vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng muốn đẩy vốn ra, nhưng lại gặp... dịch

2021-06-06 09:45

Ngân hàng muốn đẩy vốn ra, nhưng lại gặp... dịch

Thụy Lê

(KTSG) - Tháng 5 vừa qua tiếp tục chứng kiến một loạt ngân hàng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất giảm mạnh dành cho khách hàng, nhằm cạnh tranh đẩy vốn ra. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ khiến rủi ro trong nền kinh tế gia tăng trở lại, nhu cầu vay vốn liệu có suy yếu?

Các ngân hàng nhỏ và tầm trung gia nhập cuộc đua khi triển khai hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi. Ảnh: HOÀNG TÂN

Cạnh tranh phát triển tín dụng

Bài viết Lãi suất cho vay đã giảm và có thể còn giảm mạnh hơn trên Kinh tế Sài Gòn phát hành cách đây ba tháng(*) đưa ra dự báo xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ ngày càng lan rộng trong năm nay, khi các ngân hàng nhận thấy chi phí vốn đã giảm mạnh và tình trạng dư thừa thanh khoản tiếp tục kéo dài.

Thực tế này đang diễn ra. Một loạt ngân hàng đã có động thái giảm mạnh lãi suất cho vay thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi trong những tuần gần đây. Nếu như những tháng đầu năm chứng kiến các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, HDBank, SCB, VPBank,... giảm lãi suất cho vay, thì trong tháng 4 vừa qua đến lượt các ngân hàng nhỏ và tầm trung gia nhập cuộc đua khi triển khai hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi.

Đơn cử như Ngân hàng Bắc Á tung ra chương trình ưu đãi lãi suất cho vay chỉ 7,5%/năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới sáu tháng và 7,7%/năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ sáu tháng, với tổng hạn mức tín dụng lên tới 3.000 tỉ đồng và miễn phí các dịch vụ tài khoản đi kèm.

PVCombank cũng triển khai gói vay hạn mức 9.000 tỉ đồng, hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn chỉ từ 5%/năm. Gói vay áp dụng cho mọi nhu cầu vay cá nhân từ mua nhà, mua ô tô, vay kinh doanh cho đến vay tiêu dùng.

Ngân hàng Đại Dương từ giữa tháng 5 cũng ra mắt gói ưu đãi lãi suất hấp dẫn dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, với lãi suất vay đô la Mỹ từ 2,5-2,7%/năm tùy theo mức xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp, thời gian ưu đãi lãi suất trong ba tháng đầu sau khi giải ngân và chương trình kéo dài đến hết năm nay.

Trước đó, từ đầu tháng 5, Ngân hàng Hàng Hải cũng triển khai chương trình cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm đối với tiền đồng và từ 3%/năm với đô la Mỹ. Hay như Ngân hàng Bảo Việt cũng có gói ưu đãi lãi suất vay vốn dành cho khách hàng doanh nghiệp hiện hữu năm 2021 với hạn mức gói tín dụng là 3.000 tỉ đồng, lãi suất thấp nhất là 6,3%/năm đối với vay ngắn hạn.

Chi phí vốn thấp và thanh khoản dồi dào

Có thể thấy chi phí vốn của nhiều ngân hàng hiện nay đã giảm đáng kể do lãi suất huy động tiền gửi đã giảm mạnh trong hơn một năm qua. Nhiều khoản tiền gửi trung, dài hạn trước đây, chủ yếu ở kỳ hạn 12-13 tháng, vốn đã hưởng lãi suất cao khi gửi vào thời điểm đầu năm 2020, những tháng qua cũng bắt đầu đáo hạn dần và nay khi gửi lại sẽ áp theo khung lãi suất tiền gửi mới, vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với trước. Riêng trong tháng 5 này, dù lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại, nhưng trên thị trường 1 (giữa ngân hàng và dân cư, tổ chức), không ít ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động từ dân cư.

