Ông Nguyễn Văn Liêm (giữa), người hiến đất và tham gia chương trình lao động đổi công của Oxfam, cùng dân làng thôn Cao Cảnh làm con đường đất phục vụ sản xuất ngày 24-3-2021 - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Trong mùa mưa lũ vừa rồi, ca sĩ Thủy Tiên trong vòng 1 tuần đã huy động được gần 200 tỉ đồng giúp bà con miền Trung. Đó chính là cơ hội để chúng ta kêu gọi lòng tương thân tương ái, tinh thần lá lành đùm lá rách, một truyền thống văn hóa rất tốt của người Việt Nam. Trách nhiệm của Nhà nước hay các cơ quan là phải tạo điều kiện và nuôi dưỡng những tinh thần này của người Việt.
Ông Phạm Quang Tú (phó giám đốc Oxfam Việt Nam)
Nhưng có phải làm từ thiện chỉ hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân? Câu chuyện tổ chức Oxfam huy động nguồn hỗ trợ quốc tế để khắc phục hậu quả của mưa lũ lịch sử ở miền Trung năm ngoái gợi nhiều suy ngẫm về "làm từ thiện chuyên nghiệp".
Lao động đổi công
Sáng một ngày cuối tháng 3, đại diện hơn 30 hộ dân ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vác cuốc ra làm một con đường đất ở giữa cánh đồng hoa màu hàng chục hecta. Con đường này được xây để phục vụ sản xuất, đồng áng trong thôn, cũng như kết nối với các thôn khác.
Thôn Cao Cảnh là một trong những khu vực bị nhấn chìm trong dòng nước lũ hung hãn tháng 10 năm ngoái. Con đường thẳng thớm, kiên cố được xây tại khu vực từng bị sạt lở nặng nề.
Đáng chú ý là dân làng được trả công làm đường bằng tiền hỗ trợ từ thiện theo hình thức "lao động đổi công", thuộc dự án Cứu trợ nhân đạo và phục hồi sau lũ miền Trung Việt Nam của tổ chức quốc tế Oxfam.
Ông Hoàng Văn Nguyên, cán bộ của Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD) - đơn vị hợp tác với Oxfam, giải thích "lao động đổi công" nôm na là thay vì chính quyền xã bỏ ngân sách ra cải tạo, tu sửa các công trình dân sinh, sản xuất như đường giao thông liên thôn, giao thông nội đồng, mương thủy lợi nội đồng..., thì dự án của Oxfam hỗ trợ bằng cách trả tiền cho bà con làm các công trình này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - trưởng thôn Cao Cảnh - cho biết sau quá trình bình xét công bằng, khách quan, 36 hộ ở thôn được chọn tham gia hình thức "lao động đổi công", mỗi hộ nhận tối đa 1 triệu đồng tiền công làm đường. Đại diện các hộ này tham gia xây đường, người lớn tuổi nhất là 70, nhỏ tuổi nhất là 29.
Không chỉ hưởng ứng làm con đường đất trên, ông Nguyễn Văn Liêm (59 tuổi) còn hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây nhiều con đường trong thôn. Ông Liêm vừa cười vừa quệt mồ hôi nói: "Làm con đường này tuy vất vả nhưng nó giúp thôn có con đường đi lại, phục vụ thu hoạch hoa màu".
Công việc thường ngày của ông Liêm là phát rừng, làm rẫy, với thu nhập bấp bênh. Khi nghe tin hộ gia đình của ông được chọn tham gia chương trình "lao động đổi công", ông Liêm hào hứng tham gia vì nghĩ rằng nó mang lại lợi ích đủ đường: vừa có thêm thu nhập (tối đa 1 triệu đồng/hộ), có thêm con đường dân sinh, gặp gỡ hàng xóm láng giềng, tăng sự kết nối trong cộng đồng.
"Con đường này phục vụ đi lại, thu hoạch cây keo, ngô. Nhờ có con đường này, giá cả hoa màu đã tăng lên, bà con thêm thu nhập. Nhưng quan trọng là bà con được cùng làm chung với nhau nên rất vui" - bà Hằng chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Trưởng thôn Cao Cảnh chia sẻ thêm rằng con đường đất này không chỉ giúp tăng sự kết nối cộng đồng trong thôn mà còn giúp kết nối tốt với các thôn khác ở xã Cao Quảng, bởi vì rất nhiều dân làng ở các thôn khác đi qua con đường này.
Hỗ trợ quốc tế ngày càng giảm
Sau đợt mưa lũ lịch sử dọc dải miền Trung tháng 10 năm ngoái, Oxfam đã huy động tài trợ quốc tế khẩn cấp gần 1 triệu USD, từ Anh, Mỹ, Hà Lan và Canada. Tuy nhiên, nguồn tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng giảm sau khi chúng ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. May mắn là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng lớn mạnh và họ đóng góp rất nhiều cho công tác từ thiện.
"Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về tiếp nhận cứu trợ ra đời năm 2008. Tại thời điểm đó, Việt Nam vẫn được coi là quốc gia kém phát triển, phần lớn nguồn thiện nguyện và hỗ trợ dựa trên nguồn viện trợ của nước ngoài" - ông Phạm Quang Tú, phó giám đốc Oxfam Việt Nam - cho biết.
Theo đó, Oxfam Việt Nam đề xuất điều chỉnh nghị định 64 để có thể huy động hiệu quả hơn nguồn lực thiện nguyện trong dân, trong bối cảnh đất nước thường xuyên hứng chịu thiên tai ngày càng cực đoan hơn.
Xu hướng ngày càng nhiều cá nhân muốn làm từ thiện trực tiếp trong đợt mưa lũ ở miền Trung năm ngoái cũng đã được Chính phủ thấy rõ và giao Bộ Tài chính soạn thảo nghị định sửa đổi theo hướng phù hợp hơn.
Phát biểu tại một hội thảo về chính sách thiện nguyện ở Hà Nội ngày 30-3, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng bức tranh thiện nguyện thực tế đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết cấp bách như tình trạng tổ chức hoạt động từ thiện, cứu trợ còn thiếu chuyên nghiệp, chồng chéo, lãng phí.
"Nghị định 64 cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, cứu trợ. Xóa bỏ những hạn chế pháp lý không cần thiết cản trở hoạt động này. Giảm thuế cho những tổ chức và cá nhân làm từ thiện, cứu trợ cũng như có các giải pháp thiết thực để bảo vệ những tổ chức, cá nhân thiện tâm và tích cực làm từ thiện" - ông Dũng nhấn mạnh.
43.450
Ngoài gói "lao động đổi công", tổ chức Oxfam tại Việt Nam và đối tác đã hoàn thành triển khai cấp phát tiền mặt không điều kiện, cấp phát bồn chứa nước và các bộ dụng cụ vệ sinh cho hộ gia đình tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lịch sử vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị. 43.450 người, trong đó có 22.141 phụ nữ, được hưởng lợi từ chương trình này.
TTO - Các nghiên cứu và tính toán cho thấy trước đây số cơn bão ảnh hưởng đến phía Nam chỉ khoảng 0,2 cơn/năm, gần đây con số đã nhích dần lên 0,6 cơn/năm.
Xem thêm: mth.39590747091401202-peihgn-neyuhc-neiht-ut-mal/nv.ertiout