vĐồng tin tức tài chính 365

Đạo đức nào ràng buộc người thiết lập nền tảng công nghệ số?

2021-06-01 15:24

Đạo đức nào ràng buộc người thiết lập nền tảng công nghệ số?

An Yên

(KTSG Online) - Việc Bộ Thông tin và Truyền thông ra văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội có thể xem là một động thái khá cương quyết trong việc xử lý hiện tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội (như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, group chat…) để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó, chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên, vẫn chưa đầy đủ khi câu chuyện siết chặt quản lý bằng luật pháp và các quy chuẩn đạo đức chỉ áp dụng lên các thành viên tham gia mạng xã hội; điều này còn cần được thực thi với các nền tảng công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ…

Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm trên công cụ Google, người sử dụng Internet có thể biết rằng một nữ doanh nhân đăng đàn trên mạng xã hội gần đây không phải là trường hợp duy nhất công khai miệt thị, xúc phạm cá nhân khác, bởi trước đó, rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Có thể đơn cử như chuỗi livestream của ca sĩ N.L., cặp đôi ca sĩ Đ.G. và D.U., ca sĩ H.T. Những trường hợp cụ thể này, có vẻ như chỉ là “bề nổi của tảng băng”, khi trong thực tế, đã có những bi kịch xảy đến từ những hành vi vi phạm pháp luật lẫn vi phạm đạo đức trên mạng xã hội.

Theo tin trên báo Thanh Niên, vào tháng 6-2013, một nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử(*). Người nhà may mắn phát hiện và đưa em đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, chỉ vì em bị trang fanpage B.M.T.C.C.H.Đ.T. viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ lên mạng xã hội Facebook. Nhiều cư dân mạng đã a dua chỉ trích, xúc phạm. Quá mệt mỏi, nữ sinh này đã tìm đến cái chết.

Báo Tiền Phong dẫn lại lời chia sẻ trong diễn đàn “nạn nhân của ném đá trên mạng” của một nữ nhà văn trẻ hiện đang sinh sống tại TPHCM(**), cô cho biết từ một vài tin nhắn vô duyên vô cớ và bình luận ác ý của một người trong nghề khiến cô trở thành tội đồ. Từ đó, cô đóng trang cá nhân trên Facebook, tránh xa mọi tranh cãi thị phi, và cảm thán rằng: “Phải trực tiếp trải qua mới hiểu, là nạn nhân của trò này có biết bao nhiêu kinh hoàng”.

Trên thực tế, nếu là một người quan tâm đến mạng xã hội, có thể bạn đã từng đọc hoặc từng xem những bản tin, bài viết có đề cập đến những cuộc thống kê, những bản báo cáo về thực trạng hỗn loạn trên mạng xã hội mà một phần trong đó có sự "đóng góp" không nhỏ bởi sự tắc trách, vô đạo đức và chấp hành luật pháp không nghiêm từ chính các nền tảng và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ.

Vào tháng 9-2019, lần đầu tiên, một cuộc hội nghị toàn cầu về công nghệ số với nội dung trọng tâm là xây dựng một thỏa thuận về các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong thế giới số, từ đó nhằm định hướng phát triển công nghệ đã được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ(***).

Là một trong những diễn giả của hội nghị, Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho rằng cần phải có sự minh bạch và trách nhiệm để đảm bảo rằng những người tạo ra công nghệ, trong đó có các công ty như Microsoft, phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với công chúng. Vị chuyên gia công nghệ này, đồng thời cũng là giám đốc pháp lý của tập đoàn, đã nhấn mạnh cần phải khẩn trương thực hiện các bước đi hướng tới hoàn thiện các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Một diễn giả khác, ông Ueli Maurer, khi đó là Tổng thống Thụy Sĩ, đã chia sẻ sự đồng tình với ông Brad Smith, đồng thời nêu ra sự cấp bách cần phải có các bộ tiêu chí về đạo đức để xây dựng một nền tảng công nghệ số cho tương lai một cách lành mạnh. Ông cho rằng, cộng đồng đang ngày càng mất lòng tin vào các giải pháp công nghệ, trong khi đây lại là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghệ số. Ông đã nêu ra yêu cầu, tại sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về công nghệ số, mạng xã hội hàng đầu thế giới như Facebook, Google, Huawei và IBM, rằng các công ty công nghệ phải thể hiện tính minh bạch, đáng tin cậy và sự cam kết trong các hoạt động.

Mạng xã hội nói riêng và thế giới số nói chung, dường như đang là một thế giới khá hỗn độn, lẫn lộn giữa yếu tố ảo và thật, đan xen giữa cái tốt, tích cực là cái xấu, tiêu cực. Một thế giới vẫn còn đầy khiếm khuyết với vô số quan hệ ảo được thiết lập vì sự ẩn danh này đang rất cần sự chặt chẽ và khoa học trong quản lý, điều hành. Thế nhưng, đây có lẽ là một bài toán nan giải, bởi các nền tảng và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ có vẻ như chỉ dành sự chú ý vào cuộc chạy đua tiện ích để làm gia tăng lợi nhuận cho chính bản thân mình, thay vì tập trung cho việc gắn kết yếu tố công nghệ với đạo đức xã hội.

Những rủi ro về việc kẻ xấu có thể ăn cắp dữ liệu cá nhân ngay trước mặt chủ nhân; những hành vi vi phạm như lợi dụng mạng xã hội để làm nhục người khác một cách vô tội vạ mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm đạo đức, pháp lý nào… đang dần trở nên phổ biến trong không gian mạng, bởi sự lơi lỏng trong khâu kiểm duyệt nội dung từ chính nhà cung cấp nền tảng. Thay vào đó, những lượt view, lượt like, lượt share được cho là kỷ lục (có thể mua được thông qua việc chạy quảng cáo) lại trở thành yếu tố để “câu” các nhà sản xuất, thương hiệu đổ tiền vào để quảng cáo cho sản phẩm của mình trên chính nền tảng mạng xã hội đó.

Đi theo xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ, yêu cầu cấp thiết là phải siết chặt quản lý bằng luật pháp và các quy chuẩn đạo đức với không chỉ các chủ kênh YouTube, kênh vlog, người tham gia mạng xã hội, người sử dụng công nghệ số mà còn đối với những nhà sáng tạo công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp nền tảng. Tất cả đều phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi xâm phạm đạo đức và pháp luật. Bên cạnh đó, trong trách nhiệm đối với cộng đồng, các công ty công nghệ và các mạng xã hội toàn cầu cần thực hiện đúng cam kết xây dựng một nền tảng kỹ thuật số, môi trường số văn minh và nhân đạo.

----------------------------------------------------

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/tu-tu-vi-mang-xa-hoi-628434.html

(**) https://tienphong.vn/tu-vu-ba-phuong-hang-boc-phot-gioi-nghe-si-chan-nem-da-tren-mang-xa-hoi-the-nao-post1341194.tpo

(***) https://www.swissinfo.ch/eng/international-geneva_launch-of-geneva-foundation-to-promote-ethics-in-digital-world/45201832

Xem thêm: lmth.os-ehgn-gnoc-gnat-nen-pal-teiht-iougn-coub-gnar-oan-cud-oad/558613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đạo đức nào ràng buộc người thiết lập nền tảng công nghệ số?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools