Câu chuyện nghĩa tình này đã giúp nhiều người có điểm tựa lúc gian khó.
Một buổi sáng cuối tháng 5, gần chục người dân ở xã Cẩm Thanh trên tay cuốc xẻng, túi xách tập trung đến khu vườn nhà bà Phạm Thị Hoa nằm ở đầu thôn 4. Gần 200m2 đất ngay trước khuôn viên nhà bà Hoa nhiều năm nay đã trở thành vườn rau vượt khó cho những người gặp khó khăn, ai thích có thể đến trồng rồi tự thu hoạch đem về bán hoặc dùng trong gia đình.
Vườn rau, cửa hàng 0 đồng
Từ khi vườn rau miễn phí được dọn và trồng lên những khoảnh xanh tốt, Lê Thị Hoàng Phương - một phụ nữ ở Cẩm Châu - thường xuyên được nhận những suất quà đặc biệt từ vườn bà Hoa.
Bà Hoa kể rằng Phương đau yếu thường xuyên, hoàn cảnh khó khăn nên bà cùng các chị em phụ nữ trong thôn đã quyết định góp sức, góp tiền mua giống và phân bón rồi gầy vườn rau trong nhà bà để những ai khó khăn có thể đến lấy. Phương được tới hái miễn phí về dùng trong gia đình. Khoản tiền bán rau từ khu vườn cũng được chị em dành lại một phần để giúp Phương mua sắm đồ đạc trong gia đình, mua thuốc thang hằng ngày.
Vườn rau nghĩa tình của bà Hoa ở Thanh Đông dù nhỏ nhưng là điểm đến của nhiều khách du lịch. Đến đây, khách không chỉ trải nghiệm mô hình rau hữu cơ, được trồng từ nguồn rác hữu cơ tái chế mà còn được thấy những hình ảnh sẻ chia dung dị giữa người với người trong cộng đồng.
Bà Hoa cho biết đợt dịch COVID-19 năm 2020, chứng kiến quá nhiều bà con khó khăn, đặc biệt là việc cách ly xã hội khiến rau xanh khan hiếm, nên bà đã quyết định dọn khoảnh đất lâu nay dùng để trồng cây làm không gian phía trước nhà để mọi người có thể tới trồng rau, chăm sóc.
Ý tưởng của bà được những người ở gần đó hưởng ứng. Hơn 200m2 đất được làm sạch, mọi người sáng chiều chia nhau ra nhổ cỏ, chăm sóc, góp tiền bón phân. Nguồn nước tưới được bà Hoa cho sử dụng miễn phí với nước thủy cục trong gia đình.
Chỉ vài tháng sau, một thảm xanh mướt đã bao trùm khu đất. Những người khó khăn được mời tới thu hoạch, đem về dùng. Số rau dư thừa được bán rồi gom góp lại để mua sách vở cho trẻ em khó khăn, tặng học bổng cho trẻ mồ côi và mua sắm dụng cụ phục vụ buôn bán cho những chị em trong thôn còn nghèo khó.
Bà Hoa khoe rằng chỉ riêng tiền bán rau năm đầu tiên đã hơn 10 triệu đồng, ngoài ra một khoản tiền không nhỏ từ việc khách du lịch nước ngoài tới tham quan và tặng lại khi thấy câu chuyện đẹp của bà. Tất cả được gom góp lại giúp người nghèo.
Không chỉ mở vườn rau 0 đồng, khi thấy ngôi nhà của mình có nhiều khách du lịch tới thăm, bà Hoa còn tự bỏ tiền túi gần 60 triệu đồng ra dựng một chòi lá dừa kế bên vườn rau để khách ngồi trải nghiệm, kết hợp phục vụ cà phê. Điều khá thú vị là bà Hoa không dùng quán này để kinh doanh kiếm lời mà giao lại cho một phụ nữ khác trong xã Cẩm Thanh có hoàn cảnh khó khăn. Đó là bà Võ Thị Sang.
Bà Sang cho biết đang phải thay con nuôi hai cháu nội và một cháu ngoại trong tuổi đi học. Nhiều năm qua bà phải chạy vạy đủ nghề để kiếm sống. Khi bà Hoa tới nhà và nói rằng sẽ cho mượn chòi lá ở trong khuôn viên nhà, bà đã rất lo lắng vì sợ không đủ tiền để trả hằng tháng.
"Tôi rất bất ngờ và mủi lòng khi bà Hoa nói cứ tới buôn bán, đồ đạc bàn ghế, tivi, tủ lạnh và đồ đạc trong quán bả cũng tự sắm cho tôi có chỗ phục vụ khách. Bán được bao nhiêu tiền thì cứ dành về lo cho gia đình" - bà Sang nói.
Tiệm cà phê, nước ngọt là một túp lều khung gỗ, mái lợp lá nằm bên vườn rau ở thôn 4 Thanh Đông nhiều năm qua là điểm check-in, dừng chân ngắm cảnh cho du khách. Không chỉ cho mượn miễn phí, bà Hoa còn cùng bà Sang mua hàng hóa về bán chung, nhưng khoản tiền lời được bao nhiêu bà Hoa không lấy mà nhường lại cho người bạn của mình.
Nhường nhà cho người dưng
Bà Hoa năm nay gần 60 tuổi, bà cùng chồng là cán bộ về hưu, khoản tiền hằng tháng không nhiều nhưng bà Hoa cho biết cuộc sống không thiếu thốn vì "nhu cầu hằng ngày không nhiều".
"Nhà tôi đất đai cha mẹ để lại rộng rãi, con cái giờ hai đứa cũng đã đi làm ở TP.HCM nên chi tiêu khá thoải mái. Tôi cũng không tiêu pha gì nên loanh quanh ở nhà, mình có gì thì giúp người khó khăn hơn, toàn bà con xóm giềng cả chứ không đâu xa" - bà nói.
Thanh Đông là làng du lịch cộng đồng nổi tiếng nhất nhì Hội An, nơi tập trung nhiều homestay và villa dành cho khách nước ngoài. Kế bên vườn rau 0 đồng, bà Hoa cũng giữ lại căn nhà cấp 4 mà gia đình đã sống cùng nhau từ những ngày gian khó. Ngôi nhà dù cũ nhưng còn sử dụng tốt, khách du lịch rất thích thuê để trải nghiệm với mức giá khoảng 4-6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, vợ chồng bà Hoa đã không đem cho khách thuê mà nhiều năm qua đón người khó khăn đến ở. Nhiều năm trước, khi cây cầu Cửa Đại chưa được bắc lên nối đôi bờ sông Thu Bồn thì các em học sinh học tại một trường cấp III nằm bên Hội An, nhưng nhà ở bên kia sông là huyện Duy Xuyên, phải qua sông đi học mỗi ngày trong bất trắc.
Thương học sinh, bà Hoa đã mở cửa, dọn nhà sạch sẽ đón gần chục học sinh cấp III vào ở lại mà không thu tiền thuê nhà, tiền điện nước bà cũng tặng luôn.
Cách đây chưa lâu, do dịch bệnh khó khăn nên một thầy giáo có nhà ở xa khi đi dạy ở Hội An đã đến tìm bà Hoa để thuê nhà. Nghe chuyện, bà đã nhường toàn bộ gian nhà cũ này cho thầy giáo ở. Câu chuyện khiến nhiều người ở gần đó khá ngạc nhiên.
Những ngày này, ngôi nhà cũ của gia đình bà Hoa lại đón một gia đình trẻ gồm hai vợ chồng và bốn đứa con đến ở. Đó là chị Nguyễn Thị Uy Na, chồng là Nguyễn Thành Trung. Chị Na nói cả gia đình chị trước dịch bệnh kinh doanh nhà hàng cho khách du lịch. COVID-19 ập đến khiến cả nhà mất hết toàn bộ tài sản, sinh kế, vợ chồng phải dắt bốn đứa con đi tìm nơi thuê trọ, tìm sinh kế qua ngày.
"Tôi được mấy người mách nước tới nhà bà Hoa để thuê trọ. Lúc tới nhà, trong đầu mình cũng nghĩ ngôi nhà rộng rãi, nằm ở vùng thôn quê thanh bình mà toàn khách du lịch ở như vậy thì giá cũng không dưới 5 triệu đồng, nhưng khi hỏi giá thì rất bất ngờ vì bà Hoa chỉ thu 1,5 triệu đồng.
Bà bảo rằng thấy vợ chồng tôi khó khăn nên bà chỉ lấy tiền điện nước là chính. Gian nhà này tôi không chỉ ở mà còn mở được nhà hàng, đón khách vào trải nghiệm, tham quan vườn rau rồi ăn uống, dùng cà phê" - chị Na kể.
Cho thuê nhà gần như miễn phí đã là chuyện lạ, bà Hoa còn bỏ tiền ra thuê thợ về làm thêm nhà vệ sinh để gia đình cùng khách trong nhà chị Na có nơi ra vào sạch sẽ, rộng rãi. Quán nước nơi bà Sang kinh doanh thì bà Hoa cũng không thu bất cứ khoản phí nào, kể cả tiền điện nước hằng ngày.
TTO - Nhận nuôi đứa con trai khờ khạo bị bỏ rơi từ lúc 2 tháng tuổi, suốt 25 năm ròng bà Trần Thị Bạch Tuyết (55 tuổi, quận 7, TP.HCM) với chiếc xe xôi rong ruổi mưu sinh khắp các nẻo đường.