Áp lực chốt lời đã xuất hiện trong nửa cuối tuần khi VN-Index tiến đến ngưỡng cản 1.125 điểm - là vùng đỉnh cũ của chỉ số kể từ đầu năm, đồng thời là vùng cản cứng MA200 trên đồ thị tuần – nhưng thị trường kết thúc tuần qua vẫn tiếp tục duy trì được xu hướng tăng điểm.
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần tạo mẫu hình nến Bearish Engulfing cho thấy áp lực bán gia tăng mạnh và xác suất điều chỉnh ngắn hạn đang ở mức cao. Thêm vào đó, ở khung đồ thị giờ, hai chỉ báo MACD và RSI đồng loạt tạo đỉnh hình thành phân kỳ âm 3 đoạn củng cố thêm cho tín hiệu giảm điểm ngắn hạn của thị trường.
Theo giới phân tích, sau nhịp tăng điểm dài, thị trường vẫn đang có diễn biến tích cực và sự xuất hiện của những nhịp rung lắc điều chỉnh giảm là cần thiết để tạo đà cho VN-Index có thể tiếp tục hướng lên các vùng điểm cao hơn.
Tuy nhiên, phiên biến động mạnh và bất ngờ cuối tuần qua (ngày 16/6) đã phần nào khiến giới đầu tư thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 19/6. Dòng tiền kém sôi động cùng trạng thái phân hóa chung trên thị trường khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ rồi nhanh chóng quay đầu điều chỉnh.
Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index vẫn duy trì đà giảm nhẹ và mốc 1.110 điểm vẫn đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ tốt cho thị trường. Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ với gánh nặng chính là VCB giảm gần 2%.
Nhóm bất động sản cũng trong trạng thái điều chỉnh nhẹ bởi các mã lớn như VIC, VHM, hay các mã khác PDR, NVL giảm trên dưới 1%. Tuy nhiên, điểm sáng chính là các mã đầu tư công với VCG, LCG tăng hơn 4%, HHV tăng 2,2%, với thanh khoản đều thuộc top 10 cổ phiếu dẫn đầu sàn HOSE.
Nhóm tăng tốt nhất thị trường là nhóm chứng khoán, với VCI tăng gần 4%, các mã SSI, VND, HCM, BSI, CTS, VIX, SHS… đều tăng hơn 1%.
Áp lực bán gia tăng trên diện rộng, đặc biệt là gánh nặng đến từ cổ phiếu lớn VCB khiến thị trường lùi sâu hơn về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 99 mã tăng và có tới 278 mã giảm, VN-Index giảm 7,03 điểm (-0,63%) xuống 1.108,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 377,73 triệu đơn vị, giá trị 6.785,59 tỷ đồng, giảm 22,04% về khối lượng và 25,74% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 15/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,38 triệu đơn vị, giá trị 841,28 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu lớn VCB chịu áp lực bán khá lớn khi tạm dừng phiên sáng giảm tới 3%, xuống mức thấp nhất trong phiên 101.800 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã lớn khác như VIC, VHM, MSN, TCB cũng gia tăng gánh nặng khi chốt phiên đều giảm hơn 1%.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu có được sắc xanh trong rổ VN30 chỉ tăng trong biên độ hẹp trên dưới 1%. Chốt phiên, nhóm VN30 để mất hơn 6 điểm.
Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản nới rộng đà giảm. Bên cạnh cặp đôi lớn VIC và VHM, nhiều mã khác cũng lùi sâu hơn như NVL giảm 3,4%, LDG giảm 3,6%, PDR giảm 2,7%, NLG, KDH, SCR đều giảm hơn 1%... Đáng kể cổ phiếu QCG vẫn chưa thoát khỏi trạng thái nằm sàn.
Trong khi đó, các cổ phiếu đầu tư công vẫn giữ được sắc xanh với VCG và LCG đều tăng 3,5%, HHV tăng 1,5%, FCN tăng 1%...
Đây vẫn là nhóm có giao dịch sôi động trên thị trường, với NVL dẫn đầu thanh khoản đạt 25,75 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã HQC, VCG, PDR đều khớp hơn 10 triệu đơn vị, LCG và HHV, DIG cùng thuộc top 10 khi khớp 7-8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng lan rộng sắc đỏ. Ngoại trừ duy nhất CTG xanh nhạt với mức tăng chỉ 0,5%, còn lại đều giảm, với các cổ phiếu khác như MSB, TCB, HDB giảm hơn 1%...
Nhóm chứng khoán cũng đuối sức và chỉ còn tăng nhẹ, trong đó VCI vẫn tăng tốt nhất ngành, đạt gần 3%, các mã lớn khác như SSI và VND chỉ còn tăng 0,5%, trong khi HCM, VIX, ORS, FTS lùi về mốc tham chiếu.
Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc đầu phiên, áp lực bán trên diện rộng cũng khiến thị trường nới rộng đà giảm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index giảm 1,42 điểm (-0,62%) xuống 227,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 72,13 triệu đơn vị, giá trị 1.039,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,51 triệu đơn vị, giá trị 54,29 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong phiên sáng nay là nhóm cổ phiếu họ APEC bị bán tháo mạnh, trong đó cặp đôi IDJ và API sớm nằm sàn và chốt phiên sáng đều trong trạng thái dư bán sàn vài triệu đơn vị.
Cụ thể, chốt phiên sáng, IDJ đứng giá sàn 12.900 đồng/CP với khối lượng khớp 7,1 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 4,5 triệu đơn vị; còn API cũng đứng tại mức giá sàn 12.900 đồng/CP, với khối lượng khớp 2,58 triệu đơn vị và dư bán sàn 2,3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,32 triệu đơn vị, chốt phiên lùi về mốc tham chiếu 13.500 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường cũng quay đầu giảm trong nửa cuối phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,36%) xuống 84,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,68 triệu đơn vị, giá trị 255,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,36 triệu đơn vị, giá trị 80,17 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu đầu tư công, C4G cũng đảo chiều hồi phục và chốt phiên sáng nay tăng 1,5% lên mức 13.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua VHG, đạt hơn 1,95 triệu đơn vị.
Cổ phiếu VHG bị xả bán mạnh và chốt phiên giảm 8,6% xuống mức 3.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 2,5 triệu đơn vị.
Các mã khác như BSR, SBS, KVC đều có khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên cùng giảm điểm.