Tình hình đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng cao và không có dấu hiệu suy giảm. Nguy cơ lây nhiễm cũng gia tăng khi loại biến thể mới được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ đã được tìm thấy tại một số quốc gia khu vực này.
Biến thể Ấn Độ xuất hiện ở Malaysia
Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba hôm 2-5 cho biết nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng mới của dịch COVID-19, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ với khả năng lây nhiễm cao hơn, vài ngày sau khi quốc gia này ban lệnh cấm các chuyến bay đến từ Ấn Độ.
Hãng tin The Straits Times dẫn lời ông Adham tiết lộ biến thể B.1617 đã được phát hiện tồn tại trong một bệnh nhân nhiễm COVID-19 của một công ty Ấn Độ, có trụ sở tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.
"Chúng tôi khuyên người dân cả nước hãy bình tĩnh. Ngành y tế sẽ nỗ lực hết sức để tiếp tục để phá vỡ chuỗi lây nhiễm lần này và đảm bảo sức khỏe an toàn cho cộng đồng" - Bộ trưởng Y tế Malaysia tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Adham không tiết lộ thời điểm mà loại biến chủng mới này được phát hiện ở Malaysia.
Malaysia đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19. Ảnh: STRAITS TIMES
Trước đó, hôm 28-4, chính quyền Malaysia đã quyết định cấm các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ, cũng như cấm du khách từ bất kỳ điểm đến nào của Ấn Độ nhập cảnh vào nước này để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới.
Malaysia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc từ tháng 2, đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số 32 triệu người của quốc gia này trong vòng một năm.
Quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 3.418 trường hợp nhiễm mới hôm 2-5, nâng tổng số ca nhiễm lên 415.012 bệnh nhân, trong đó có hơn 1.500 người đã tử vong.
Thái Lan có số ca tử vong cao kỷ lục
Bộ Y tế Thái Lan hôm 2-5 đã ghi nhận thêm 1.940 ca nhiễm COVID-19 mới, với số bệnh nhân qua đời là 21 người, số ca tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này.
Người dân Thái Lan xếp hàng để được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, ngày 28-4. Ảnh: REUTERS
Thái Lan phần lớn đã kiểm soát được đại dịch thông qua việc đóng cửa và kiểm soát chặt chẽ biên giới. Nhưng làn sóng dịch thứ ba, bắt đầu vào đầu tháng 4, đã xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới, bao gồm biến thể B.117 có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Gần 2.000 trường hợp nhiễm mới hôm 2-5 đã nâng tổng số ca nhiễm của Thái Lan lên đến 68.984 kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Tổng số người tử vong vì COVID-19 ở quốc này hiện là 245 người.
Cho đến nay, Thái Lan đã tiến hành tiêm vaccine cho gần 1,5 triệu người, chủ yếu là các nhân viên y tế và nhóm người dễ bị phơi nhiễm, sử dụng vaccine của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (Anh) và Sinovan nhập khẩu từ Trung Quốc, hãng tin Reuters cho hay.
Campuchia kêu gọi bảo vệ người lao động khỏi COVID-19
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia tiết lộ đã ghi nhận 730 trường hợp nhiễm COVID-19 chỉ trong ngày 2-5, trong khi nước này đang vật lộn để kiềm chế làn sóng dịch mới xuất hiện khoảng hai tháng trước.
Quân đội Campuchia kiểm tra giấy tờ của người dân chờ để được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Phnom Penh, ngày 1-5. Ảnh: REUTERS
Campuchia là một trong những quốc gia báo cáo số ca nhiễm COVID-19 ít nhất trên thế giới, song đợt bùng phát gần đây được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 2 đã khiến số ca nhiễm mới tăng lên đến 14.520 người, với 103 bệnh nhân tử vong.
"Đại dịch COVID-19 tiếp tục đe dọa chúng tôi. Xin hãy tiếp tục cảnh giác bằng cách giữ gìn vệ sinh cho bản thân và cả xã hội. Các bạn cũng không nên rời khỏi nhà trước sự lây lan nghiêm trọng của dịch bệnh trong cộng đồng đất nước chúng ta, cũng như các nước láng giềng và toàn thế giới" - Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Campuchia viết trong một bài đăng trên Facebook.
Thủ đô Phnom Penh, nơi ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất cả nước, hiện đang bị phong tỏa cho đến ngày 5-5 và đã ra lệnh cấm người dân rời khỏi nhà ngoại trừ lý do cần thiết, theo Reuters.
Nhiều tổ chức công đoàn và tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính quyền Campuchia bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho người lao động. Ảnh: HRM ASIA
Trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp hơn, 36 tổ chức công đoàn và tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi chính phủ đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người lao động trong thời gian đại dịch diễn ra.
Theo đó, những tổ chức này khuyến nghị chính phủ tạo ra một cơ chế giám sát để theo dõi tình hình dịch bệnh, đặc biệt đối với các công nhân xây dựng. Chính phủ cần tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên, cung cấp khẩu trang và nước khử trùng, cũng như các vật liệu an toàn khác và cải thiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 trên các phương tiện giao thông mà người lao động sử dụng để đi làm.
Ngoài ra, các tổ chức này cũng kêu gọi chính phủ Campuchia theo dõi sát sao các công nhân của các nhà máy, Reuters đưa tin.
“Cho đến nay, khoảng 2.000 nhân viên tại hơn 90 nhà máy ở Phnom Penh và một số nhà máy khác đã nhiễm COVID-19. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay chính là sức khỏe và sự an toàn của người lao động, những rủi ro ở các nhà máy khác chưa phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19, cũng như việc người lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm khi quay trở lại nơi làm việc của họ trong tình trạng không được đảm bảo về sức khỏe và an toàn lao động" - đại diện các tổ chức cho hay.
Các khuyến nghị khác bao gồm tăng cường hoạt động truyền thông rõ ràng hơn về những cách bảo vệ sức khỏe cho người lao động, tiến hành các chương trình trợ giúp xã hội trong thời gian các nhà máy và công ty bị đóng cửa, cũng như tìm cách để giữ an toàn cho những người bán hàng rong.