Tọa đàm diễn ra tại BIDV Chi nhánh Tây Hồ nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN đặt hàng cấp Bộ năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV chủ nhiệm.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong đó có làn sóng số hóa của lĩnh vực ngân hàng. Nhờ vào những ứng dụng công nghệ tiên tiến, rất nhiều ngân hàng trên thế giới đã cho ra đời những ứng dụng ngân hàng số hiện đại và thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Một trong những mảng kinh doanh có lãi và ổn định nhất của các NHTM là dịch vụ ngân hàng bán lẻ, bởi không chỉ có ý nghĩa về lợi nhuận, dịch vụ ngân hàng bán lẻ còn đóng vai trò như một kênh marketing quan trọng để giúp quảng bá hình ảnh của ngân hàng đến người dân, tăng thị phần của ngân hàng.
Bên cạnh đó, khách hàng hiện nay muốn trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng nhanh chóng, nhất quán và đồng nhất kênh thông qua các thiết bị di động. Do vậy, việc hợp tác với nhiều công ty FinTech và BigTech để sử dụng các công nghệ tiên tiến (như AI, blockchain...) sẽ giúp các NHTM có thể tạo ra các sản phẩm tự động hoá và trải nghiệm đa kênh cho khách hàng bán lẻ. Từ đó, nâng cấp lên hệ thống ngân hàng số là một tiến trình tự nhiên, bắt buộc và không thể đảo ngược mà các NHTM Việt Nam nếu đứng ngoài cuộc, sẽ trở thành tụt hậu và bị loại bỏ khỏi thị trường.
"Trở thành ngân hàng số vừa là cơ hội, thách thức, vừa là động lực phát triển đối với hệ thống NHTM Việt Nam", ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Chiến Thắng ,Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV tại Tọa đàm khoa học “Xây dựng mô hình ngân hàng số nhằm phát triển dịch vụ bán lẻ tại các NHTM Việt Nam” |
Kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia trên thế giới đã tổng kết một số mô hình ngân hàng số phù hợp với thực tế Việt Nam. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, đó là các kênh ngân hàng số của các ngân hàng truyền thống, các ngân hàng số độc lập, các Fintech cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng dịch vụ tài chính sáng tạo sáng tạo (neo-bank) và các tổ chức phi ngân hàng cạnh tranh với ngân hàng truyền thống bằng lợi thế về công nghệ và hệ sinh thái (challenger-bank). Ngoài ra, các quốc gia như Ấn Độ, Philippines cũng có những đặc điểm tương đồng với Việt Nam.
Đại diện đến từ Công ty TNHH một thành viên tư vấn tài chính LGC tại Cộng hòa Liên bang Nga – ông Artem Andreev đã giới thiệu một số điểm tương đồng như dân số, độ tuổi trung bình, tốc độ tăng dân số, GDP, tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng, tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, cơ cấu thông tin tín dụng, các đơn vị cung cấp/đánh giá dữ liệu.rủi ro…
Theo đó, ông Artem Andreev nhận định từ bài học kinh nghiệm của Ấn Độ và Philippines, cơ chế phát triển công cụ nhận dạng khách hàng/phát hiện gian lận chưa bao trùm toàn bộ dân số, dữ liệu chưa được cập nhật, chất lượng dữ liệu còn thấp.
Ông Artem Andreev - Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên tư vấn tài chính LGC trình bày tham luận “Ngân hàng số - Kinh nghiệm tại Ấn Độ, Phillipine và khuyến nghị cho Việt Nam”. |
Các diễn giả tại Tọa đàm cũng đưa ra một số ví dụ ngân hàng số điển hình trên như Kakaobank (Hàn Quốc), Nubank (Brazil), Revolut (Anh) đã nhanh chóng thu hút hàng triệu người dùng chỉ trong một thời gian ngắn, điều mà các ngân hàng truyền thống phải mất hàng thập kỷ mới đạt được.
Bà Trần Hoài Phương – Head of Financial Services Industry, Amazon Web Services khẳng định một số khách hàng của Tập đoàn (như Welab Bank, Nubank, Starlink Bank) đã sử dụng các giải pháp của AWS để nhanh chóng đưa các mô hình ngân hàng số đi vào triển khai trong thực tế chỉ trong 10 tháng nghiên cứu, xây dựng. Đây là một tốc độ đáng kinh ngạc so với quá trình xây dựng và phát triển các ngân hàng thương mại truyền thống.
Bà Trần Hoài Phương - Head of Financial Services Industry, Amazon Web Services trình bày tham luận: “Building a Digital Bank on AWS”. |
Sức hút, khả năng tiếp cận khách hàng của các giải pháp tài chính số đang có mức độ lan toả mạnh mẽ hiện nay. Cùng với đó, sự hợp tác giữa các ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech cũng nở rộ trong thời gian qua. Sự kết hợp giữa các công ty Fintech và ngân hàng đã đem đến các sản phẩm tài chính được cải tiến hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn (ví dụ: dịch vụ thanh toán), cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Ngân – Phòng Thanh tra NHNN Chi nhánh Hà Nội, cần phải có khuôn khổ pháp lý để quản lý hoạt động của các công ty Fintech. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần phải xây dựng công cụ nhận biết các giao dịch đáng ngờ liên quan đến ví điện tử, cung cấp thông tin, đồng thời yêu cầu các trung gian thanh toán xác minh các giao dịch đáng ngờ.
Bà Nguyễn Minh Ngân - Phó trưởng phòng Thanh tra NHNN Chi nhánh Hà Nội trình bày tham luận: “Thanh tra, giám sát các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong quan hệ đối tác với các NHTM”. |
Việt Nam đã có những bước tiến về mặt pháp lý để hỗ trợ hoạt động ngân hàng số. Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết dưới định hướng nhiệm vụ chuyển đổi số ngân hàng của Bộ Chính trị và Chính phủ, nhiều văn bản pháp luật đã được NHNN ban hành nhằm tạo thuận lợi cho số hoá các sản phẩm ngân hàng cũng như ban hành các tiêu chuẩn đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, bảo lãnh bằng phương thức điện tử; Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money)...
Đặc biệt, liên quan đến phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu, ngày 24/3/2023, NHNN đã ký kết Kế hoạch 01/KHPH-NHNN-BCA triển khai Đề án 06 với Bộ Công an, trong đó tập trung 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể.
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN trình bày tham luận “Triển khai chương trình chuyển đổi số và phát triển hoạt động ngân hàng số của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” |
Qua những chuyển biến về môi trường pháp lý đó, hiện nay người dân đã có thể mở tài khoản và thẻ tại ngân hàng bằng hình thức eKYC hoặc bằng cách sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip.
Có thể thấy rằng, Việt Nam đang dần đón bắt xu hướng phát triển ngân hàng số của thế giới. Tuy nhiên, quá trình này cần được tăng tốc và mạnh mẽ hơn để Việt Nam sớm có các mô hình ngân hàng số vươn tầm khu vực và quốc tế. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng của các NHTM trong việc nghiên cứu, đầu tư và triển khai các mô hình ngân hàng số và sự hỗ trợ về pháp lý của các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm |
Những trao đổi về kết quả triển khai ngân hàng số mới nhất nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ông Vũ Hoàng Dương - Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Hồ và sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận của các chuyên gia sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh tế số đã giúp tọa đàm có những đánh giá thực trạng tại các NHTM Việt Nam, từ đó đề xuất các khuyến nghị và giải pháp về mô hình ngân hàng số nhằm phát triển dịch vụ bán lẻ tại các NHTM Việt Nam nói chung và BIDV nói riêng.
Tham dự Tọa đàm có ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Phan Huy Thắng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển ngân hàng số BIDV; ông Vũ Hoàng Dương - Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Hồ; cùng đại diện các Vụ, Cục, Đơn vị thuộc NHNN, các NHTM, các tập đoàn công nghệ, các công ty trung gian thanh toán, các công ty fintech, các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và công nghệ.