Tạo thuận lợi hơn cho việc sử dụng căn cước
Theo đó, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị nêu rõ việc đề xuất quy định về việc ghi nơi cư trú trên căn cước, đồng thời đánh giá kinh phí phát sinh cho việc thay đổi mẫu căn cước.
Giải trình nội dung này, Đại tướng Tô Lâm nêu rõ dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay.
Đồng thời sửa đổi quy định về thông tin số căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...
Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.
Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên căn cước.
Bộ Công an cũng lý giải việc chỉnh lý thông tin “nơi thường trú” in trên căn cước công dân thành “nơi cư trú” in trên căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Cũng theo quy định này, tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp căn cước; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.
Dự thảo luật cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về việc ghi thông tin nơi cư trú trên căn cước để bảo đảm phù hợp với các trường hợp trong thực tiễn.
Cạnh đó, việc cấp đổi căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của người dân (không bắt buộc).
Trong khi chưa có điều kiện thực hiện thủ tục cấp đổi căn cước thì người dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã quy định rõ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi. Khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang căn cước.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Cùng với đó, căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như căn cước được quy định tại luật này.
"Như vậy, việc đổi tên căn cước công dân thành căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội", báo cáo nêu rõ.
Không cần thiết quy định bắt buộc thu thập thông tin về nhóm máu
Liên quan đến đề xuất bắt buộc thu thập thông tin nhóm máu của người dân vào dữ liệu căn cước, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho hay việc thu thập thông tin về nhóm máu này được thực hiện trên cơ sở thông tin do người dân cung cấp (theo kết luận của cơ sở y tế) và việc chia sẻ dữ liệu về y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do vậy, có thể có trường hợp người dân có hoặc không có thông tin này.
Cạnh đó, việc xác định rõ nhóm máu của người dân thuộc trách nhiệm của người dân đó hoặc trong quá trình khám chữa bệnh, cơ sở y tế sẽ thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu y tế và chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do vậy, đề nghị không cần thiết phải bổ sung quy định bắt buộc thu thập thông tin về nhóm máu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính khả thi.
Đại diện C06 cũng nêu rõ việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc…
Những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật sau đó chuyển cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Do vậy, không làm phát sinh thêm chi phí cho Nhà nước.
Thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31-12-2024 cơ bản không tác động đến người dân, giúp người dân thay đổi thói quen, sử dụng thẻ căn cước gắn chip điện tử.