Ông Vương Thụy Kiệt gây ấn tượng khi lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Singapore vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu - Ảnh: REUTERS
Phó thủ tướng Vương, người năm nay vừa tròn 60 tuổi, được kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Singapore, thay thế ông Lý Hiển Long.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến ông Lý quyết định tiếp tục ở lại với lý do sẽ chèo lái con thuyền Singapore đi qua bão tố an toàn, trước khi chuyển giao lại cho thế hệ lãnh đạo mới.
Trong lá thư được công bố ngày 8-4, ông Vương nhắc đến COVID-19 và cho rằng mình sẽ không đủ thời gian để làm nhiều việc cho Singapore.
"Vì cuộc khủng hoảng còn kéo dài, cho đến khi nó kết thúc, có lẽ tôi cũng đã ở độ tuổi 65", ông Vương viết và so sánh với 3 thủ tướng đầu tiên của Singapore, những người đã bắt đầu làm thủ tướng khi chỉ mới xấp xỉ 50 tuổi.
Theo Đài Channel News Asia (CNA), tuyên bố của ông Vương đã gây sốc và đau buồn cho nhiều người. Một số người lo ngại quyết định này sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của Đảng Hành động nhân dân (PAP) trong mắt người dân.
Theo báo Straits Times, quyết định rút lui được ông Vương đưa ra lần đầu tiên trong một cuộc họp của nhóm 4G (cách gọi tắt về nhóm lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore) vào chiều 7-4.
Việc ông Vương rút khỏi vị trí người kế thừa ông Lý buộc PAP, mà trực tiếp là nhóm 4G, phải ngồi lại thảo luận và chọn ra lãnh đạo mới.
Theo CNA, ông Vương vẫn sẽ là thành viên của nhóm 4G và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Điều phối chính sách kinh tế.
Tuy nhiên, ông sẽ rời khỏi ghế bộ trưởng trong cuộc cải tổ nội các dự kiến diễn ra trong 2 tuần nữa. Trong thông báo ngày 8-4, ông Lý Hiển Long xác nhận ông Vương vẫn sẽ là trợ lý thứ nhất của tổng thư ký PAP, tức trợ lý của ông trong PAP.
Một thông báo riêng khác của nhóm 4G nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Singapore lúc này là "giải quyết những thách thức cấp bách trước mắt của Singapore, đảm bảo đưa Singapore vươn lên mạnh mẽ hơn từ khủng hoảng COVID-19".
Do đó, việc lựa chọn người đứng đầu nhóm 4G sẽ cần thêm thời gian và hi vọng người dân Singapore sẽ thông cảm khi có một người khác thay thế ông Vương.
"Chúng tôi đã đề nghị ông Lý Hiển Long tiếp tục giữ chức thủ tướng đến khi có một người kế nhiệm mới được nhóm 4G lựa chọn và sẵn sàng tiếp quản công việc. Chúng tôi rất biết ơn vì thủ tướng Lý đã đồng ý với đề nghị của chúng tôi", nhóm 4G thông báo.
Như vậy, khả năng ông Lý Hiển Long về hưu trước tuổi 70 như nguyện vọng cá nhân khó có cơ hội thành hiện thực. Ông Lý năm nay đã 69 tuổi và đã bày tỏ nguyện vọng nghỉ ngơi từ lâu, song COVID-19 đã khiến mọi thứ vượt ngoài dự tính.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Ong Ye Kung lưu ý việc chọn người kế nhiệm ông Lý không nên được xem như một cuộc cạnh tranh quyền lực. Theo ông Ong, nhóm 4G không chọn "ông chủ", mà chỉ chọn người có khả năng phát huy tài năng và sức mạnh của mọi người.
Cách đây 2 năm rưỡi, nhóm các bộ trưởng thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Singapore đã chọn ông Vương là người đứng đầu. Hiện nhóm này gồm 32 người đang giữ chức bộ trưởng và tương đương thứ trưởng hoặc các chức vụ khác trong Chính phủ Singapore.
TTO - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã công bố nội các mới hôm 25-7, với sự hiện diện của nhiều gương mặt cũ trong chính phủ kỳ trước.
Xem thêm: mth.92695159090401202-iul-tur-ob-neyut-ogn-tab-eropagnis-gnout-uht-ehg-auht-ek-iougn/nv.ertiout