Ngày 17/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các mẫu máu xét nghiệm của hai người tử vong tại vùng Ashanti, phía Nam Ghana dương tính với virus Marburg. Cả hai bệnh nhân đều có các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn và tử vong trong vòng một ngày sau khi nhập viện hồi cuối tháng 6. Trong đó, một bệnh nhân 26 tuổi và bệnh nhân còn lại 51 tuổi. Có 98 người liên quan đến 2 ca bệnh này và đã được đưa vào diện cách ly. Đây là lần thứ 2 virus Marburg xuất hiện tại Tây Phi.
Theo WHO, bệnh do virus Marburg gây ra có thể gây tử vong ở người với tỷ lệ tử vong dao động từ 24% - 88%. Các nghiên cứu cũng khẳng định rằng tỷ lệ tử vong do virus thậm chí còn có thể cao hơn nữa.
Theo một nghiên cứu gần đây, virus Marburg gây ra một trong những căn bệnh đáng lo ngại, bởi nó có thể gây ra tình trạng sốt xuất huyết nghiêm trọng và tình trạng thiếu thuốc kháng virus có thể khiến việc đối phó với căn bệnh này trở nên khó khăn hơn.
Virus Marburg lây truyền như thế nào?
Bệnh do virus Marburg gây ra được WHO mô tả là một loại bệnh sốt xuất huyết và có khả năng lây nhiễm cao tương tự như bệnh gây ra bởi virus Ebola.
Bệnh có thể được truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh như dơi, hoặc lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ cơ thể của bệnh nhân hoặc virus trên bề mặt, vật liệu mà người bệnh từng sử dụng qua như giường hoặc quần áo. Nhân viên y tế - những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng được xem là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh.
Giáo sư Dean Blumberg, Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm Nhi khoa tại Bệnh viện nhi UC Davis cho biết: “Virus có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với chất dịch từ người bệnh như máu, nước bọt hoặc nước tiểu”.
Ảnh minh hoạ: Bệnh do virus Marburg gây ra được WHO mô tả là một loại bệnh sốt xuất huyết do virus có khả năng lây nhiễm cao tương tự như virus Ebola gây ra.
Triệu chứng của bệnh gây ra bởi virus Marburg
Theo WHO, các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu đột ngột trong vòng 5 đến 10 ngày sau khi nhiễm virus. Các dấu hiệu bao gồm sốt, đau nhức đầu dữ dội, đau cơ, tiêu chảy.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC), hơn 50% bệnh nhân nhiễm virus Marburg gặp phải các triệu chứng tiêu hóa như chán ăn, khó chịu ở vùng bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Giáo sư Blumberg cho biết các triệu chứng khác có thể xuất hiện đột ngột trong vòng từ 2 - 21 ngày sau khi bệnh nhân phơi nhiễm với nguồn bệnh. Các triệu chứng này bao gồm ớn lạnh, nhức đầu và đau cơ.
Các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn có thể xuất hiện từ ngày thứ 3 từ sau khi nhiễm bệnh.
Giáo sư Blumberg nói: “Tình trạng phát ban thường xuất hiện vào ngày thứ 5 kể từ khi xuất hiện triệu chứng.”
ECDC cũng cảnh báo thêm rằng bệnh có thể gây ra các triệu chứng ở hệ thần kinh ở giai đoạn sau khi nhiễm trùng. Các tình trạng sức khoẻ như mất phương hướng, co giật và hôn mê có thể xảy ra ở bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, khi bệnh trở nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như chảy máu ồ ạt, mất máu, xuất huyết nghiêm trọng, rối loạn chức năng đa cơ quan trước khi tử vong. Các trường hợp tử vong thường xảy ra ở ngày thứ 8 - 9 kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khởi phát bệnh.
Tuy vậy, việc chẩn đoán bệnh có thể gặp khó khăn do virus Marburg gây ra các triệu chứng giống với các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét hoặc sốt thương hàn.
Ảnh minh hoạ: Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột trong vòng 5 đến 10 ngày sau khi nhiễm virus Marburg.
Phòng ngừa và điều trị bệnh thế nào?
Hiện nay, chưa có các loại thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng ngừa bệnh do virus Marburg gây ra. Thay vào đó, các bệnh nhân bị nhiễm virus sẽ được điều trị bằng các biện pháp hỗ trợ giúp giảm nhẹ triệu chứng, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị hỗ trợ này bao gồm truyền nước, duy trì nồng độ oxy, sử dụng thuốc điều trị từng triệu chứng như thuốc ổn định huyết áp, thuốc hạ sốt, thuốc chống tiêu chảy và nôn mửa. Trong trường hợp bị xuất huyết nặng, bệnh nhân sẽ được truyền máu và sử dụng các loại thuốc hạn chế tình trạng xuất huyết.
Ngoài ra, việc phát hiện bệnh sớm sớm và cách ly người bệnh cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thường xuyên rửa tay, sử dụng găng tay, đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc ở cự ly gần với người bệnh cũng là một biện pháp bảo vệ bản thân và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Các đợt bùng phát bệnh do virus Marburg gây ra trong quá khứ
Bệnh do virus Marburg gây ra lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1967 trên những con khỉ nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức), Belgrade (Serbia) và sau đó là Nam Tư.
Các đợt bùng phát tiếp theo đã được báo cáo ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Tại Angola, bệnh do virus Marburg đã khiến khoảng hơn 300 người tử vong.
Vào tháng 8/2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, dịch bệnh do virus Marburg gây ra đã xuất hiện ở Cộng hòa Guinea. Tuy nhiên, đợt bùng phát được tuyên bố là đã kết thúc vào tháng 9 cùng năm.
Nguồn: Times of India, Washington Post, Health
https://soha.vn/who-ghi-nhan-virus-gay-benh-moi-ty-le-tu-vong-len-toi-88-trieu-chung-can-chu-y-la-gi-20220721160732342.htmTheo Huyền My
Trí Thức Trẻ