vĐồng tin tức tài chính 365

Khủng hoảng lương thực: Người được và kẻ mất

2022-07-13 18:10

Đại dịch COVID-19 vốn đã khiến đói ăn là mối lo với hàng triệu người thất nghiệp, cộng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giờ là lạm phát, chiến tranh, khiến thiếu ăn trở thành vấn đề thiết yếu của an ninh và hòa bình tại nhiều quốc gia, như lời giám đốc Chương trình Lương thực thế giới tại Đức Martin Frick nói với Hãng tin RND (Đức) hôm 25-6. 

Ông Frick cũng cảnh báo tình trạng lạm phát giá lương thực hiện ở trên mức 25% tại 36 quốc gia là “quả bom hẹn giờ”. 

 
 Một nông dân ở Malawi (Đông Phi) đứng giữa cánh đồng trồng đậu nành. Ảnh: Eco-Business.com

Khủng hoảng từ hai “giỏ bánh mì”

Thực tế, lương thực đã có những vấn đề của nó từ trước khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine. Nhưng rõ ràng cuộc chiến bùng nổ vào cuối tháng 2 đã là yếu tố tác động rất lớn khiến cuộc khủng hoảng lương thực gia tăng cả về tốc độ và quy mô. 

Chỉ riêng vai trò của hai quốc gia đang xung đột với nhau là Nga và Ukraine trong bản đồ lương thực toàn cầu đã thấy vấn đề: Đó là hai nhà xuất khẩu ngũ cốc và các hàng hóa phục vụ nông nghiệp như phân bón lớn nhất thế giới.

Trước tháng 2-2022, Nga và Ukraine sản xuất khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu lúa mì được giao dịch toàn cầu. Họ cũng cung cấp khoảng 20% lượng lúa mạch - vốn thường dùng trong thức ăn gia súc và làm bánh mì, 75% lượng dầu hạt hướng dương cho toàn thế giới. 

Cùng nhau, Nga và Ukraine trở thành một trong những khu vực được mệnh danh là “giỏ bánh mì” của thế giới. 

Tuy nhiên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24-2, kéo theo là một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, lượng hàng xuất khẩu nông nghiệp đã bị thắt chặt trên toàn khu vực biển Đen. 

Trước cuộc chiến, khoảng 90% xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đi qua biển Đen. Và nay, việc tìm kiếm các ngả đường trên bộ cho xuất khẩu ngũ cốc là thách thức không nhỏ.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận thấy trước cuộc chiến ở Ukraine, giá lương thực cũng đã cao, chủ yếu do sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch COVID-19 và hậu quả mất mùa của các đợt hạn hán do biến đổi khí hậu ở những vùng sản xuất lương thực trọng yếu trên thế giới. 

Từ sau khi cuộc chiến nổ ra tại Ukraine, giá lương thực tiếp tục vọt lên các mốc mới. 

So với cùng kỳ năm ngoái, FAO cho biết chỉ số giá lương thực đã tăng 22%, xét riêng một số mặt hàng cụ thể thì mức tăng còn lớn hơn, như bột mì tăng 56%, dầu thực vật 30% - riêng hai mặt hàng này nguyên nhân tăng gần như bắt nguồn hoàn toàn từ cuộc chiến tại Ukraine.

Không chỉ là cái ăn cho con người

Tình hình trở nên căng thẳng hơn nhiều ở những nước nghèo vốn lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực của Nga và Ukraine. 

Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho thấy trong năm 2021, các nước Eritrea, Armenia, Mông Cổ, Azerbaijan, Gruzia, Somalia, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Madagascar, Lebanon, Ai Cập và Pakistan lệ thuộc hơn 70% lượng nhập khẩu lúa mì vào hai quốc gia này. 

Đây đều là những nước có vị trí địa lý gần với biển Đen hoặc có các tuyến vận tải biển kết nối với vùng biển đó.

Các vòng đàm phán về hành lang an toàn cho ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng ở biển Đen cho tới nay rất ít tiến triển trong khi Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo 47 triệu người có nguy cơ bị đói vì khủng hoảng lương thực. 

Không chỉ ngũ cốc, Nga và Ukraine còn là những nước xuất khẩu chủ lực phân bón.

Nếu xuất khẩu từ Ukraine tiếp tục bị phong tỏa, tư duy đơn giản cho rằng những nơi khác phải tăng cường sản xuất để bù đắp. Nhưng thực tế con người hiện đã sản xuất ra đủ lương thực để nuôi sống cả địa cầu. 

Vấn đề là 43% cây lương thực hiện được dùng làm nhiên liệu sinh học hoặc thức ăn chăn nuôi. Lượng ngũ cốc đó tương đương với 6 lần tổng sản lượng của Nga và Ukraine cộng lại.

Không tới một nửa ngũ cốc được thu hoạch trên thế giới là dùng để nuôi ăn trực tiếp con người. Có thể lấy ví dụ chính lúa mì, mặt hàng nông sản quan trọng nhất mà Nga và Ukraine sản xuất. 

Năm 2019, năm gần nhất có số liệu, hai nước làm ra tổng cộng gần 103 triệu tấn, vẫn ít hơn sản lượng dùng để nuôi gia súc gia cầm hằng năm trên toàn thế giới hiện nay - 129 triệu tấn (22 triệu tấn nữa được dùng làm nhiên liệu sinh học). 

Loại ngũ cốc có năng suất lớn thứ hai là ngô (bắp) thậm chí còn ít được con người sử dụng làm thực phẩm hơn: chỉ 13% tổng sản lượng toàn cầu.

Trong khi năng suất ngũ cốc toàn cầu đã tăng 17% vào những năm 2010, vượt xa mức tăng dân số (khoảng 11%), lượng tiêu thụ lương thực bình quân đầu người vẫn gần như không đổi, và nhiều người vẫn còn thiếu ăn. 

Chiến tranh tất nhiên làm vấn đề thêm trầm trọng, nhưng bản chất của việc chia sẻ lương thực toàn cầu đã bất công và khá kỳ quặc một thời gian dài rồi. Riêng việc giảm bớt lãng phí thực phẩm, ưu tiên cho nuôi con người thay vì nuôi gia súc, và điều đó đòi hỏi không chỉ là hòa bình lập lại ở Ukraine.

Cơ hội trong khủng hoảng

Là quốc gia trong nhóm dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo và các loại lương thực, thực phẩm khác, Thái Lan đã nhìn ra cơ hội của họ trong bối cảnh khủng hoảng thiếu lương thực hiện nay. 

Liên đoàn Các ngành công nghiệp (FTI) Thái Lan tin rằng ngành công nghiệp thực phẩm nước này sẽ hưởng lợi từ bối cảnh hiện nay khi số đơn mua tăng lên do nhiều nước lo lắng về sự thiếu hụt lương thực.

Ông Kriengkrai Thiennukul, chủ tịch FTI, cho biết: “Các nhà máy thực phẩm Thái Lan đã chuẩn bị nguyên liệu thô để chế biến thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường lương thực toàn cầu vốn bị ảnh hưởng vì chiến tranh”. 

FTI tự tin cho rằng họ không quá lo ngại về sự khan hiếm nguyên liệu thô để chế biến thực phẩm xuất khẩu, do Thái Lan có nguồn nông sản dồi dào.

Ông Visit Limlurcha, chủ tịch câu lạc bộ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của FTI, ước tính giá trị xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan trong năm nay sẽ tăng lên 1.100 tỉ bath (khoảng 31 tỉ USD).

Dù vậy FTI cũng vẫn còn một quan ngại, đó là việc tăng giá dầu toàn cầu kéo theo lạm phát tăng cao. Lạm phát trong tháng 5 tại Thái Lan đã ở mức cao nhất trong 7 năm - 7,1%, theo số liệu của Văn phòng Chiến lược và chính sách thương mại nước này.

Trang Business Times (Singapore) thì nhận định cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay sẽ mang lại cơ hội cho nhiều nước xuất khẩu lương thực tại Đông Nam Á, và lưu ý ảnh hưởng từ lạm phát với giá lương thực ở khu vực này có thể đến chậm hơn so với thế giới.■

Tự chủ lương thực là lối thoát duy nhất?

Giáo sư kinh tế học Vikas Rawal tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi, Ấn Độ, chia sẻ một quan điểm đáng chú ý trong bài viết có tiêu đề: “Khủng hoảng lương thực toàn cầu: Tự cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu trong nước là lối thoát duy nhất” trên trang Newsclick (Ấn Độ). 

Trong bài, ông khẳng định cuộc khủng hoảng lương thực đã có từ trước xung đột Nga - Ukraine, đồng thời kêu gọi các chính phủ nhận ra sự thật không có lựa chọn thay thế nào khác ngoài việc tự chủ về lương thực, và điều này cần chiến lược ưu tiên đầu tư của nhà nước vào nông nghiệp cũng như hệ thống lương thực.

Xem thêm: mth.9572561-tam-ek-av-coud-iougn-cuht-gnoul-gnaoh-gnuhk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khủng hoảng lương thực: Người được và kẻ mất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools