Đầu phiên giao dịch chiều ngày 1-8, giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 66,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, 67,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên giao dịch cuối tuần.
Tương tự, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng miếng SJC công bố ở mức 66,9 – 67,8 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó.
Trong khi đó, tại hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng Mi Hồng giá vàng miếng SJC chỉ tăng 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm 31-7, giá mua và bán vàng miếng tại đây chỉ có 67,05 – 67,6 triệu đồng/lượng.
Đối với các loại vàng nữ trang, giá vàng không thay đổi nhiều so với hôm qua, giá giao dịch phổ biến ở mức 52,2 – 52,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch quanh mức 1.766 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 50 triệu đồng/lượng, đi ngang với phiên 31-7.
Trong ba phiên gần đây, giá vàng thế giới tăng khoảng 52,79 USD/ounce, tương đương tăng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng miếng SJC tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Điều này đã đẩy chênh lệch giá vàng miếng SJC và thế giới lên gần 18 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia ngành vàng đều cho rằng chênh lệch giữa thị trường trong nước và thế giới ngày càng nới rộng chủ yếu do bất cập của Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thế nhưng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thực hiện Nghị định 24, NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội.