Montana vừa trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua dự luật cấm toàn diện TikTok. Chưa bàn đến tính đúng sai hay hợp lòng dân hay không, việc thi hành một lệnh cấm như thế khả thi đến đâu?
Ngày 14-4, Hạ viện bang Montana bỏ phiếu thông qua dự luật cấm mạng xã hội TikTok ở tiểu bang này với kết quả 54 - 43 nghiêng về phe ủng hộ. Dự luật dự kiến được Thống đốc Greg Gianforte - người từng công khai tuyên bố TikTok là "mối nguy lớn" đối với bảo mật dữ liệu và an ninh - ký ban hành và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024.
Theo dự luật trên, các cửa hàng ứng dụng di động như Play Store của Google hay App Store của Apple sẽ không được cho phép cư dân Montana tải TikTok. Mức phạt 10.000 USD/ngày được áp dụng đối với cửa hàng ứng dụng vẫn cho phép tải xuống TikTok và đối với bất kỳ "vi phạm cụ thể" nào khác - chẳng hạn khi người dùng truy cập TikTok hoặc được "cung cấp khả năng" thực hiện điều đó, dự luật nêu rõ.
Tổng chưởng lý Montana Austin Knudsen hoan nghênh kết quả bỏ phiếu và cho rằng dự luật "là một bước quan trọng để đảm bảo chúng ta đang bảo vệ quyền riêng tư của công dân Montana".
Nhưng khi hồ hởi đã qua đi, phía trước là bài toán thi hành lệnh cấm này như thế nào, khi mà dự luật không hề quy định cách thức thực thi hay giám sát việc tuân thủ các quy định trên. Hạ nghị sĩ Zooey Zephyr cho rằng cư dân Montana hoàn toàn có thể ngụy trang vị trí của họ bằng cách kết nối đến một mạng riêng ảo (VPN) để tải TikTok.
Luật sư Shane Scanlon, người từng lên tiếng phản đối dự luật khi nó được đưa ra trong cuộc họp của ủy ban Thượng viện Montana hồi đầu năm nay, lập luận rằng các nhà cung cấp Internet không thể kiểm soát những gì người dùng làm trên mạng và chính TikTok sẽ phải chịu trách nhiệm ngăn người dùng trong bang sử dụng ứng dụng.
Trong một tuyên bố phản ứng trước việc dự luật được thông qua, người phát ngôn TikTok Brooke Oberwetter cho rằng Montana không hề có một "kế hoạch khả thi" nào để thực thi lệnh cấm, đồng thời cho biết thêm công ty "sẽ tiếp tục đấu tranh cho người dùng và người sáng tạo nội dung TikTok ở bang Montana, những người có sinh kế và quyền trong Tu chính án thứ nhất (quyền tự do ngôn luận) bị đe dọa bởi sự lạm quyền nghiêm trọng lần này của chính phủ".
Trong một tuyên bố khác từ tháng 3-2023, TikTok cho biết dự luật "không nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dùng, mà để đơn phương hạn chế quyền tự do của người dân Montana dựa trên không gì khác ngoài nỗi sợ và sự giả dối".
Bất kỳ hành động nào mà Mỹ muốn thực hiện để cố gắng chặn TikTok sẽ vẫn có kẽ hở để người dùng truy cập thông qua các giải pháp thay thế và gần như chắc chắn sẽ bị các nhóm tự do ngôn luận thách thức.
"Đó là một cơn ác mộng thực thi, bởi vì bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ cũng sẽ mang ý nghĩa sâu rộng hơn đối với các khả năng can thiệp khác của Nhà nước trong tương lai và hàm chứa ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và tự do thương mại" - GS Aram Sinnreich của Đại học Mỹ nói với báo The Hill.
Cơ sở hạ tầng Internet "về bản chất là phân tán và phi tập trung" khiến cho lệnh cấm toàn diện một ứng dụng duy nhất trở nên khó thực thi, Sinnreich giải thích. Mỹ có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn các địa chỉ IP liên kết với TikTok, hoặc buộc các cửa hàng ứng dụng chặn người dùng tải xuống ứng dụng này.
Cách thứ hai khả thi đối với người dùng mới chưa tải TikTok bao giờ, nhưng với hàng triệu người dùng TikTok đã có sẵn ứng dụng trên thiết bị của họ, việc triển khai lệnh cấm trở nên phức tạp hơn nhiều.
Ngay cả khi chính phủ thật sự tiến hành chặn TikTok, người dùng Mỹ vẫn hoàn toàn có thể tìm ra cách truy cập TikTok phi chính thống như cách mọi người vẫn làm ở các quốc gia khác.
"Ngay cả Trung Quốc, nơi có một mạng lưới rất tinh vi để thực thi các lệnh cấm (dịch vụ hay ứng dụng Internet), mọi người cũng sử dụng VPN để vượt qua chúng. Vì vậy, không có lệnh cấm nào là hoàn hảo" - Darrell West, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói với The Hill.
Một quy định kiểu "cấm được ai thì cấm" còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm khoảng cách xã hội. "Những người có trình độ học vấn và phương tiện sẽ có cách truy cập vào ứng dụng, còn những người không có điều kiện thì không thể tiếp cận" - West giải thích.
Chuyện gì xảy ra ở Mỹ cũng thu hút truyền thông, nhưng người ta quên rằng trước Mỹ đã có một thị trường còn lớn hơn cấm toàn diện TikTok đến nay đã được gần 3 năm. Kinh nghiệm từ Ấn Độ đặc biệt quan trọng để giúp các nhà làm luật Đồi Capitol dự báo hệ quả kinh tế và chính trị từ một lệnh cấm tương tự (nếu có).
Người dùng Ấn Độ từng phản đối lệnh cấm TikTok. Nhưng sau 3 năm, mọi thứ cũng đã ổn. Ảnh: Shutterstock
TikTok nằm trong số hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc bị Ấn Độ chặn hoạt động từ tháng 6-2020, sau xung đột ở biên giới hai nước.
Tại thời điểm đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của ByteDance bên ngoài Trung Quốc với hơn 200 triệu người dùng TikTok.
Lệnh cấm của Ấn Độ đã dẫn đến một sự chia cắt lâu dài với công nghệ Trung Quốc, nhưng người Ấn dường như đã dần quen với thực tế mới và không cố gắng tìm cách thay đổi điều này.
Trái lại, các nhà sáng tạo nội dung, nhà đầu tư và người dùng đã thích nghi với những nền tảng thay thế.
"Chúng tôi chưa gặp phải bất kỳ mặt trái nào từ lệnh cấm. Tôi không nghĩ rằng có ai đó thực sự phàn nàn về việc không được xài TikTok" - ông Anand Lunia, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Ấn Độ India Quotient và là một nhà phê bình công nghệ nổi tiếng, nói với trang Rest of World.
Hưởng lợi lớn nhất từ lệnh cấm của Ấn Độ là Instagram và YouTube - cả hai mạng xã hội của Mỹ này đều đang vận hành tính năng video ngắn cạnh tranh trực tiếp với TikTok và đã chứng kiến sự tăng trưởng người dùng đáng kể từ sau lệnh cấm.
Một số nhà đầu tư mạo hiểm ở Ấn Độ cũng đã tận dụng lệnh cấm để phát triển các nền tảng thay thế TikTok, nhưng việc này tỏ ra không dễ ăn. Chỉ trong vòng hơn 4 tháng sau lệnh cấm, ít nhất 13 công ty khởi nghiệp tập trung vào nền tảng video ngắn đã xuất hiện ở Ấn Độ. Nhưng tính đến tháng 2-2023 chỉ 3 trong số này là còn giữ được thị phần đáng kể: Moj, Josh và Glance.
Cũng phải thừa nhận lệnh cấm đã gây khó khăn cho các ngôi sao mạng xã hội ở Ấn Độ, những người đã tích lũy được nhiều lượt theo dõi trên TikTok và đang gặp khó khăn trong việc gây dựng lại đế chế tương tự trên các nền tảng khác.
