Đại dịch Covid-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Nợ xấu liên quan tới các khoản vay mua phương tiện vận tải để kinh doanh cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Theo Thông tin tại Tọa đàm "Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng nay (23/6), hiện 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.
Có ngân hàng thừa nhận, nợ xấu tăng trong quý đầu năm 2020 chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ô tô. Phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại.
"Có nhiều xe mang đấu giá tới 4-5 lần chẳng ai mua. Mỗi lần đấu giá lại giảm 5%, tới lần thứ 4 giá giảm 20% so với định giá ban đầu, vậy nhưng đến nay vẫn để không. Bãi xe của ngân hàng giờ đã đầy, còn xe để lâu ngày cũng hỏng nhưng luật đã quy định, ngân hàng không thể không siết nợ khi món vay toàn tiền trăm triệu tới cả tỷ đồng", vị này kể.
Trong khi đó, theo một chuyên gia, nhiều người vay mua ô tô thời gian qua là để phục vụ kinh doanh như chạy taxi, cho thuê. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra và liên tục diễn biến phức tạp khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Tại một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội, các dịch vụ taxi thậm chí phải ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian. Số cuốc xe ít đi khiến thu nhập của các chủ xe sụt giảm và không ổn định, trong khi đó lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đã đều đặn theo hợp đồng đã đẩy người vay rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Anh Hải, tài xế chạy GrabCar tại Hà Nội cho biết, sau khi tham khảo từ những đồng nghiệp đi trước, năm 2019 anh đã bàn bạc với gia đình mua xe trả góp rồi chạy taxi để vừa kiếm thêm tiền, vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình.
Sau khi gom góp được 150 triệu đồng, anh vay ngân hàng thêm hơn 400 triệu để mua chiếc xe giá trị hơn 550 triệu và dự tính trả trong 5 năm. Thời gian đầu, sau khi đóng chi phí cho ứng dụng gọi xe, anh Hải có thể kiếm được khoảng 25-30 triệu đồng/tháng, đủ tiền để trả nợ và chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bất ngờ xảy đến, đỉnh điểm là các khoảng thời gian giãn cách xã hội thì xe gần như phải nằm yên một chỗ khiến cuộc sống đảo lộn, thậm chí không có tiền để đóng cho ngân hàng lại phải đi vay người thân để trả.
Anh Hải cho biết, một số đồng nghiệp cũng là cánh tài xế chạy taxi như anh không xoay đâu ra tiền đã phải chấp nhận bán xe để thanh lý hợp đồng với ngân hàng, tuy nhiên việc bán xe thời buổi ngày cũng không hề dễ dàng.
Theo quan sát, lượng xe ô tô mà các khách hàng rao bán thanh lý từ năm 2020 tăng đột biến, trong đó có cả xe tải, xe ô tô 4 chỗ cho đến xe khách, xe du lịch.
Hiện website VIB đang rao bán hơn 100 phương tiện vận tải. TPBank từ tháng 5 đến nay cũng thông báo thanh lý khoảng 30 chiếc xe ô tô,..Trong đó, nhiều chiếc xe được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm chỉ từ 150 triệu đồng/chiếc.
Thậm chí, trước đó, trong năm 2020, nhiều ngân hàng còn rao bán ô tô với giá "sốc" chỉ từ 25 triệu đồng/chiếc, nhiều xe taxi cũ cũng chỉ từ 60-100 triệu đồng/chiếc.
Thông báo thanh lý xe của một ngân hàng
Thu Thủy
Doanh nghiệp & Tiếp thị