Trẻ em ở thành phố Mumbai, Ấn Độ vẽ tranh mừng nữ tổng thống vốn xuất thân giai tầng thấp trong xã hội - Ảnh: AFP
* Nữ tổng thống thứ hai của Ấn Độ vốn là giáo viên. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày 21-7 cho thấy bà Droupadi Murmu của Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) cầm quyền đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tổ chức ngày 18-7 vừa qua.
Qua 2 vòng kiểm phiếu của quốc hội và hội đồng lập pháp địa phương, bà Murmu giành được tổng cộng 1.349 phiếu bầu. Đối thủ của bà là ông Yashwant Sinha thuộc phe đối lập, trong đó có Đảng Quốc đại, chỉ giành được 537 phiếu ủng hộ.
Như vậy, bà Murmu, 64 tuổi, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Ấn Độ có xuất thân từ cộng đồng bộ lạc thuộc giai tầng thấp trong xã hội Ấn và là phụ nữ thứ hai sau bà Pratibha Patil giữ chức vụ này.
Theo kế hoạch, bà Murmu sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 15 của Ấn Độ vào ngày 25-7, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Ram Nath Kovind kết thúc nhiệm kỳ.
* Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Kiev. Ngày 21-7, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo các bên trong cuộc đàm phán kéo dài 1 tuần qua dự kiến ký thỏa thuận trong ngày 22-7. Theo Ankara, các bên đã đạt được thỏa thuận chung nhưng chưa rõ chi tiết cụ thể.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bay đến Istanbul để tham gia buổi ký kết thỏa thuận lớn đầu tiên đạt được giữa Ukraine và Nga kể từ khi chiến sự nổ ra vào cuối tháng 2-2022, theo Hãng tin AFP.
"Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, cực kỳ quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, sẽ được ký kết tại Istanbul (vào thứ sáu) dưới sự bảo trợ của Tổng thống (Recep Tayyip) Erdogan và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Guterres cùng với các phái đoàn Ukraine và Nga", phát ngôn viên của Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết.
Ước tính khoảng 25 triệu tấn lúa mì và các loại ngũ cốc khác đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine.
Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc tìm được giải pháp cho xuất khẩu ngũ cốc của Kiev - Ảnh: REUTERS
* Tổng thống Mỹ "công khai sức khỏe" sau khi mắc COVID-19. Phát biểu ngày 21-7 sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19, Tổng thống Joe Biden nói rằng mình "rất ổn" với các triệu chứng rất nhẹ và sẽ tiếp tục làm việc trong thời gian bị cách ly tại Nhà Trắng. Ông cũng đăng hình ảnh mình ngồi tại bàn làm việc và một đoạn phim ngắn.
"Các bạn, tôi đoán mọi người đã nghe tin sáng nay tôi xét nghiệm dương tính với COVID-19. Triệu chứng rất nhẹ và tôi cảm kích những lo lắng, yêu cầu của mọi người. Sẽ ổn thôi mà", ông nói với nụ cười tươi. Ông đã tiêm 4 mũi vắc xin ngừa COVID-19.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ bác sĩ Kevin O'Connor của Nhà Trắng nói rằng ông Biden, 79 tuổi, bị sổ mũi, mệt mỏi và thỉnh thoảng bị ho khan từ ngày 20-7. Tổng thống Mỹ đã bắt đầu dùng thuốc kháng virus Paxlovid. Ông sẽ được cách ly trong 5 ngày và có thể xuất hiện lại tại các sự kiện công cộng sau khi có kết quả âm tính.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tươi cười bên bàn làm việc sau khi mắc COVID-19 - Ảnh: REUTERS
* Tổng thống Nga điện đàm với thái tử Saudi Arabia nói chuyện dầu mỏ. Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm ngày 21-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Mohammed bin Salman đã nhất trí về việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và các đồng minh nên hợp tác, "thực hiện các nghĩa vụ" để duy trì ổn định của các thị trường dầu trên toàn cầu.
Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Saudi Arabia với hy vọng thúc đẩy các nước vùng Vịnh tăng cường sản xuất dầu.
Tháng trước, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng lên thêm 648.000 thùng/ngày, tương đương 0,7% nhu cầu toàn cầu, trong tháng 7 và 8-2022 trước sức ép từ phương Tây trong bối cảnh giá dầu leo thang.
Tắm cho danh tướng
Ở góc ảnh này, người xem bật cười vì tưởng như bức tượng đồng đô đốc Yi Sun Shin hơi "bối rối" khi người công nhân phun nước rửa đã làm "ướt" tấm áo giáp của ông. Đô đốc Yi Sun Shin là danh tướng huyền thoại của Hàn Quốc từng giành chiến thắng lớn trước quân Nhật vào thế kỷ 16. (AFP)
* Ý bầu cử sớm. Tổng thống Ý Sergio Mattarella ký sắc lệnh giải tán Quốc hội và sẽ cho tổ chức bầu cử sớm, dự kiến vào ngày 25-9 tới, do thiếu ủng hộ của Quốc hội đối với chính phủ và không có triển vọng tạo ra đa số mới.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn từ chức. Tổng thống Mattarella đã chấp nhận đơn xin từ chức của ông Draghi. Văn phòng Tổng thống cho biết chính phủ của ông Draghi vẫn tiếp tục nắm quyền để xử lý các công việc hiện tại cho đến cuộc bầu cử tiếp theo.
* Quan chức Nga hy vọng sớm mở đường bay thẳng từ Vladivostok tới Việt Nam. Tổng giám đốc sân bay quốc tế Vladivostok (vùng Viễn Đông Nga) Andrei Vinichenko cho biết phía Nga đang tích cực đàm phán nhằm mở đường bay thẳng thường xuyên tới Việt Nam và một số nước châu Á trong năm nay.
Theo TTXVN, đại diện phía Nga đang tích cực tiến hành các cuộc đàm phán với các hãng hàng không của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc về việc mở các chuyến bay thường xuyên. Họ cũng lên kế hoạch đàm phán với các đối tác Nhật Bản và Thái Lan trong thời gian tới.
* Cảnh sát Brazil đột kích khu ổ chuột Rio de Janeiro. Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong một cuộc đột kích của cảnh sát nhắm vào các nhóm tội phạm có tổ chức ở khu ổ chuột của Rio de Janeiro.
Một nhân viên thực thi pháp luật và một phụ nữ sống trong khu vực nằm trong số 18 người chết ở khu ổ chuột Complexo do Alemao, trong khi 16 người khác được cho là thành viên của các nhóm tội phạm.
Người dân chuyển thi thể 1 người thiệt mạng ở khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, Brazil, sau cuộc đột kích diệt băng đảng tội phạm của cảnh sát - Ảnh: AFP
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định về bệnh đậu mùa khỉ. Các chuyên gia thảo luận về việc liệu WHO có nên tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức báo động cao nhất, hay không. Đây là cuộc họp thứ 2 của WHO trong bối cảnh đã có hơn 14.000 ca bệnh được ghi nhận trên toàn cầu.
Chứng khoán toàn cầu và đồng euro tăng giá sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 0,5%. Theo Hãng tin Reuters, chỉ số MSCI toàn cầu thăng 0,77% trong khi chỉ số STOXX 600 của châu Âu tăng 0,44%. Ngay sau tuyên bố của ECB, đồng euro tăng vọt lên 1 euro đổi 1,0278 USD trước khi xuống còn 1 euro đổi 1.0204 USD.
Dầu cũng giảm giá trước động thái của châu Âu gây lo ngại về nhu cầu năng lượng và việc Nga mở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream giải tỏa lo ngại. Giá dầu thô Mỹ giảm 3,53% còn 96,35 USD/thùng, còn giá dầu Brent giảm 2,86 USD còn 103,86 USD/thùng.
TTO - Nga tuyên bố không bán dầu cho thế giới nếu thấy bị lỗ; Tướng Mỹ khẳng định Ukraine chưa mất Donbass; Chương trình Medicare của Mỹ bị thổi giá trục lợi; Gói trừng phạt Nga hiệu lực hôm nay... là một số thông tin đáng chú ý trong ngày 21-7.