Theo chia sẻ của chị Ánh, gia đình tôi hiếm muộn, vừa xin nhận bé gái hai tháng tuổi làm con nuôi. Do hoàn cảnh và bị bạn trai "không nhận quyền làm cha", mẹ bé là sinh viên không nuôi được nên qua người quen ngỏ ý muốn cho con.
Bạn gái đó đã giao giấy chứng sinh cho vợ chồng chị, và vợ chồng chị Ánh tặng 2 triệu đồng để bồi bổ sức khỏe, dù bạn không đề xuất.
Biết chuyện, nghĩ là bạn gái được "món hời" nên cha đứa bé đến đòi chị Ánh và mẹ cháu bé phải trả cậu ta 50 triệu đồng, dọa sẽ tố cáo hành vi buôn bán trẻ em.
Hai bạn trẻ này chỉ sống như vợ chồng chứ nhưng không kết hôn. Chị Ánh thắc mắc, vợ chồng chị có cần sự đồng ý của cậu bạn trai kia khi nhận nuôi bé không?
Trong cuộc thăm dò VnExpress thực hiện trong ngày 4/8, trong hơn 1.600 độc giả tham gia, 296 người (tương ứng18%) cho rằng vợ chồng chị Ánh cần sự đồng ý của người cha khi nhận bé làm con nuôi.
Giải đáp vấn đề trên, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội), cho biết điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi. Nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.
Như vậy, luật sư Bình cho biết, nếu ở thời điểm đăng ký nhận con nuôi mà không xác định được cha đứa trẻ thì chỉ cần sự đồng ý của mẹ đứa trẻ. Nếu sau khi vợ chồng chị Ánh hoàn thành thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi, cha đứa trẻ mới xuất hiện, đòi tiền, đe dọa tố cáo vợ chồng bạn về tội mua bán người thì
hành vi này có có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Do đó, vợ chồng chị Ánh có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an để có biện pháp xử lý.
Về việc cha đứa trẻ muốn tố cáo vợ chồng chị Ánh, luật sư nêu, khoản 2 Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, tổ chức, cá nhân có quyền nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nếu như bố bé cho rằng hành vi của vợ chồng chị Ánh và mẹ bé có dấu hiệu của tội phạm thì bố của bé có quyền làm đơn tố giác về hành vi đó.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự, khi nhận được đơn tố giác thì cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc điều tra, xác minh về các nội dung trong đơn tố giác xem có dấu hiệu tội phạm không. Nếu trường hợp không có dấu hiệu của tội phạm thì ra quyết không khởi tố vụ án hình sự.
Luật sư Bình nêu quan điểm, hành vi nhận nuôi con nuôi (do hiếm muộn) và tặng mẹ bé hai triệu đồng của vợ chồng chị Ánh không phải là dấu hiệu của tội Mua bán người dưới 16 tuổi, theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự. Vì theo quy định, hành vi khách quan của tội mua bán người dưới 16 tuổi là: hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền hoặc tài sản lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.Song mục đích của vợ chồng chị Ánh và mẹ của bé là để bé có cuộc sống tốt hơn vì mẹ bé không có điều kiện để chăm sóc.
Tuy nhiên, luật sư Bình khuyên chị Ánh cần ra UBND phường làm thủ tục khai sinh và nhận nuôi con nuôi cho bé theo đúng quy định của pháp luật.
Tóm lại, nếu việc nhận nuôi bé thuần túy vì mục đích nhân đạo, không vì mục đích vật chất, tiền bạc hoặc bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì không có căn cứ để xử lý hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi đối với vợ chồng chị Ánh và mẹ đẻ em bé.
Trong quá trình giải quyết đơn tố giác, nếu cơ quan điều tra triệu tập, chị nên tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để giải quyết sự việc..
Hải Thư
Xem thêm: lmth.1261054-neihp-mal-eb-aud-ahc-ib-gnuhn-ioun-noc-nahn-ihk-oan-eht-ux-gnu/ten.sserpxenv