Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, sáng 12-5 (theo giờ Washington D.C, tức ngày 13-5 giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Bài phát biểu chân thành, cụ thể, có tầm chiến lược của Thủ tướng tại sự kiện này đã được cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh.
Thủ tướng lắng nghe các doanh nghiệp Mỹ đặt câu hỏi. Ảnh: NHẬT BẮC |
Rất ấn tượng với các định hướng của Thủ tướng
Sau bài phát biểu của Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không, công nghệ, dược phẩm… đều bày tỏ sự đồng tình và đặt câu hỏi trực tiếp với Thủ tướng.
Lãnh đạo Tập đoàn GE ấn tượng với việc Thủ tướng khẳng định về chuyển đổi số. Ông muốn hỏi việc chuyển đổi số sẽ như thế nào và liệu công nghệ số của Mỹ có thể hỗ trợ gì cho sự chuyển đổi này.
Phó Chủ tịch AES cho hay doanh nghiệp của ông vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ (Bình Thuận) và đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực mới. Phó Chủ tịch tập đoàn này đề nghị Thủ tướng chia sẻ để có thể thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nhằm tận dụng được sự tăng trưởng của Việt Nam về phát triển kinh tế”.
Còn đại diện Energy Capital Việt Nam cho hay rất ấn tượng với kế hoạch “phi carbon” mà Thủ tướng và Việt Nam đã cam kết. Vị này cũng bày tỏ vui mừng vì dự án của họ tại Việt Nam đang tiến triển tốt.
Phó Chủ tịch Công ty Meta rất ấn tượng với cam kết lâu dài của Việt Nam về chuyển đổi số. Vị này đánh giá cao việc chuyển đổi số được thực hiện từ “sinh viên cho đến Chính phủ”. Điều quan trọng là “lòng tin số, chiến lược số với các đối tác, chính sách “internet mở” tại Việt Nam đang được khởi đầu tốt.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Abbott nói công ty của ông đã hiện diện tại Việt Nam 25 năm và hiện có tới 2.500 nhân viên người Việt. Ông lý giải nguyên nhân Abbott đầu tư lớn vào Việt Nam là vì Chính phủ Việt Nam cởi mở và Thủ tướng cũng vừa xác nhận hội nhập quốc tế là vấn đề quan trọng. Vị này đề nghị Thủ tướng giải thích rõ hơn về chính sách y tế để Abbott có thể hiểu rõ hơn nhằm có kế hoạch trong tương lai.
Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được cử tọa hoan nghênh, tán đồng. Ảnh: NHẬT BẮC |
Việt Nam đang tận dụng tốt kinh nghiệm của các nước đi trước
Trả lời những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đề cập, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ông và Chính phủ Việt Nam đã và đang làm tất cả để có một môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, an toàn cho mọi chủ thể.
Thủ tướng khẳng định: Chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, lĩnh vực y tế, phòng chống dịch, cải thiện môi trường kinh doanh, an ninh mạng… là những vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu. Với Việt Nam, ngoài việc lấy người dân làm trung tâm, đề cao sự tham gia của người dân thì việc đề cao chủ nghĩa đa phương cũng được coi là giải pháp tốt.
“Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do tôi làm Trưởng ban. Nhiều chỉ đạo lớn, căn bản đã được tiến hành và thực thi. Đây cũng chính là cách để “biến không thành có, biến cái không thể thành có thể”- Thủ tướng khẳng định. Ông cho hay, về chuyển đổi số thì Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân lực để chuyển đổi số, có thể kế thừa bài học kinh nghiệm từ các nước đi trước và Việt Nam đang tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn phục vụ chuyển đổi số.
Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng khẳng định Việt Nam triển khai các giải pháp là để chung tay “bảo vệ trái đất chúng ta đang sống”. Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia cũng do ông đứng đầu nhằm thực hiện cam kết tại Hội nghị và đang quyết liệt triển khai các giải pháp. Lĩnh vực này có nhiều vấn đề quan trọng, từ chuyển đổi năng lượng cho đến công nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ chăm chú ghi chép và lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời - Ảnh: CHÂN LUẬN |
Lòng tin, trách nhiệm và chân thành là chìa khóa
Về chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng nói, đây là vấn đề khó, phải có cách tiếp cận công bằng, công lý. Các nước phát triển phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển về thể chế, công nghệ, tài chính, nhân lực, quản trị. Các nước đang phát triển cũng phải nỗ lực, cố gắng trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi là một nước phát triển nhưng đang phải làm những việc như các nước phát triển làm. Giống như một người 15, 16 tuổi đang làm việc những người 30 tuổi làm" - Thủ tướng chia sẻ.
Đề cập đến sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng phía Mỹ và các đối tác trao đổi, phân tích để làm rõ nội hàm cụ thể của các trụ cột trong khuôn khổ này. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các hoạt động hợp tác phục vụ cho hòa bình, ổn định, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, vì lợi ích của người dân.
Nhắc lại một số khó khăn và trắc trở trong quá trình các nước đàm phán và thông qua Hiệp định TPP (nay là CPTPP), Thủ tướng cho rằng, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.
“Phút nói thêm” đầy xúc động của Thủ tướng
Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã “xin một phút để nói thêm một điều”.
Ông cho hay vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam cũng như tìm kiếm các liệt sĩ của Việt Nam đang được thực hiện tốt. Việc khắc phục hậu quả chất độc da cam, tẩy sạch các chất độc trong đất, rà phá bom mìn cũng được thực hiện.
Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ mất tích và vừa qua một số cựu chiến binh Mỹ đã cung cấp thông tin giúp Việt Nam tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ. Việt Nam cũng còn 3 triệu người hiện vẫn chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Về phần mình, Việt Nam đã hết sức tích cực và sẽ tiếp tục hỗ trợ phía Mỹ tìm kiếm các quân nhân mất tích (MIA). “Tôi hết sức xúc động! Xin cảm ơn các bạn!”- Thủ tướng nói.
Những phát biểu này của Thủ tướng nhận được sự chia sẻ và đồng tình cao từ các đại biểu tham dự buổi làm việc, đặc biệt là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và các vị cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam có mặt.