ĐÓN DÒNG VỐN ĐỔ VÀO CHỨNG KHOÁN
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những sự thay đổi tích cực cả về chất và lượng. Năm 2021, ngoài việc thanh khoản thị trường đạt ngưỡng bình quân xấp xỉ 1 tỷ USD một phiên, TTCKVN còn chứng kiến sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư (NĐT) mới với 700 ngàn tài khoản mở mới tính từ đầu năm tới nay.
Năm 2021, CTCP BĐS Khải Hoàn Land đã IPO thành công trên sàn chứng khoán HoSE. Thạc sỹ Nguyễn Thế Trung - Thành viên HĐQT Khải Hoàn Land kiêm CEO công ty Đào tạo và tư vấn IzzyMe, chuyên gia cao cấp công ty CP tư vấn và giáo dục John&Partners cùng Tiến Sỹ Ngô Công Trường - Sáng lập và giám đốc chuyên môn CP tư vấn và giáo dục John&Partners chính là những người tham rất tích cực vào thương vụ này.
Đây là bài chia sẻ kinh nghiệm của hai chuyên gia nói trên, về những bước chuẩn bị để có hành trình IPO thành công.
Tương quan trong khu vực, vốn hóa của TTCKVN đạt 350 tỷ USD, Thái Lan 500 tỷ USD, Singapore 730 tỷ USD, Malaysia 400 tỷ USD, Indonesia 520 tỷ USD. Tính về thanh khoản thị trường, hiện Việt Nam chỉ xếp thứ hai sau Thái Lan (giá trị giao dịch bình quân khoản gần 3 tỷ USD). Kỳ vọng đến 2025, GPD của Việt Nam ước tính đạt 517 tỷ USD, TTCK Việt Nam ước tính ở mức 670 tỷ USD và thanh khoản thị trường ở mức 6 tỷ USD một ngày.
Các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đang đứng trước một cơ hội rất lớn để huy động vốn với cả dòng vốn ngoại và vốn nội. Đặc biệt, việc trở thành công ty niêm yết sớm sẽ là cột mốc quan trọng vì hai lý do: để được xét vào các rổ chỉ số và đón dòng tiền từ các quỹ đầu tư chỉ số (quỹ ETF) đổ vào Việt Nam, DNVN cần có thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng; thông lệ thị trường thường cần khoảng 12 tháng làm quen với cổ phiếu trước khi doanh nghiệp huy động các vòng mới.
Đối với quỹ chỉ số, với riêng nguồn vốn từ Đài Loan, từ đầu năm đến nay, quỹ ETF của Đài Loan (Fubon FTSE Vietnam) đã giải ngân khoảng 500 triệu USD vào TTCKVN. Sự cạnh tranh sẽ xảy ra, đặc biệt là với các doanh nghiệp cùng ngành nghề - lĩnh vực, nhằm thu hút dòng vốn giá rẻ chảy vào mình thay vì chảy vào đối thủ cạnh tranh. Lợi thế về dòng vốn sẽ dẫn đến những lợi thế về mở rộng đầu tư - sản xuất kinh doanh, thu hút nhân tài và chiếm thị phần.
Để tạo được ưu thế cạnh tranh trong việc huy động vốn, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chỉn chu trong bối cảnh Luật chứng khoán thắt chặt hơn cũng như khẩu vị NĐT thay đổi nhanh chóng với sự tham gia của nhóm NĐT mới.
CHỦ DOANH NGHIỆP PHẢI CHUẨN BỊ NHIỀU KIẾN THỨC VÀ TÂM LÝ
Việc một doanh nghiệp chuyển đổi từ tư nhân sang đại chúng sẽ kéo theo rất nhiều sự thay đổi. Trong đó, sự thay đổi đầu tiên cần tập trung chuẩn bị đó chính là người chủ doanh nghiệp. Chứng khoán, giao dịch, gọi vốn… là lĩnh vực mà kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất không áp dụng được.
Nói một cách nôm na, lĩnh vực này giống như một dây chuyền sản xuất đặc biệt, mà để vận hành nó đòi hỏi những người thợ chuyên biệt. Lúc này, chủ doanh nghiệp cần được cung cấp kiến thức và sự tư vấn để hiểu những nguyên tắc hoạt động của dây chuyền đặc biệt này, từ đó theo dõi, chỉ đạo các người thợ; và nếu cần thiết, có thể thay thế những người thợ khác vào.
Theo kinh nghiệm tư vấn và triển khai dự án của chúng tôi, trong thực tế, khi doanh nghiệp chuyển đổi sẽ dẫn tới nhiều sự thay đổi "khó chịu" cho ông chủ doanh nghiệp, như: phải báo cáo cổ đông, chịu sự chất vấn của cổ đông, sự săm soi của công chúng và báo chí… Người chủ doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý và các kỹ năng cần thiết để tránh những cú sốc tâm lý.
Hiện tại, cổ phiếu của Khải Hoàn Land đang tạm chuyển đến sàn HNX cho đến khi HoSE giải quyết được tình trạng nghẽn lệnh.
Từ vị trí cao nhất và toàn quyền quyết định, các chủ doanh nghiệp sẽ thấy khó chịu khi những cổ đông bên ngoài - dù mới tham gia đầu tư nhưng lại hay chất vấn, đòi hỏi sự minh bạch cũng như đòi can thiệp vào chiến lược doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp tâm huyết xây dựng bấy lâu. Đây là điểm gây ức chế thường thấy và cần được giải quyết cho chủ doanh nghiệp, khi doanh nghiệp chuyển mình thành công ty đại chúng; tuy nhiên, thực tế là vấn đề này rất ít được các đơn vị tư vấn đưa vào thành một hạng mục trong dự án tư vấn.
Một số trường hợp trong thực tế hay xảy ra nữa: trong quá trình đàm phán khi gọi vốn, trước các yêu cầu của NĐT, chủ doanh nghiệp thường không chấp nhận vì cho rằng họ đánh giá quá thấp "đứa con" của mình và cảm giác không được NĐT tin tưởng khi NĐT đòi tham gia ý kiến vào hoạt động doanh nghiệp. Tâm lý "doanh nghiệp tôi tốt mà" hoặc "các anh biết gì mà ý kiến" là khó tránh khỏi, nên nếu người chủ doanh nghiệp không được định hướng kỹ thì dễ dẫn tới việc gọi vốn không thành công.
Ngoài yếu tố tâm lý, để hiểu và xây dựng chiến lược IPO thành công, đem lại nguồn vốn cho doanh nghiệp, bản thân người chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị thêm:
- Kiến thức về thị trường chứng khoán và cổ phiếu: hiểu rõ các khái niệm về thanh khoản, định giá, margin....
- Kiến thức về các kênh huy động vốn thông qua thị trường: cổ phiếu, trái phiếu, vay cầm cố cổ phiếu ngắn hạn; các phương án phát hành....
- Kiến thức về quan hệ cổ đông và quan hệ công chúng.
Việc trang bị kiến thức là rất cần thiết để tránh việc đưa ra các quyết định cảm tính và thiếu tính toán. TTCKVN đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp tự gây khó khăn cho mình khi không có định hướng rõ ràng về nguồn vốn sau khi lên sàn, dẫn tới việc gây thiệt hại cho chính chủ doanh nghiệp. Do đó, chủ doanh nghiệp nên có một chuyên gia đồng hành và tư vấn.
Thực tế tại Việt Nam, sau giai đoạn 2018 với các đợt IPO của BSR, OIL, PVP, thị trường không quan tâm đến IPO cho đến gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu có sự quan tâm trở lại. Khác với giai đoạn nóng "bán gì mua nấy" của 2017, thị trường nay khắt khe hơn và kỹ càng hơn trong việc đầu tư IPO. Do đó, doanh nghiệp khi IPO cần sự chuẩn bị nghiêm túc mới thu hút được dòng vốn. Và sự chuẩn bị sẽ phải bắt đầu từ chính lãnh đạo doanh nghiệp.
ĐƠN VỊ TƯ VẤN ĐỒNG HÀNH
Để tiến hành thủ tục IPO, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ lên UBCK theo danh mục được quy định. Nhưng để có được một đợt IPO thành công và thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng , rất nhiều việc cần phải triển khai và sự tham gia tư vấn của các tổ chức tư vấn là không thể thiếu:
- Tái cấu trúc và chuẩn hóa BCTC trước khi IPO: trước khi IPO, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các việc tái cấu trúc cả về cơ cấu quản trị lẫn tài sản mà không cần xin phép ĐHĐCĐ. Ngoài ra, BCTC cũng sẽ cần được chuẩn chỉnh để NĐT có thể nắm bắt được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tư vấn các thủ tục và lộ trình IPO, niêm yết: việc chọn thời gian IPO và niêm yết chính xác rất quan trọng. Do đó, đơn vị tư vấn sẽ biết những điểm hay vướng mắc trong quá trình làm thủ tục để giúp doanh nghiệp chuẩn bị.
- Tư vấn về quản trị và văn hóa doanh nghiệp: hai yếu tố này được các NĐT nước ngoài quan tâm. Doanh nghiệp cần phải chứng minh được mình có hệ thống quản trị tốt và văn hóa mạnh sẽ được đánh giá ở mức định giá nhỉnh hơn.
- Xây dựng chiến lược và câu chuyện doanh nghiệp: các định hướng và chiến lược cần được lượng hóa, xây dựng mô hình và có các case study so sánh. Câu chuyện đầu tư của doanh nghiệp cần được xây dựng khéo léo, vừa có bản sắc riêng vừa phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động.