Đáng lưu ý là thời gian qua cũng như trong những tháng tới, nhiều ngân hàng đã, đang và sẽ tăng mạnh vốn điều lệ, cũng như tiếp tục phát hành trái phiếu để đảm bảo nguồn vốn huy động dài hạn cho các mục tiêu phát triển kinh doanh. Gần đây việc một số ngân hàng phát hành trái phiếu với lãi suất 4%/năm cho thấy ngành này đang có nhiều điều kiện thuận lợi để huy động vốn rẻ, bớt phụ thuộc vào kênh tiền gửi từ khách hàng.

Các diễn biến trên sẽ giúp các ngân hàng không chỉ tiếp tục tối ưu hóa chi phí vốn đầu vào, mà còn tăng mức độ dồi dào thanh khoản. Ngoài ra, kể từ đầu quí 3, có một lượng lớn tiền đồng được bơm ra từ những hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng mà các ngân hàng thương mại đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm nay, theo đó có thể giúp thanh khoản tiền đồng của hệ thống tiếp tục dồi dào.

Trước tình hình này, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh cho vay là tất yếu. Tuy nhiên, nếu như tăng trưởng tín dụng đã diễn ra mạnh mẽ trong cuối quí 1, tính đến ngày 16-4 tăng 3,34% so đầu năm, thì với tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại khiến rủi ro nền kinh tế gia tăng, có thể làm nhu cầu vay vốn suy yếu trở lại.

Thách thức đẩy vốn ra

Việt Nam đã ghi nhận đợt bùng phát dịch bệnh lần 4 tính từ ngày 27-4 đến nay, ban đầu chỉ diễn ra tại các tỉnh thành phía Bắc nhưng hiện tại đã lan rộng vào các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM - đầu tàu kinh tế cả nước, do đó có thể ảnh hưởng lên niềm tin đầu tư và tiêu dùng vốn chỉ mới phục hồi mong manh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 vẫn tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng lũy kế năm tháng chỉ còn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức tăng 10% của tháng trước. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất có thể thấy rõ qua hoạt động bán lẻ, với doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Ở hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu giảm 2,1% so với tháng trước trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng nhẹ 0,8%, đẩy nhập siêu riêng tháng 5 lên mức 2 tỉ đô la Mỹ, đánh dấu tháng thứ 2 nhập siêu liên tiếp trở lại sau mức nhập siêu 1,23 tỉ đô la trong tháng 4. Hoạt động vận tải hành khách cũng giảm 14,9% tính theo lượt khách vận chuyển so với tháng trước. Có thể thấy sau giai đoạn phục hồi vừa qua, nền kinh tế đang cho những dấu hiệu chững lại.

Đáng lưu ý là trong tháng 5 chỉ mới chứng kiến việc giãn cách xã hội diễn ra manh mún tại một số địa bàn, nhưng với tình hình dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng và số ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày vẫn đang tăng và chưa tìm thấy đỉnh, việc giãn cách trên diện rộng có thể lại được kích hoạt và khi đó sẽ ảnh hưởng lên các hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn.

Đơn cử như tại TPHCM đã bắt đầu giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15 từ ngày 31-5-2021, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Một điểm đáng lo ngại nữa là đợt dịch bùng phát lần này cũng chứng kiến sự lây lan khó lường tại các địa bàn tập trung các khu công nghiệp như Bắc Giang và Bắc Ninh, khiến nhiều công ty lớn trong các khu vực này phải tạm dừng hoạt động.

Trước những nguy cơ này, dòng vốn có thể lại hướng vào những kênh an toàn như ngân hàng, khiến mức độ thanh khoản của hệ thống thêm dồi dào. Ở chiều ngược lại, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tạm dừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng trở lại, doanh nghiệp tất yếu sẽ giảm nhu cầu vay vốn.

(*) https://www.thesaigontimes.vn/td/314209/lai-suat-cho-vay-da-giam-va-co-the-con-giam-manh-hon-.html

Xem thêm: lmth.hcid-pag-ial-gnuhn-ar-nov-yad-noum-gnah-nagn/419613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng muốn đẩy vốn ra, nhưng lại gặp... dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools