từ lúc 3-4 tuổi, đến nay đã gần 30 năm, thì cũng là chừng ấy thời gian món mì quảng Phan Thiết có mặt ở đó. Người dân Phan Thiết như vậy đã quen thuộc với hương vị và tên gọi của món ăn này từ lúc nào rồi.
Mì quảng Phan Thiết chỉ có hai loại "nhân" là thịt vịt hoặc thịt heo, tuyệt đối không có gà hoặc hải sản - Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Trong mấy chục bình luận trên Tuổi Trẻ Online, hiếm hoi lắm mới có ý kiến rằng "đừng chỉ trích ẩm thực địa phương khác mà hãy tôn trọng nó!". Đúng vậy.
Nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Sự đa dạng trước hết đến từ tính chất đa tộc người, đa vùng miền, mà trong những biểu hiện dễ thấy nhất, chính là ở văn hóa ẩm thực.
Người Hà Nội có thể không ít lần… lắc đầu trước những món ăn Sài Gòn.
Người miền Trung có thể không ít lần… chau mày trước những món ăn miền Tây.
Người miền xuôi có thể không ít lần... e dè trước những món ăn miền núi.
Song vượt trên tất cả, rất cần một tinh thần khoan hòa văn hóa. Mình ăn ngon chưa chắc người khác thấy ngon, nhưng cũng xin đừng vội vàng buông lời "dè bỉu". Thời đại thế giới phẳng, toàn cầu hóa, lại càng cần đến tinh thần khoan hòa văn hóa hơn bao giờ hết.
Trên báo chí, không khó để bắt gặp những tít bài kiểu như "10 món ăn kinh dị nhất…", "Những món ăn đáng sợ nhất…". Điều đó rất thực không nên.
Bạn sẽ nghĩ sao nếu người phương Tây nhăn mặt, bịt mũi, "khóc thét" và dùng những từ như "kinh dị", "đáng sợ" cho nước mắm - vốn được xem là quốc hồn quốc túy của Việt Nam ta?
Lướt đọc hết comment trên Tuổi Trẻ Online, là một người địa phương, thú thật, hơi có chút buồn và tự ái. Xin được ghi ra đôi dòng chia sẻ.
Mì Quảng chỉ ăn với nước lèo chan xâm xấp - Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Nhà văn xứ Quảng Nguyễn Nhật Ánh có tập tản văn nổi tiếng Người Quảng đi ăn mì Quảng, cũng là tựa một bài viết trong tập sách ấy.
Khó tính nhất với món mì Quảng hẳn không ai bằng chính những người dân "Quảng Nam hay cãi". Mỗi người sẽ có "tiêu chuẩn" của riêng mình cho thế nào là tô mì Quảng chính hiệu.
Vì, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lý giải: "Bởi mì Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức và trải nghiệm của từng người!".
Vậy thì, với món ăn của những vùng miền khác, dù có quá lạ lẫm với ta, hay không hợp khẩu vị, hoặc thậm chí là… dở tệ, thì cũng xin bạn hãy luôn nhớ rằng, món ăn đó chắc chắn là "ký ức và trải nghiệm" của không ít người khác.
Xin hãy thật tôn trọng và khoan hòa văn hóa trước ẩm thực. Cảm ơn bạn.
6 điểm khác biệt cơ bản giữa mì Quảng (xứ Quảng) và mì quảng Phan Thiết
Sợi mì: mì Quảng có sợi màu vàng hoặc trắng, dẹt, bản to; trong khi mì quảng Phan Thiết dùng sợi hủ tíu tươi, trắng, bản nhỏ (có thể kèm vắt mì vàng).
Lượng nước lèo: mì Quảng nước rất ít hoặc chan xâm xấp mặt; ngược lại mì quảng Phan Thiết nhiều nước hơn hẳn, tối thiểu phải ngập mặt lượng mì trong tô.
Mì quảng Phan Thiết - Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Nhân mì: mì Quảng có thể cho vào tôm, cá, thịt heo, thịt gà, trứng…; nhưng mì quảng Phan Thiết chỉ dùng thịt heo hay thịt vịt (hiếm khi là thịt gà), song tuyệt đối không có nguyên liệu hải sản. Thêm một lưu ý nhỏ, trong gia vị ướp thịt, mì Quảng có dùng củ nén, còn mì quảng Phan Thiết thì không.
Hương vị: mì Quảng có vị đằm, mặn, cay hơn một chút (ảnh hưởng của nền ẩm thực miền Trung?), so với mì quảng Phan Thiết vốn nổi trội hơn ở vị ngọt (ảnh hưởng của nền ẩm thực miền Nam?).
Món ăn kèm: mì Quảng được dùng kèm với bánh tráng nướng và nhiều loại rau sống khác nhau, còn mì quảng Phan Thiết thì không ăn kèm bánh tráng, và chủ yếu được ăn chung với húng lủi, bèo và giá.
Màu sắc chủ đạo tổng thể: mì Quảng có màu vàng tươi (vàng nghệ); mì quảng Phan Thiết có màu cam đỏ nổi bật của màu dầu điều.
TTO - Người dân ở Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung chắc chắn không ai là không biết đến món mì quảng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết mì quảng nào là mì quảng nào.
Xem thêm: mth.42295855122402202-teiht-nahp-gnauq-im-iov-iol-gnan-gnud-nix/nv.ertiout