Từ chỗ là một trong những giáo viên tiếng Anh TikTok được theo dõi nhiều nhất ở khu vực Nam Á, chỉ sau một đêm Awal Madaan đã mất quyền truy cập vào nền tảng nơi anh có phạm vi tiếp cận rộng nhất với gần 6 triệu người theo dõi.
"Có lẽ ở thời điểm này tôi chưa thể gắn bó với Instagram như cách tôi đã từng gắn bó với TikTok" - Madaan nói với Rest of World qua một cuộc gọi vào tháng 2-2022.
Dẫu vậy, có vẻ như đến bây giờ vẫn không có nhiều người Ấn mặn mà với việc đem TikTok trở lại.
"Tôi nghĩ đó là một bước phát triển cực kỳ tích cực đối với Ấn Độ. Người dùng Ấn Độ không phải đau khổ chỉ vì một số ứng dụng không còn xài được. Các ứng dụng khác đã đến và lấp vào nhu cầu đó" - một nhà đầu tư mạo hiểm Ấn Độ yêu cầu giấu tên nói với Rest of World.■
Giới lập pháp Hoa Kỳ vẫn luôn cảnh báo rằng các ứng dụng do các công ty công nghệ Trung Quốc phát triển có thể là cửa ngõ để Bắc Kinh rình mò người Mỹ, làm hỏng đầu óc hoặc sai lệch niềm tin của người dùng. Nhưng có thời gian 4 trong số 5 app tải nhiều nhất ở Mỹ là từ Trung Quốc.
Trước thực tế app "gốc Trung Quốc" ăn sâu vào đời sống người dùng Mỹ, các bên liên quan lại có những động thái khác nhau: các nhà phát triển ứng dụng muốn mình trông không liên quan gì đến Trung Quốc, giới phân tích muốn tìm hiểu vì sao các hãng công nghệ đại lục lại chiến thắng ngay trên quê hương của Facebook và Google, các nhà lập pháp quan ngại, còn người dùng thì có vẻ không lo nghĩ gì.
Trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3-2023, ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu đứng đầu danh sách tải nhiều nhất trên các chợ ứng dụng ở Mỹ, sau đó lần lượt là ứng dụng chỉnh sửa video CapCut, TikTok, kênh bán lẻ thời trang Shein, theo thống kê của Hãng nghiên cứu thị trường Sensor Tower. Cả bốn đều là ứng dụng Trung Quốc. App cuối cùng trong top 5 tải nhiều nhất là Facebook.
Vào xem các hashtag #temuhaul hoặc #sheinhaul trên TikTok, sẽ thấy video người dùng - đa số gen Z - khoe gom hàng giá rẻ trên Temu và Shein. Tất nhiên, nhiều trong số các video này được chỉnh sửa bằng CapCut. Đây là minh họa rõ rệt nhất cho sự phổ biến của các app này với người dùng Mỹ.
Temu đến Mỹ rất đúng thời điểm: mùa mua sắm cuối năm 2022. Chỉ trong quý 4-2022, app này đã có 13 triệu lượt tải ở Mỹ, hơn gấp đôi Shein. Cả hai ứng dụng mua sắm này đều kết nối người mê mua hàng qua mạng ở Mỹ trực tiếp với các nhà sản xuất và bán hàng ở Trung Quốc, từ đó có giá rẻ vì không phải qua trung gian. Và trước tình hình TikTok bị Mỹ soi, cả hai có vẻ đều muốn tự xa cách gốc gác Trung Quốc của mình.
Theo Wall Street Journal, Shein, với chuỗi cung ứng ở tỉnh Quảng Đông, đã đổi công ty mẹ từ một công ty đăng ký ở Hong Kong thành một pháp nhân thành lập ở Singapore (Roadget Business Pte. Ltd.) hồi năm 2021. Temu có trụ sở ở Boston (Massachusetts) và chuyện làm ăn ở Mỹ do một công ty khác đóng ở bang Delaware phụ trách.
