Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hôm 11-5 cho biết ông sẽ bổ nhiệm thủ tướng và nội các mới trong tuần này trong bối cảnh đất nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng khiến bạo loạn nổ ra ở khắp đất nước.
Theo Tổng thống Rajapaksa, thủ tướng và nội các mới sẽ chiếm đa số trong Quốc hội gồm 225 ghế của Sri Lanka. Ông đồng thời thông báo sẽ tiến hành cải cách hiến pháp để trao thêm quyền lực cho quốc hội.
“Tôi đang từng bước thành lập một chính phủ mới nhằm kiểm soát tình hình hiện tại, ngăn đất nước rơi vào tình trạng vô chính phủ cũng như duy trì các công việc quản lý đã bị tạm dừng” - nhà lãnh đạo Sri Lanka tuyên bố.
Một quan chức trong nội các Sri Lanka cũng tiết lộ Tổng thống Rajapaksa đang có kế hoạch gặp các chính trị gia đối lập trong vài ngày tới với hy vọng sẽ thành lập được một chính phủ mới.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: PEOPLES DISPATCH |
Tuyên bố của ông Rajapaksa được đưa ra sau khi Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka, ông P. Nandalal Weerasinghe trước đó cùng ngày cho biết ông sẽ nghỉ việc trong vòng vài tuần tới trừ khi sự ổn định chính trị được khôi phục.
Ông Weerasinghe, được bổ nhiệm vào tháng trước để giúp quốc đảo 22 triệu dân này tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử Sri Lanka, nhấn mạnh một chính phủ ổn định là điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn.
“Tôi đã nói rõ với tổng thống và các nhà lãnh đạo đảng chính trị khác rằng trừ khi ổn định chính trị được thiết lập trong hai tuần tới, tôi sẽ từ chức. Nếu không có sự ổn định chính trị, ai điều hành ngân hàng trung ương cũng không quan trọng, sẽ không có cách nào để ngăn chặn sự suy thoái kinh tế” -ông Weerasinghe nói.
Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã nổ ra hậu đại dịch COVID-19, khi nguồn thu nhập chính của hòn đảo từ các hoạt động du lịch và kiều hối bị dịch bệnh ảnh hưởng trầm trọng, khiến đất nước thiếu ngoại tệ cần thiết để trả nợ.
Tình trạng này buộc chính phủ Sri Lanka phải ngưng nhập khẩu nhiều mặt hàng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, lạm phát và mất điện kéo dài. Đây được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1948.
Sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa chống chính phủ, bạo lực đã bắt đầu bùng phát vào ngày 9-5 khi những người ủng hộ Thủ tướng Rajapaksa di chuyển từ vùng nông thôn vào thủ đô để đối đầu với phe người biểu tình.
Ngày 10-5, Sri Lanka tuyên bố giới nghiêm toàn quốc, triển khai hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát giữ an ninh sau khi xảy ra vụ bạo động kinh hoàng ngày 9-5 khiến 7 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương. Lệnh giới nghiêm dự kiến sẽ kéo dài tới sáng ngày 12-5.