- Định giá, IPO, kỹ thuật niêm yết cũng là những mảng chuyên môn mà doanh nghiệp cần hỗ trợ để đưa ra quyết định sát sao với thị trường nhất.
Luật chứng khoán Việt Nam và quy định pháp luật cũng đang ngày một chặt chẽ hơn. Để giảm thiểu rủi ro sai sót dẫn tới chậm trễ, bỏ lỡ thời cơ hoặc thậm chí bị phạt, các doanh nghiệp cần tìm một đối tác tư vấn uy tín và nhiều kinh nghiệm. Tùy vào tình hình từng doanh nghiệp, quá trình tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp IPO có thể từ 6 tháng đến vài năm.
Những điểm thực tế mà vai trò nhà tư vấn sẽ quyết định khả năng thành công của một thương vụ:
- Đơn vị tư vấn xác định định giá phù hợp và thuyết phục doanh nghiệp đồng ý mức giá đó. Trong thực tế, thường xuyên xảy ra việc doanh nghiệp tự định giá quá cao nên không chào bán thành công. Vai trò của đơn vị tư vấn chính là giúp cho doanh nghiệp nhìn về một bức tranh lớn với một chiến lược dài hơi cụ thể, chứ không phải tập trung vào phải bán được giá cao.
- Định vị đối tượng NĐT phù hợp: tùy từng lĩnh vực sẽ có NĐT khác nhau quan tâm. Một đơn vị tư vấn kinh nghiệm sẽ biết được nhóm NĐT cá nhân, tổ chức hay NĐT nước ngoài nào quan tâm đến lĩnh vực này và tập trung xây dựng chiến lược tiếp cận - chào bán phù hợp, thay vì đi giới thiệu lan man không mục đích cụ thể.
- Xác định các cam kết phù hợp: khi tiến hành gọi vốn, NĐT sẽ yêu cầu doanh nghiệp đưa ra các cam kết nhất định để bảo đảm quyền lợi của NĐT (cam kết tỷ lệ sinh lợi, cam kết mua lại, quyền tham gia Hội đồng quản trị…). Vai trò của đơn vị tư vấn sẽ giúp NĐT cân nhắc và lựa chọn các cam kết phù hợp để bảo đảm vừa có nguồn vốn hoạt động vừa không gây rủi ro về sau.
VỀ ĐỘI NGŨ NHÂN SỰ
Doanh nghiệp cũng cần lộ trình tuyển dụng và phát triển nhân sự khi quyết định chuyển mình, bởi hai lý do sau:
- Nhân viên hiện hữu sẽ phải đảm nhận nhiều việc hơn một khi bắt đầu chuẩn bị IPO.
- Phát sinh các vị trí mới: quan hệ cổ đông, ban kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị độc lập… Trong đó, vị trí quan hệ cổ đông là người đại diện hình ảnh doanh nghiệp, trực tiếp làm việc với các NĐT để gọi vốn, nên doanh nghiệp cần phải nghiêm túc đầu tư và đào tạo.
Khi đã trở thành doanh nghiệp niêm yết, áp lực sẽ tăng lên cho tất cả các nhân sự của doanh nghiệp. Việc bị "soi" kỹ hơn là điều hiển nhiên. Vì vậy, doanh nghiệp phải có lộ trình xây dựng và đào tạo nhân sự của mình để đáp ứng sự phát triển tương ứng của doanh nghiệp.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, doanh nghiệp nên có kế hoạch chuẩn bị về mặt nhân sự trước khi IPO khoảng một năm, nhằm bảo đảm thu hút được nhân sự phù hợp cũng như đủ thời gian đào tạo. Việc trở thành doanh nghiệp niêm yết sẽ là một lợi thế cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự. Doanh nghiệp có thể áp dụng chính sách ESOP để thu hút và giữ chân nhân viên.
TTCKVN phát triển và đem lại cơ hội huy động cho các DNVN. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong việc huy động vốn đã, đang và sẽ xảy ra ngày càng khốc liệt. Một doanh nghiệp có chiến lược và thực thi tốt, nhưng không huy động được vốn sẽ bị mất lợi thế và thị phần vào doanh nghiệp đối thủ huy động vốn tốt, ngay cả khi đối thử chưa kinh doanh tốt bằng.
Ngoài việc cạnh tranh về sản phẩm, marketing, thị trường… cạnh tranh trong thu hút vốn cũng là năng lực mà DNVN cần phải xây dựng để có được lợi thế từ dòng vốn đang tăng trưởng mạnh từ TTCKVN. Để huy động vốn thành công và cổ phiếu doanh nghiệp hút nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp cần có kế hoạch đầu tư - chuẩn bị từ chính bản thân mình. Đồng thời có phương án tìm kiếm các nhà tư vấn chuyên nghiệp và phù hợp.
Một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự tư vấn chính xác là tiền đề cho việc IPO và niêm yết thành công.
Nguyễn Thế Trung – Ngô Công Trường
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị