Ngày 17-6, tại Đường Sách TP.HCM diễn ra buổi giao lưu với nhà báo Hoàng Hải Vân nhằm giới thiệu những nhiệm vụ và chiến công thầm lặng của nhà tình báo Ba Quốc tức Thiếu tướng Đặng Trần Đức trong tác phẩm "Ông Tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng'
“Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” khái quát hành trình hoạt động cách mạng của nhà tình báo Ba Quốc trước và sau năm 1975. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi ra mắt, cuốn sách nhận được sự quan tâm, tạo cơn sốt trên thị trường phát hành. Ảnh: QUỐC HƯƠNG |
Nhân dịp này, tác giả chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình tìm thông tin cho việc hoàn thành quyển sách về ông Ba Quốc và giải đáp thắc mắc bạn đọc về nhân vật bí ẩn này.
Có lúc tưởng chừng như bế tắc
Cuốn sách “Ông Tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” tập hợp loạt ký sự về cuộc đời hoạt động tình báo xuất sắc và bí mật của nhà tình báo Ba Quốc, do hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú thực hiện, từng đăng 36 kỳ trên báo Thanh Niên.
Tại buổi giao lưu “Những chuyện chưa kể về nhà tình báo bí ẩn Đặng Trần Đức (Ba Quốc)”, độc giả có dịp tìm hiểu những khó khăn trong quá trình phục dựng chân dung nhân vật Ba Quốc. |
Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà báo Hoàng Hải Vân cho biết nguyên nhân viết về ông Ba Quốc là do sự tình cờ trong một lần thu thập tư liệu về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Khi bắt đầu tìm thông tin về ông, nhà báo gặp nhiều khó khăn, kể cả bạn bè hoạt động với ông trong mạng lưới tình báo tại miền Nam cũng chưa từng nghe nói hoặc biết đến nhân vật có bí danh Ba Quốc.
"Khi tôi gặp chú Ba Quốc xin phép viết về cuộc đời ông thì ông bảo hãy để mọi thứ rơi vào quên lãng, tất cả chỉ là quá khứ, không có gì để viết. Lúc đó tôi liên hệ rất nhiều người, nhờ chú Mười Hương (chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam trong hai cuộc kháng chiến), thì chú cũng lắc đầu. Có cả chú Phạm Xuân Ẩn nữa, nhưng chú cũng không cung cấp được gì" – nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ.
Nhà tình báo Ba Quốc (bên phải) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: TL |
Việc tìm thông tin từ bạn bè như lâm vào bế tắc, có người mách nhà báo Hoàng Hải Vân liên hệ với Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí là "trùm" tình báo miền, chỉ huy toàn bộ các mạng lưới miền Nam để tìm đọc nhật ký do ông ghi chép về các điệp viên hoạt động trong mạng lưới. Tưởng như gặp được ánh sáng cuối đường hầm, nhưng Tướng Trí lại muốn có giấy giới thiệu của Tổng cục Tình báo Quốc phòng (Tổng cục 2), mà theo nhà báo thì “Ở Tổng cục 2 thì đừng hòng ai lấy một cái giấy gì như thế”.
Sau một thời gian nhận được sự giúp đỡ từ những người có liên quan đến ông Ba Quốc, hoạt động tình báo trước năm 1975 tại miền Nam của ông cơ bản đã được tìm thấy. Bên cạnh đó, nhờ vào tư liệu trong quyển “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhà báo Hoàng Hải Vân đã bổ khuyết thêm hoạt động từ Nam ra Bắc và chiến trường Campuchia của ông Ba Quốc.
Người lính tình báo với chiến công thầm lặng
Đọc “Ông Tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”, độc giả có cơ hội tìm hiểu về con người hoạt động cách mạng đơn độc, mưu trí, can trường suốt 20 năm hoạt động trong lòng địch.
Trong quá trình này, ông Ba Quốc hoạt động ngay tại hai cơ quan tình báo đầu não của địch là Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội (dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm) và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).
Tuy hoạt động trong nơi cam go, nguy hiểm, khi lộ danh phận sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhà tình báo vẫn hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng giao phó.
Nhà báo Hoàng Hải Vân giải thích về việc giấu kín thông tin cán bộ được nhà tình báo Ba Quốc giải cứu. |
Nhà báo Hoàng Hải Vân kể lại trong cuốn sách: “Nhiệm vụ nguy hiểm nhất là lúc chú Ba Quốc cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và 9 vị Đặc Khu Ủy đang hoạt động tại miền Nam. Mặc dù đó không phải là nhiệm vụ được cấp trên giao, nhưng khi biết cơ quan mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm chuẩn bị lùng bắt cán bộ của ta, chú lại âm thầm lập kế hoạch cứu các vị yếu nhân đó.
Cứu được các ông đó rất khó. Nhưng chú Ba rất là khôn khéo, vẫn cứu được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và 9 vị Đặc Khu Ủy”.
Bạn đọc đặt câu hỏi với diễn giả. Ảnh: QUỐC HƯƠNG. |
Khi thông tin về cuộc giải cứu thầm lặng này được đưa lên mặt báo, Tổng cục 2 và nhà báo Hoàng Hải Vân đã bị chất vấn, phản ứng đầu tiên đến từ gia đình vì trước giờ chưa từng nghe Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến. Thời điểm đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (đang giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục 2) đã lên tiếng đính chính việc này có xảy ra và hồ sơ vụ việc vẫn đang nằm tại Tổng cục.
Buổi giao lưu thu hút sự tham gia đông đảo các thế hệ độc giả dành sự quan tâm đến chủ đề lịch sử. |
Ngoài ra, ông Ba Quốc còn lập nhiều chiến công, như khi phía Mỹ yêu cầu Sở nghiên cứu Chính trị Xã hội ám sát quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk ông được giao thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên lại giải cứu quốc vương Sihanouk mà không để lộ danh phận của mình...