Các chuyên gia lưu ý cần theo dõi giá gạo
Các chuyên gia lưu ý, gạo - một loại lương thực chính tại đa số các nước châu Á, có thể là mặt hàng tiếp theo tăng giá.
Giá của nhiều loại thực phẩm từ lúa mì, các loại ngũ cốc khác đến thịt và dầu ăn đều chứng kiến giá tăng vọt, giữa bối cảnh chi phí phân bón và năng lượng tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.
Cụ thể, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, giá dầu thực vật đã tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Giá tổng thể các loại ngũ cốc tăng gần 30%.
Thu hoạch lúa gạo ở Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, giá lúa mì tăng 56% so với một năm trước, khi Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn.
Sonal Varma, Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Nomura (Nhật Bản), cho rằng cần theo dõi giá gạo trong tương lai, vì đà tăng của giá lúa mì có thể thúc đẩy nhu cầu thay thế bằng gạo và giảm lượng dự trữ hiện có.
Tuy nhiên, theo bà Varma, rủi ro đối với giá gạo vẫn ở mức thấp khi lượng tồn kho toàn cầu đang dồi dào và vụ thu hoạch tại Ấn Độ dự kiến khả quan vào mùa Hè này.
Giá lương thực tăng cao
Mặc dù rủi ro với giá gạo được đánh giá vẫn ở mức thấp, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, tình hình sẽ trở nên đáng lo ngại hơn khi Ấn Độ có thể áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trong những tuần tới giống như với lúa mì và đường trước đó.
Ngày 14/5, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì do nắng nóng gay gắt khiến sản lượng sụt giảm và giá mặt hàng này leo thang trong nước.
Ấn Độ, quốc gia sản xuất lúa mì thứ hai trên thế giới cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh các thị trường nông sản toàn cầu đang đứng trước áp lực thiếu nguồn cung và tăng giá bởi cuộc xung đột Nga và Ukraine. Quyết định của Ấn Độ được cho sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Giống như Ấn Độ, nhiều nước đang đưa ra các lệnh hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Bắt đầu từ tháng 6, Malaysia cấm xuất thịt gà. Theo thủ tướng Malaysia, lệnh cấm được đưa ra khi giá thịt gà và các sản phẩm từ thịt gà trên thị trường tăng mạnh và nguồn cung không đủ cho người tiêu dùng trong nước. Lệnh cấm sẽ được duy trì cho đến khi tình hình ổn định, cho phép quốc gia Đông Nam Á này có nguồn cung đủ lớn.
Quyết định từ Malaysia ngay lập tức tác động mạnh đến các khách hàng, đặc biệt là Singapore với món cơm gà truyền thống, mà gà Malaysia là chủ lực.
"Hầu hết các quán cơm gà, nếu không muốn nói là 100% quán cơm gà đều sử dụng gà tươi. Với lệnh cấm xuất khẩu gà của Malaysia, có nghĩa là chúng tôi không có gà để làm món cơm gà nữa. Chúng tôi đã dự trữ gà đông lạnh đủ dùng cho 2 - 3 tuần tới. Chúng tôi đang tính đến việc thay thế gà nhập khẩu từ Malaysia bằng gà của Brazil", ông Daniel Tan, chủ cửa hàng cơm gà, chia sẻ.
Chính phủ Singapore đã đảm bảo rằng nước này sẽ có đủ nguồn cung thịt gà, nhưng các nhà buôn vẫn dự đoán giá gia cầm sẽ tăng mạnh.
Hiện một con gà có giá 3 USD, nhưng các nhà buôn dự báo mức giá này có thể tăng lên 4 - 5 USD/con khi lượng hàng dự trữ giảm xuống.
Trong tình hình hiện nay, ngày 13/6, Liên Hợp Quốc hôm qua đã kêu gọi các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ, không áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với lương thực, thực phẩm vì các mục đích nhân đạo. Tình trạng đói nghèo cùng cực ở Trung Đông và Bắc Phi được đánh giá là nghiêm trọng nhất, với hàng triệu người có nguy cơ thiếu đói trong năm 2022.
Khoảng 80% lương thực và 92% ngũ cốc của các nước châu Phi là nhập khẩu, trong khi giá cả ngày càng đắt đỏ.
"Ai cũng lo lắng khi nói đến vẫn đề lương thực cơ bản. Nó được coi là nghèo cùng cực nếu bạn không thể đáp ứng những nhu cầu của mình như gạo, lúa mì và những loại ngũ cốc khác", ông Abdul-Ghani Mutahar, người Yemen, cho biết.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc cho biết, hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm nay được dự báo tăng lên mức kỷ lục mới, 1.800 tỷ USD, tăng 51 tỷ USD so với năm 2021, trong đó có tới 49 tỷ USD là do giá cả leo thang.
Báo cáo nhấn mạnh, điều đáng lo ngại là nhiều quốc gia dễ bị tổn thương đang phải trả nhiều hơn nhưng nhận về ít lương thực hơn.
