vĐồng tin tức tài chính 365

Từ clip “đi xe số hơi dơ dơ”: Câu view bất chấp, xử sao?

2022-05-12 07:20

Mới đây, cộng đồng mạng đã có một phen “dậy sóng” khi xuất hiện một đoạn clip được đăng trên fanpage Hoàng Minh tiêu đề “bạn có người yêu đi xe số?”, với nội dung một cô gái trả lời phỏng vấn và khẳng định con trai mà chạy xe số thì hơi dơ dơ, không tử tế…

Tuy nhiên, sau đó đoạn clip được xác nhận đã bị cắt ghép, không đúng sự thật.

Sau vụ việc xảy ra, nhiều bạn đọc cho rằng trên thực tế cũng có nhiều trường hợp bị người khác lợi dụng hình ảnh để câu view trên mạng xã hội mà không dám lên tiếng.

Việc một người sử dụng hình ảnh của người khác để câu view thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt ra sao và cần phải làm gì để bảo vệ hình ảnh của mình trên mạng xã hội? Đây là những thắc mắc mà nhiều bạn trẻ đang đặt ra.

Từ clip “đi xe số hơi dơ dơ”: Câu view bất chấp, xử sao? ảnh 1

Đoạn clip gây xôn xao cộng đồng mạng nói về đàn ông đi xe số trong những ngày qua (trái)

và đơn trình báo của chị N gửi cơ quan chức năng. Ảnh: NVCC

Phỏng vấn một đằng, đăng một nẻo

Tối 9-5, nhiều cô gái rất bất ngờ khi phát hiện clip phỏng vấn của mình bị fanpage Hoàng Minh cắt ghép với những nội dung gây tranh cãi để câu view.

Một trong những người trả lời phỏng vấn trong đoạn clip câu view, chị HPN (22 tuổi) đã cho biết ngày 4-3, chị có lên Đà Lạt chơi với bạn, buổi tối khi đang loanh quanh dạo chơi thì có một thanh niên chạy đến xin phỏng vấn. Đầu tiên, thanh niên này muốn phỏng vấn về thức ăn bẩn ngoài đường nhưng chị từ chối.

Sau đó, người thanh niên cố gắng thuyết phục trả lời với nội dung hỏi về kiểu con trai mà chị ghét. Chị N đã trả lời không thích con trai gia trưởng, bảo thủ, hay kiểm soát và vũ phu… Thế nhưng nội dung trả lời phỏng vấn của chị N không hề đề cập trong đoạn clip được đăng tải có hình ảnh của chị.

Theo thông tin trên trang cá nhân của chị N, chị đã nộp đơn trình báo đến cơ quan Công an TP Huế (nơi chị đang cư trú) về việc chị bị lợi dụng cắt ghép hình ảnh để nhờ cơ quan chức năng lấy lại trong sạch cho mình.

Chiều 10-5, chủ nhân của clip đang gây tranh cãi trên cũng đã xóa bài đăng và đã có video dài hơn 2 phút giải thích và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng.

Trong clip, người xưng tên là Hoàng Minh, chủ nhân fanpage Hoàng Minh, đã gửi lời xin lỗi và xác nhận rằng toàn bộ nội dung trong đoạn clip “cô gái chê xe số” là cắt ghép.

Nên hạn chế đăng những hình ảnh cá nhân của mình trên mạng xã hội để hạn chế bị người khác lấy lại, cắt ghép.

Giữ hình ảnh của mình trên mạng xã hội

Việc làm thế nào để tránh bị người khác sử dụng hình ảnh của mình trên mạng xã hội, ThS tâm lý Lê Minh Huân phân tích: Những bạn trẻ đa phần rất gần gũi, thân thiện và rất dễ chia sẻ. Cũng vì thế, nhiều bạn trẻ đang đi trên đường thấy có người đến xin phỏng vấn là cứ đồng ý trả lời ngay mà không cần biết họ phỏng vấn vì cái gì, mục đích cuộc phỏng vấn là gì. Những trường hợp như vậy khá nguy hiểm và dễ bị lợi dụng hình ảnh.

Chính vì thế, các bạn trẻ cần lưu ý nếu được phỏng vấn thì cần hỏi rõ người phỏng vấn là ai, ở đơn vị nào, phỏng vấn mình với mục đích gì… Ngoài ra, khi phỏng vấn xong thì mình cần phải đưa ra yêu cầu được xem lại đoạn phỏng vấn trước khi được đăng tải. Đây là những yêu cầu chính đáng của người được phỏng vấn.

Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cũng nên cẩn trọng khi đưa hình ảnh cá nhân lên mạng. Ví dụ, cũng có một số bạn trẻ hiện nay không kiểm soát được việc đăng hình ảnh của mình lên. Có những bạn một ngày có thể đăng mấy chục tấm ảnh lên mạng xã hội. Việc đưa những hình ảnh cá nhân không kiểm soát sẽ rất dễ bị người khác lấy lại và gắn ghép vào một hoàn cảnh, tình huống khác không đúng với thực tế. Vì thế, chúng ta nên hạn chế đăng những hình ảnh cá nhân của mình trên mạng xã hội để hạn chế bị người khác lấy lại, cắt ghép.

“Nếu phát hiện người khác sử dụng hình ảnh của mình để gắn ghép sai sự thật, trước tiên phải lên tiếng trên trang cá nhân của mình. Sau đó, nên thu thập các thông tin cần thiết để trình báo cho các cơ quan chức năng, nhằm giúp tìm ra hướng giải quyết. Tuyệt đối chúng ta không nên phản ứng bằng cách công kích các đối tượng đăng như chửi bới, kết tội họ như thế, vô tình mình cũng là người vi phạm” - ThS Tuân lưu ý.•

Câu view bất chấp có thể vừa bị phạt tiền vừa phải bồi thường

Người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị xử phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022). Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. Lưu ý, mức phạt trên được áp dụng đối với tổ chức, đối với cá nhân mức phạt bằng 1/2 mức phạt của tổ chức.

Ngoài ra, trường hợp người vi phạm đăng tải, chia sẻ các thông sai sự thật mà gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu cá nhân đó bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Xem thêm: lmth.806976tsop-oas-ux-pahc-tab-weiv-uac-od-od-ioh-os-ex-id-pilc-ut/nv.olp

“Từ clip “đi xe số hơi dơ dơ”: Câu view bất chấp, xử sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools