Đài truyền hình Nhật NHK ngày 8-7 đưa tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã qua đời sau khi bị ám sát trong một buổi vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở TP Nara thuộc tỉnh Nara (miền Tây nước Nhật), trước thềm bầu cử Thượng viện Nhật vào cuối tuần này. Nghi phạm bị bắt giữ ngay lập tức, hiện đang bị tạm giam để điều tra.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trên đường phố Nara (miền Tây nước Nhật) trước khi bị bắn vào sáng 8-7. Ảnh: ASAHI SHIMBUN/GETTY IMAGES |
Diễn biến vụ việc
Theo NHK, ông Abe đến TP Nara từ sáng 8-7 (giờ địa phương) để vận động cho ứng cử viên Kentaro Asah của đảng LDP. Sự kiện được truyền thông rộng rãi từ vài ngày trước nên có rất đông người dân đến dự để nghe ông Abe diễn thuyết. Tuy được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng sân khấu được bố trí tương đối mở và người dân hầu như đều có thể đến gần ông Abe dễ dàng.
Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường, khi cựu Thủ tướng Abe phát biểu được vài phút thì một nam giới bắt đầu di chuyển về phía ông từ phía sau rồi bất ngờ dùng hung khí được cho là súng tự chế bắn hai phát.
“Sau phát súng thứ nhất, ông ấy không ngã. Phát thứ hai nghe rõ ràng hơn và chúng tôi có thể thấy tia lửa và khói. Sau phát thứ hai, ông ấy ngã xuống, mọi người vây quanh và xoa bóp tim cho ông ấy” - một phụ nữ thuật lại vụ việc.
NHK và hãng thông tấn Kyodo News dẫn lời ông Seigo Yasuhara, một quan chức thuộc Sở Cứu hỏa TP Nara, cho biết ông Abe ban đầu tỉnh táo và vẫn còn phản ứng nhưng sau đó đã rơi vào trạng thái ngưng tim, ngưng hô hấp. Ông được trực thăng cấp tốc đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất là BV ĐH Y Nara trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng. Vợ ông Abe là bà Akie biết tin khi ở nhà riêng và được đưa đến bệnh viện.
Dù được gần 20 bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng đến chiều cùng ngày, lãnh đạo bệnh viện họp báo và chính thức xác nhận cựu Thủ tướng Abe đã qua đời vì chảy máu quá nhiều do vết thương trên ngực quá nặng, sâu đến tim, thêm một vết thương trên thành cổ bên phải.
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chia buồn sau khi ông Shinzo Abe qua đời
Được tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ trần, ngày 8-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Trong điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, Nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Shinzo Abe; bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà Ngài Shinzo Abe dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa.
TTXVN
Nước Nhật và thế giới bàng hoàng
Thông tin ông Abe qua đời trở thành một cơn chấn động đối với giới chính khách và người dân Nhật nói chung.
Thời điểm xảy ra vụ ám sát, Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida và một số thành viên nội các đang ở TP Sagae thuộc tỉnh Yamagata cũng để vận động tranh cử cho ứng viên đảng LDP, đã lập tức trở về thủ đô Tokyo khi biết tin. Nhà lãnh đạo Nhật nghẹn ngào cho biết dù đã luôn hy vọng ông Abe được cứu sống nhưng tin buồn vẫn đến, đây là “điều vô cùng đáng tiếc và không thể nói thành lời”.
“Ông Abe là một người tiền bối, người bạn tốt của tôi. Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng nhau, tôi sẽ không bao giờ quên những lời khuyên và sự ủng hộ của ông ấy” - Thủ tướng Kishida nghẹn ngào chia sẻ.
Lên án vụ ám sát là “vô cùng man rợ” và “không thể tha thứ”, Thủ tướng Kishida tuyên bố rằng “chúng tôi đang tìm hiểu vụ việc và sẽ có biện pháp xử lý phù hợp nhất”.
Một số nhân vật ở các đảng đối lập cũng lên án vụ tấn công. Lãnh đạo đảng Dân chủ Lập hiến Nhật (CDP) Kenta Izumi cho rằng vụ ám sát ông Abe là hành động đáng lên án ở một quốc gia dân chủ. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Reiwa Shinsengumi Taro Yamamoto cho biết ông thực sự rất mong ông Abe có thể sống được. Trao đổi với đài CNN, ông Yamamoto cho biết “dù quan điểm chính trị của chúng tôi có thể khác nhau nhưng cựu Thủ tướng Abe đã làm việc rất chăm chỉ để tạo ra xã hội Nhật mà ông ấy hy vọng».
Về phía người dân Nhật, nhiều người bộc lộ cảm xúc giận dữ vì hành vi bạo lực của hung thủ và chia buồn đối với gia đình ông Abe. Nhiều người cho biết họ rất sững sờ trước việc ông Abe bị ám sát bằng súng bởi Nhật là một trong những quốc gia có luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới, đồng thời lo ngại khả năng xảy ra tình trạng ám sát tương tự trong tương lai.
“Tôi không thể ngừng run rẩy... Có nhiều chính khách mà tôi không thích nhưng hành động ám sát như thế này là không thể tưởng tượng được” - tài khoản Twitter của một người Nhật tên Nonochi chia sẻ.
Tờ The Guardian dẫn lời GS Airo Hino thuộc ĐH Waseda (Nhật) cho rằng chưa từng xảy ra một vụ việc chấn động với quy mô tương tự ở Nhật. Trong khi đó, trao đổi với CNN, Giám đốc Hội đồng Công nghiệp an ninh Quốc tế Nhật Nancy Snow nói vụ ám sát ông Abe sẽ thay đổi nước Nhật mãi mãi.
“Vụ việc này không chỉ rất khó xảy ra mà còn thực sự khó hiểu về mặt văn hóa. Người dân Nhật không thể tưởng tượng việc văn hóa sử dụng súng như ở Mỹ. Đây là một khoảnh khắc không nói nên lời” - bà Snow bày tỏ.•
Lãnh đạo các nước chia buồn với gia đình ông Abe và người dân Nhật
Sau khi biết tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe qua đời vì bị ám sát, ngày 8-7, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chia buồn với gia đình ông Abe và người dân Nhật, theo hãng tin Reuters.
Chia sẻ bên lề Hội nghị bộ trưởng ngoại giao nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi đây là sự việc “rất đáng buồn”. Đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel chia sẻ trên trang Twitter chính thức rằng nước Mỹ rất đau buồn trước những gì xảy ra với ông Abe - một nhà lãnh đạo xuất sắc của Nhật, là đồng minh thân thiết của Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng sự việc là “đòn giáng mạnh” vào người dân Nhật, những người yêu mến và ngưỡng mộ ông Abe - người mà ông ca ngợi là vị “lãnh đạo thực sự”.
Thủ tướng Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết ông vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin ông Abe qua đời.
“Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất đến gia quyến ông Abe. Gửi lời chia buồn đến người dân Nhật vì đã mất đi một trong những chính khách đáng kính nhất trong lịch sử” - ông Yoon nói, đồng thời lên án vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật là “hành vi không thể tha thứ”.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói rằng sự việc ông Abe bị ám sát quá khủng khiếp. Theo ông, nước Nhật dưới nhiệm kỳ của ông Abe là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Úc. Di sản ông Abe để lại cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là rất lớn với các hoạt động mạnh mẽ của nhóm Bộ tứ (QUAD) và sự ra đời của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo ông Albanese.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gửi lời chia buồn đến gia đình ông Abe, khẳng định “ông Abe là một chính khách tài năng, một nhà lãnh đạo xuất chúng, là người đã cống hiến cả cuộc đời để đem lại những điều tốt đẹp cho nước Nhật”. Ấn Độ sẽ để tang cựu Thủ tướng Abe một ngày (9-7).
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật đăng thông cáo chính thức ghi nhận rằng ông Abe đã đóng góp rất nhiều vào nỗ lực cải thiện quan hệ Trung - Nhật, Bắc Kinh chia buồn sâu sắc với chính quyền Nhật và gia đình ông Abe.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tưởng nhớ ông Abe là một “chính khách xuất chúng” và cho biết đã gửi thư chia buồn đến gia đình cựu thủ tướng Nhật.
Thông tin điều tra sơ bộ về nghi phạm
NHK dẫn thông tin từ cảnh sát cho biết nghi phạm bắn cựu Thủ tướng Shinzo Abe là nam giới, tên Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, cư dân TP Nara. Nghi phạm không tìm cách bỏ chạy sau khi bắn ông Abe, bị nhân viên an ninh khống chế, quật ngã và bắt giữ ngay tại chỗ.
Nghi phạm bắn ông Abe bằng một khẩu súng tự chế. Người này từng là một thành viên của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, xuất ngũ năm 2005.
Cảnh sát đã thẩm vấn nghi phạm và bước đầu Yamagami khai rằng mình có chủ đích sát hại ông Abe vì không hài lòng với vị chính khách này. Chưa rõ sự không hài lòng này xuất phát từ khác biệt quan điểm chính trị hay tư thù cá nhân. Nghi phạm đã bị truy tố cáo buộc cố ý giết người.