Tình trạng giá cả lương thực tăng cao sẽ kéo dài bao lâu và tác động của nó đến các nước là như thế nào? Đây là câu hỏi đang được quan tâm nhất lúc này trên thị trường lương thực toàn cầu.
Lạm phát lương thực tiếp diễn trong cả năm 2022
Lạm phát lương thực hiểu theo cách đơn giản nhất là sự tăng giá liên lục của lương thực. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng lạm phát lương thực sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2022. Nguyên nhân là do những thứ tạo nên tình trạng này vẫn không có nhiều thay đổi, như nguồn hàng khan hiếm do xung đột, do thời tiết xấu ở nhiều nước.
Quầy trái cây tại một khu chợ ở thủ đô Mexico City, Mexico. (Ảnh: Reuters)
Trong khi nhu cầu tiêu dùng sau dịch gia tăng. Cùng lúc, lao động từ khâu sản xuất tới vận chuyển thiếu, khiến hàng hóa chậm tới được với thị trường hơn.
Theo đánh giá từ Hội nghị Phát triển và Thương mại Liên Hợp Quốc công bố hồi đầu tháng, nếu bối cảnh COVID-19 khiến giá cả lương thực toàn cầu tăng lên mốc 110 điểm, thì đến tháng 3 năm nay, bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khiến chỉ số này nhảy vọt lên hơn 160 điểm. Chỉ số này vẫn tiếp tục bỏ xa mốc 100 điểm, mốc được cho là khi giá cả ở mức bình thường.
Giá cả lương thực tăng cao tác động thế nào đối với các nước?
Nếu COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới các nước kém phát triển do vận chuyển đứt gãy, thiếu lao động, thì cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động tới phần còn lại, là các nền kinh tế mới nổi và phát triển, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ 2 nước Nga, Ukraine và không chủ động được về dầu lửa.
Trong khi Mỹ chứng kiến lạm phát chung vượt mốc 8%, các nền kinh tế đang phát triển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Argentina cán mốc 60 - 70%.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đánh giá, gia tăng giá lương thực là nguyên nhân chính thổi bùng lên áp lực lạm phát cho các nền kinh tế này.
Vì vậy, Ngân hàng Thế giới mới đây dự báo, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 3,4% trong năm nay, thay vì 4,6% như dự đoán trước đó.
Còn các nền kinh tế phát triển là 2,6%, giảm 1,2% so với dự đoán trước đó. Trong khi các nền kinh tế đang phát triển có thể lấy lại đà tăng trưởng vào 2 năm tới, các nền kinh tế phát triển được dự báo đi xuống và ở ngưỡng 1,9% vào năm 2024.
Lạm phát toàn cầu tăng cao gây sức ép lên Việt Nam
Còn với Việt Nam, là nước chủ động được nguồn cung và là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nên Việt Nam có thể tận dụng thời cơ để phát triển thị trường xuất khẩu, nhưng giá nhiên liệu, logistics tăng lại đang là sự cản trở.
Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước.
Dù đây chưa phải mức tăng cao, tuy nhiên trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng nóng trên toàn cầu, việc kìm giữ đà tăng này là một thách thức.
5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt qua mốc 2,25%. Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%. Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều. Việt Nam nhập khẩu lạm phát từ thế giới ở mức độ là như thế nào? Đây là vấn đề được quan tâm nhất lúc này.
"Chỉ 10% là nhập khẩu cho tiêu dùng, 90% là nhập khẩu cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu đầu vào rồi tiếp tục xuất khẩu ra, nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cả, vì vậy nó sẽ ít tác động hơn đến nền kinh tế nội địa", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá.
Mức lạm phát 2,25% hiện nay chủ yếu từ sự tăng giá của các mặt hàng, nguyên nhiên liệu, chứ chưa tính các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Do đó, thời gian tới, các gói hỗ trợ tiếp tục được giải ngân mạnh, bài toán kiểm soát lạm phát càng cần được cân nhắc.
"Chúng ta phải giải ngân hỗ trợ y tế, đảm bảo an sinh xã hội và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Những gói này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, duy trì được mặt bằng giá", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhận định.
Giá xăng dầu luôn tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Giá xăng dầu luôn tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, nên ngay lúc này, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang được xem xét ưu tiên giảm tiếp lần thứ 2 để kiềm chế đà tăng của giá cả.
"Chúng tôi đang dự kiến mức giảm cho tới mức sàn đối với thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong thẩm quyền ở mức thấp nhất", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.
"Có thể thấy kết quả rất tích cực và tiếp tục tin tưởng những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát, giảm thiểu tối đa những tác động tăng giá đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thông qua các chính sách tài khóa, thay vì bơm tiền trực tiếp ra nền kinh tế", ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh.
Ngay khi có dấu hiệu áp lực lạm phát, nhiều chính sách đã kịp thời điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT; sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung cầu xăng dầu để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
VTV.vn - Việc ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực đang gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với nguồn cung lương thực thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.89554500241602202-oag-aig-tos-pas-eht-oc-iad-oek-noc-cuht-gnoul-aig-oab/et-hnik/nv.vtv