Ảnh bà Huyền phi do người Pháp chụp tại phủ Vĩnh Quốc công, đăng trên tạp chí B.A.V.H. năm 1924 - Ảnh: tư liệu Thái Lộc chụp lại
Câu chuyện "vợ vua tái giá" gần như được giữ kín trong nội thân các dòng tộc có liên quan cho đến tận ngày nay.
"Có lạ chi mô chuyện nớ hè"...
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn kể tôi nghe thông tin hết sức lạ lùng: khi vua Thành Thái bị lưu đày tận châu Phi, bà Huyền phi ở Huế đã cải giá, làm vợ thứ của ông Thân Trọng Huề (1869-1925), một trọng thần triều Nguyễn.
Ông Sơn là chắt nội của Thượng thư Bộ hình Trần Đình Bá, từng nghe chuyện và gặp gỡ rất nhiều chứng nhân, đặc biệt các câu chuyện "thâm cung bí sử" của hoàng gia và các gia đình danh gia vọng tộc.
Ông Sơn cho biết trước khi vua Thành Thái rước người đẹp về cung, ông Thân Trọng Huề vừa học từ Pháp về được bổ làm quan đã chú ý đến tiểu thư đài các Nguyễn Hữu Thị Nga.
"Khi vua Thành Thái bị đày, đến thời Khải Định, Thân Trọng Huề làm thượng thư Bộ binh, đã thường tới lui với bà Huyền phi. Cuối cùng ông viết thư gửi sang ông Thành Thái xin cưới bà. Ông Thành Thái cũng viết thư về cho phép, và bà sống với ông Thân Trọng Huề một thời gian cho đến khi ông Huề qua đời" - ông Sơn cho biết.
Ông Sơn nghe nhiều người thuộc hoàng gia và gia đình danh gia vọng tộc ở Huế kể lại, mà người kể kỹ lưỡng nhất chính là bà Nguyễn Hữu Bích Tiên (cháu ngoại của vua Dục Đức, cháu nội của đại thần Nguyễn Hữu Độ, gọi Huyền phi là cô ruột).
Chồng bà Bích Tiên là Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn, từng theo hầu vua Bảo Đại giai đoạn sang học ở Pháp (bà nội ông Cẩn là chị gái bà Huyền phi).
"Bà Bích Tiên kể rằng thời Khải Định, khi người cô ruột Thị Nga vào cung thăm chị gái là hoàng thái hậu Thánh cung, nhà vua vời gặp, vừa cười quở chuyện Huyền phi tái giá rằng: "Chuyện chi mà lạ đời rứa".
Bà Nga mới ứng khẩu bằng một bài thơ tứ tuyệt, trong đó có hai câu: "Có lạ chi mô chuyện nớ hè/Chữ tình là rứa có chi ghê...".
Tất nhiên theo lệ, vợ của vua như "của để thờ" không ai được lấy, nếu quan nào lấy thì bị bãi chức ngay. Nhưng ông Thân Trọng Huề vừa là trọng thần, lấy cô ruột của vua Khải Định, có quan hệ thân tộc nên vẫn tại chức bình thường" - ông Sơn cho hay.
Nhân chứng đương thời
Chuyện Huyền phi nhất giai tái giá không thấy ghi trong chính sử. Nhiều nhà nghiên cứu Huế khi tôi hỏi cũng đều bất ngờ. Ngay cả nhiều thành viên Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc khi được hỏi đều lắc đầu. Ông Nguyễn Hữu Hồng Quân, thủ từ phủ thờ Vĩnh Quốc Công, cũng nói không biết chuyện xưa...
Tại phủ thờ cụ Thân Văn Nhiếp ở làng Nguyệt Biều của Huế, thủ từ Thân Trọng Dũng lần giở cuốn gia phả họ Thân cho tôi xem. Phần ông Thân Trọng Huề (con thứ ba của cụ Thân Văn Nhiếp) ghi: sinh năm 1869, mất tại Bộ học ngày 17-7-1925, khi còn tại chức Thượng thư Bộ học kiêm Bộ binh.
Gia phả chỉ ghi "Bà vợ ông là con gái ngài Kiên Thái Vương, tên Như Sắc, ấy là em gái vua Kiến Phước, vua Hàm Nghi và vua Đồng Khánh vậy. Bà mất trước ông, mả chôn ở thành Hà Nội". Họ có bốn người con, hai trai, hai gái. Và, vợ thứ Thị Nga... biệt tăm.
Tôi tìm cách liên hệ ông Thân Trọng Hoàng, gọi đại thần Thân Trọng Huề là cố nội đang sống ở TP.HCM.
Ông Hoàng nói ngay: "Tui có nghe chuyện khi bà cố tui mất thì ông cụ lấy bà Huyền. Bà Huyền nghĩa là bà phi của vua trong cung. Tui chỉ nghe bà nội kể lại như vậy thôi, chứ cũng chưa đọc tài liệu chi có ghi hết. Bà nội tui là dâu, chỉ biết chừng đó thôi. Những người con ruột cụ Huề có thể biết nhưng đã mất hết".
Thật may, sự việc đã được nữ sĩ Cao Ngọc Anh (1878-1970) "xác nhận" trong tập thơ Khuê sầu thi thảo in ở Sài Gòn năm 1961, ở bài thơ Vịnh vườn hoa của bà Huyền phi (khi đã lấy ông Thân Trọng Huề).
Cùng sự khéo léo nhắc chuyện tái giá, thi nhân còn có lời chúc con cháu đầy nhà: "Chị em thong thả dạo thành xuân/ Vừa tới danh viên thấy chủ nhân/ Non nước nhớ quên người cố cựu/ Cỏ hoa đưa đón khách thanh tân/ Tài bồi thợ tạo thêm hoa nhị/ Đề phẩm làng thơ bút nẩy thần/ Chắc hẳn sang năm vào chuyến nữa/ Lan kia đầy chậu quế đầy sân".
Nữ sĩ Cao Ngọc Anh (1878-1970) con nhà gia thế, là ái nữ quan đại thần Cao Xuân Dục, làm dâu quan đại thần Nguyễn Trọng Hợp. Bà rất giỏi Hán học, tài danh thơ phú, khi vào miền Nam tham gia (có thông tin nói bà "chủ soái") nhóm Quỳnh Dao quy tụ các nữ văn nhân...
Bà Cao Ngọc Anh lớn hơn Huyền phi ba tuổi, tức cùng thời; đọc qua bài thơ chứng tỏ bà đến thăm người bạn, lại là bạn thơ, tri âm tri kỷ. Tác giả cho in tập thơ lúc sinh thời nên nội dung có thể tin tưởng chính xác.
Cải táng về nằm cạnh con trai
Trở lại phủ thờ Vĩnh Quốc Công ở Kim Long, gia phả họ Nguyễn Hữu ghi rõ: bà Nguyễn Hữu Thị Nga sinh năm 1881, tấn nhập đại nội làm Huyền phi năm 1896; sinh hạ một trai, một gái là hoàng tử Vĩnh Giác và công nữ Lương Khanh.
Khi qua đời ngày 19-12-1945, người đẹp Huyền phi được "táng tại An Lăng gần lăng vua Thành Thái". Bia khắc: "Hoàng triều Thành Thái Huyền phi Nguyễn Hữu Thị Nga".
Gia phả cũng ghi thêm: "Năm 2006, cháu nội là Công Tôn Nữ Liên Châu cải táng về chôn tại nghĩa trang Long Hương, tỉnh Bình Thuận". Một vị nhất giai phi, nằm gần đấng quân vương mà phải cải táng đi nơi khác nghe ra quá đỗi bất thường đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu ngọn nguồn.
Sau khi Huyền phi mất gần chín năm, tháng 3-1954, cựu hoàng Thành Thái mới qua đời ở Sài Gòn, được đưa về Huế táng tại An Lăng - khu lăng mộ vua Dục Đức và con cháu thuộc phường An Cựu, TP Huế. Đến ngày 23-8-2006, bà Liên Châu gửi đơn đến UBND phường An Cựu xin cải táng bà nội và được đồng ý.
Hai ngày sau, bà cùng hai người khác là Nguyễn Phước Bảo Điền và Nguyễn Phước Quý Phong đã đưa di cốt lên tàu vào Bình Thuận; ngày 27-8-2006 thì cải táng tại nghĩa trang xã Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nhiều khả năng khi hoàng phi tái giá tuổi đã cao, khoảng ngoài 40, chỉ chung sống ít năm thì người chồng mới qua đời, không sinh con. Sự việc trên "không mấy hay ho" theo quan niệm người xưa nên người ta không đưa bà Thị Nga vào gia phả họ Thân.
Riêng việc cải táng, ông Vĩnh Quả thuộc dòng họ Nguyễn Phước, đồng tác giả sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, dẫn lời ông Bảo Nguyện (con trai trưởng hoàng tử Vĩnh Giác, tức cháu nội bà Huyền phi) cho biết: mộ bà Huyền phi chỉ nằm vùng rìa chứ không nằm trong khu vực An Lăng, cạnh lăng vua Thành Thái (như gia phả họ Nguyễn Hữu ghi - PV).
Vì hoàng tử Vĩnh Giác nằm lại tại Bình Thuận, cho nên gia đình mới đưa bà về nằm cạnh mộ con trai.
Chuyện tình vượt Tử Cấm thành
Tái hiện Đêm hoàng cung tại Festival Huế 2014 - Ảnh: THÁI LỘC
"Cả vua Thành Thái lẫn bà Huyền phi đều có chuyện tình vượt Tử Cấm thành. Trước tiên, vua Thành Thái đã vượt qua được mối thù của mẹ mình là hoàng thái hậu Từ Minh với người đã giết cha của bà.
Khi vua đưa con gái ông Nguyễn Hữu Độ về cung phong nhất giai phi, chắc là người mẹ đau khổ trong nhiều năm trời. Còn bà Huyền phi về sau vì mối tình với ông Thân Trọng Huề mà vượt qua những phép tắc trong cung để về sống với nhau.
Đó đều là chuyện tình đặc biệt dưới thời Nguyễn, mà tôi nghĩ rằng nếu có đạo diễn tài ba sẽ tạo được bộ phim rất hấp dẫn" - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn.
***********
Điềm Phùng Thị, tác giả điêu khắc trứ danh, người tạo ra bảy ký (mẫu) tự trở thành ngôn ngữ điêu khắc riêng biệt nổi tiếng thế giới từng là một giai nhân làm xiêu lòng hai nghệ sĩ nổi tiếng.
>> Kỳ tới: Người em sầu mộng muôn đời
TTO - Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi tận sau này, lớp lớp người đẹp vẫn cứ xuất hiện nối tiếp với biết bao câu chuyện thú vị, cuốn hút lạ lùng.
Xem thêm: mth.25183759001501202-aig-iat-auv-ov-2-yk-euh-ux-nahn-ym/nv.ertiout