Chuộng dùng vì tin vào chất lượng
Một trong những yếu tố dẫn đến chỉ định không bán ở một số thị trường nào đó là do tính phù hợp của sản phẩm với thể trạng của người tiêu dùng ở những thị trường đó. Do vậy, sản phẩm có chất lượng cao không hẳn luôn tốt cho mọi người tiêu dùng.
Hiện đang có thực tế là các loại mỹ phẩm, thực phẩm bị giới hạn bán ở một số thị trường nhất định lại được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng săn tìm, giá bán cũng bị đẩy lên cao do khan hiếm. Một đầu mối phân phối sữa bột Ensure tên P.K. rao bán sữa bột Ensure Original nội địa Mỹ loại 397g với giá 579.000 đồng/hộp, tăng gần gấp đôi so với cách đây gần 1 năm. Theo P.K., giá cao là do sản phẩm này có ghi dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico”.
Sữa Ensure Original nội địa Mỹ ghi nhãn “không bán ở Việt Nam và Mexico” vẫn đang bán ở các cửa hàng và trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng |
Cửa hàng N.N.H. trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM đang bán nhiều dòng sữa Ensure nội địa của nhiều nước trên thế giới như sữa nước Ensure Original của Mỹ, giá 270.000 đồng/lốc 6 hộp; sữa bột Ensure Vanilla Geschmack của Đức, giá 430.000 đồng/hộp 400g, sữa Ensure Complete alanced Nutrition của Úc, giá 360.000 đồng/hộp 400g; sữa Ensure Gold của Singapore, giá 446.000 đồng/hộp 400g. Người bán cho biết, dòng sữa Ensure Original của Mỹ bán chạy nhất.
“So sánh các dòng sữa Ensure với nhau thì sữa của Mỹ có chứa gần 30 loại vitamin và khoáng chất, chứa hàm lượng protein, sắt, kẽm lớn, dùng cho nhiều đối tượng và có nhiều tác dụng, trong khi sữa của các nước khác chỉ dùng được cho người già hoặc chỉ tốt cho xương hay đường tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng sữa của Mỹ thu hút khách hơn” - người bán nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, với sữa có nhãn hiệu khác, người mua cũng cố tìm dòng chưa được lưu hành ở Việt Nam. Chẳng hạn, các dòng sữa bột của Công ty Maeil (Hàn Quốc) là Absolute, Premium, Maeil mam’ma QT hoặc dòng sữa Meiji Step, Meiji Hohoemi.
Hay một thương hiệu mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung quen thuộc khác là DHC (Nhật Bản), có công ty và trang thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng nhiều người vẫn tìm mua sản phẩm nội địa, đi bằng đường máy bay, có hóa đơn mua hàng ở Nhật vì cho rằng sản phẩm nội địa luôn tốt hơn hàng nhập khẩu chính thức.
Mỗi nước có tiêu chuẩn khác nhau
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - cho biết, ông ít thấy sản phẩm ghi dòng chữ không được bán ở thị trường nhất định nào đó. Những trường hợp này thường là do sản phẩm bị kiểm tra nhiều lần nhưng vẫn không đạt các tiêu chí của nước sở tại hoặc trong sản phẩm có chất phù hợp với người dùng nước này nhưng không phù hợp với người dùng ở nước khác.
Ông dẫn chứng, mỗi nước trong khối châu Âu đều có bộ tiêu chuẩn khác nhau cho sản phẩm, như Na Uy không cho phép dùng sữa trong sản phẩm thực phẩm, nếu có thì không được nhập khẩu: “Các tiêu chí an toàn thực phẩm này không ghi trên bao bì sản phẩm nên nhà sản xuất sẽ dán nhãn hạn chế để không phải chịu trách nhiệm về sản phẩm nếu được vận chuyển và buôn bán ở nước không cho phép bán”.
Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - cho rằng, việc dán nhãn hạn chế là để phân biệt xuất xứ của sản phẩm. Người tiêu dùng thường cho rằng hàng nội địa sẽ tốt hơn do hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm cao hơn. Thực tế thì tiêu chuẩn, thể trạng của người dân ở Mỹ và châu Âu khác của người Việt Nam, dẫn đến công thức dinh dưỡng trong sản phẩm khác nhau. Do vậy, có thể người Âu, Mỹ dùng sản phẩm đó phù hợp nhưng người Việt lại bị dị ứng, tiêu chảy.
Bà nêu ví dụ, một số sản phẩm sữa nội địa Nhật Bản có các chuẩn về iod, biotin, mangan không đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam do nhu cầu dinh dưỡng của người Nhật và người Việt không giống nhau: “Tùy theo lứa tuổi, giới tính, mức độ lao động mà nhu cầu dinh dưỡng mỗi người, mỗi nước sẽ khác nhau. Không thể đánh giá sản phẩm nào phù hợp hơn sản phẩm nào. Việc chuộng sản phẩm nội địa xách tay, có dán nhãn hạn chế sẽ khiến người dùng dễ mua phải hàng giả, hàng bị cạo sửa hạn sử dụng hoặc chất lượng sản phẩm bị thay đổi do quá trình vận chuyển không đảm bảo”.
Nguy cơ mà bà Lưu Ngân Tâm lưu ý là có thật do đang có tình trạng nhập lậu hoặc núp bóng mặt hàng phân luồng xanh (hàng nhập khẩu được miễn kiểm tra giấy tờ). Trong năm 2014, Cục Hải quan TPHCM phát hiện 3 container sữa nước, trong đó có 8.000 thùng sữa Abbott Ensure Nutrition Shake ghi dòng chữ “không bán ở Việt Nam và Mexico”. Năm 2015, cơ quan này tiếp tục phát hiện 1 container được khai báo chở thép nhưng bên trong là sữa Ensure. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường TPHCM cũng bắt giữ hàng ngàn sản phẩm sữa Ensure nhập lậu.
Hãng sữa Meiji của Nhật Bản cũng từng gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp ngăn chặn, không thông quan đối với sản phẩm sữa nội địa Nhật Bản do hãng không thể kiểm soát được tình trạng trộn hàng giả vào hàng thật.
Khi mua những sản phẩm diện trên, người dùng còn đối diện với nguy cơ không nắm được các thông tin thu hồi sản phẩm ở nước ngoài liên quan đến chất lượng, có thể bị thiệt hại về tiền bạc, ảnh hưởng về sức khỏe.
Thanh Hoa