Chính vì thế trong bản tin ngày 2-5, Shira Ovide, người chủ trì newsletter về công nghệ Tech in your life của tờ Washington Post, cho biết không phải ai cũng biết "quê quán" thật sự của các app gốc Trung Quốc, ngay cả khi họ chủ động đọc thông tin về nhà phát triển trên chợ ứng dụng của Apple lẫn Google.
Cụ thể, mặc dù TikTok và CapCut là anh em một nhà ByteDance (trụ sở Bắc Kinh), trên Apple App Store và Google Play, nhà phát triển của chúng lần lượt là Bytedance Pte. Ltd và TikTok Ltd. - đều đặt trụ sở ở Singapore.
Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy thông tin công khai của Temu đã được điều chỉnh để xóa yếu tố Trung Quốc. Cách đây khoảng một tháng, phần tự giới thiệu trên trang chủ của Temu ghi rõ ứng dụng mua sắm này "được thành lập ở Boston, Massachusetts vào năm 2022 bởi công ty mẹ PDD Holdings Inc … [Công ty này] cũng vận hành [ứng dụng thương mại điện tử] Pinduoduo ở Trung Quốc". Hiện tại, phần giới thiệu này không còn nhắc gì đến PDD hay Pinduoduo.
Vì sao người trẻ Mỹ mê app Trung Quốc? Các công ty công nghệ Trung Quốc thường được cho là có bí quyết về các thuật toán thần sầu, gây nghiện với người dùng, song Wall Street Journal cho rằng Mỹ còn phải học văn hóa cạnh tranh của các đối thủ từ châu Á.
Tờ báo Mỹ chỉ ra văn hóa làm việc của các công ty công nghệ Trung Quốc: tạo cạnh tranh nội bộ, sẵn sàng làm đi làm lại một khâu cho tới khi nào hoàn hảo mới thôi, tích cực lắng nghe ý kiến người dùng và đưa ra điều chỉnh thích hợp. Theo nhiều nhà đầu tư, kỹ sư và nhà phân tích, các công ty Internet Trung Quốc thành công một phần vì hiệu quả tổ chức của họ bị các đối thủ Mỹ bỏ qua.
Theo Wall Street Journal, giống như trong thời kỳ Trung Quốc vươn lên thống trị ngành sản xuất cách đây vài thập niên, các công ty công nghệ nước này đã và đang khai thác nguồn tài năng công nghệ khổng lồ trong nước để liên tục tinh chỉnh các tính năng của sản phẩm. Mặc dù Temu là một trang web mua sắm, hơn một nửa lực lượng lao động của nó là các kỹ sư lập trình - có nhiệm vụ làm sao để người dùng liên tục lướt màn hình và bấm mua.
Một ví dụ khác: các nhà quản lý và kỹ sư sản phẩm của ByteDance đã chuẩn hóa các quy trình tiếp nhận và phân tích phản hồi của người dùng về thói quen, sở thích khi sử dụng app, giúp họ tung ra các bản cập nhật mới chỉ trong vài ngày. Giao diện hiện tại của TikTok, một cột tràn trang và cuộn vô tận, là phương án cuối cùng sau khi từng thất bại với nhiều kiểu giao diện người dùng khác, theo các nhân viên và cựu nhân viên của ByteDance.
Khi thị trường trong nước trở nên bão hòa, các ứng dụng công nghệ Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm tăng trưởng toàn cầu. Việc này không quá khó, bởi các ứng dụng này luôn có cơ hội thử nghiệm và tối ưu các tính năng với thị trường một tỉ người dùng Internet trong nước trước khi xuất khẩu phiên bản hoàn thiện.
Các ứng dụng "sống sót" được trong thị trường nội địa cạnh tranh khốc liệt" giờ đây thậm chí còn có thể giỏi hơn Thung lũng Silicon trong việc tạo ra các ứng dụng dễ sử dụng và gây nghiện.
Các công ty công nghệ Trung Quốc sử dụng dữ liệu để thúc đẩy mọi quyết định. Cần nhớ, việc sử dụng - và khả năng lạm dụng - dữ liệu cá nhân của ứng dụng là trung tâm của các tranh luận về nguy cơ của TikTok. Cuối cùng, các công ty Trung Quốc cũng rất chịu chi để quảng bá ứng dụng với thị trường Mỹ. Tháng 2 vừa qua, Temu lần đầu xuất hiện tại sự kiện vàng của làng quảng cáo - chung kết Giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (Super Bowl), với hai mẩu quảng cáo tốn khoảng 14 triệu USD.
Cũng như câu chuyện với TikTok, trong khi chính quyền lo ngại về nguy cơ với an ninh quốc gia của các app có gốc gác Trung Quốc, người dùng có vẻ chỉ quan tâm đến sự tiện lợi và niềm vui mà ứng dụng mang lại.
Theo MIT Technology Review, phải thừa nhận thực tế rất ít người dùng Mỹ (và có lẽ nơi khác cũng thế) thật sự quan tâm đến việc ứng dụng yêu thích của họ đến từ đâu. Nhiều người sẽ đặt lợi ích cao hơn rủi ro. Người ta vẫn dùng mạng xã hội Mỹ ngay cả khi biết chúng làm gì với dữ liệu cá nhân của họ.
Lotus Ruan, người từng phân tích các ứng dụng Trung Quốc như WeChat, cho rằng mỗi người sẽ nhìn nhận sự tiện lợi và riêng tư dữ liệu theo cách riêng. Không thiếu người cho rằng họ sẽ vẫn dùng TikTok ngay cả khi dữ liệu cá nhân có rơi vào tay Bắc Kinh như phía Mỹ cáo buộc bấy lâu nay. "Trừ khi Chính phủ Mỹ áp đặt một lệnh cấm TikTok toàn diện, tôi tin rằng nhiều người vẫn sẽ tiếp tục dùng nó" - Zeyi Yang, người phụ trách newsletter China Report của MIT Technology Review, viết.
Các nhà lập pháp Mỹ vẫn sẽ coi ByteDance, Shein và Temu là các công ty Trung Quốc bất kể họ tự khai thế nào. Và nếu Temu, Shein và các ứng dụng Trung Quốc khác vẫn duy trì được việc tạo niềm vui và mang lại sự tiện lợi cho người dùng Mỹ - như TikTok đã làm - sẽ luôn có thị trường mở cho phát triển, bất kể tình hình địa chính trị Mỹ - Trung.
Câu chuyện vì thế lớn hơn là app đến từ đâu. Phải nhìn vấn đề theo hướng, dù là app gì thì người dùng cũng phải tự bảo vệ mình theo một mức độ nào đó.
Lời khuyên của Ovide là nghiên cứu trước khi tải ứng dụng hay mua hàng từ một công ty lạ trên mạng: có ai phàn nàn về chuyện thông tin không rõ ràng, chặt chém, hay quan ngại về bảo vệ dữ liệu cá nhân không? Thấy app đang làm mưa làm gió trên mạng thì cũng chưa vội tải về, hãy đợi xem các nguồn khả tín đánh giá thế nào về các lỗ hổng bảo mật và dữ liệu cá nhân của chúng.
"Bạn phải tự bảo vệ mình trên mạng chứ không thể trông chờ vào các công ty hay các đạo luật" - bà kết luận.
Tương tự, Paul Scharre, tác giả quyển Four Battlegrounds: Power in the Age of Artificial Intelligence, cho rằng trước khi các nhà lập pháp Mỹ thông qua một đạo luật toàn diện về riêng tư dữ liệu, bất kỳ app nào cũng có thể là nạn nhân của rò rỉ dữ liệu dù thuộc sở hữu của quốc gia nào đi nữa. "Tôi cho rằng chúng ta cần phải hoài nghi mọi app. Người ta đang chia sẻ quá nhiều dữ liệu trên điện thoại mà không hiểu đầy đủ họ đã đồng ý những điều khoản gì, các công ty đang thu thập thông tin gì từ họ và sẽ làm gì với chúng" - ông nói.■
Xem thêm: mth.53484757041503202-kotkit-mac-hnel-tom-iht-cuht-oas-mal/nv.ertiout