Việc phát hiện và xử lý các sai phạm nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán, hướng đến mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững. Song qua mỗi vụ việc, cũng có những bài học cần rút ra với các bên liên quan.
Lòng tham cuốn theo sóng thao túng giá cổ phiếu
Ở vụ án thao túng giá cổ phiếu FLC, hồ sơ vụ án cho biết, từ ngày 1/9/2016 - 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo người thân liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng để thành lập 20 công ty. Các bị can còn mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân để mở 450 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán; trong đó, có 120 tài khoản mở tại Công ty Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác.
Sau nhiều vòng mua bán, giá cổ phiếu FLC được đẩy lên cao. Tiếp đó, ông Quyết chỉ đạo các bị can và một số người khác đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu, tương đương 1.689 tỷ đồng, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch.
Theo Bộ Công an, việc làm của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thu lợi bất chính ban đầu 975 tỷ đồng. Bộ Công an đã tiếp nhận hơn 550 đơn tố cáo hành vi thao túng thị trường của Trịnh Văn Quyết.
Tương tự, từ năm 2014, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Faros (mã chứng khoán ROS). Khi 430 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, nhóm ông Quyết đã bán ra, thu về 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Ở các vụ thao túng giá cổ phiếu nhóm Louis, APEC, thủ đoạn thường thấy là các đối tượng mở nhiều tài khoản, mua bán chứng khoán chéo để đẩy thanh khoản và giá cổ phiếu lên cao. Sau đó, khi nhà đầu tư trên thị trường bị cuốn vào, họ sẽ âm thầm bán ra kiếm lời.
Các đại án khiến thị trường rúng động nhưng cũng là “liều thuốc” để thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn, bền vững hơn.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS
Dù được cảnh báo rất nhiều lần về sự tăng giá bất thường ở những nhóm cổ phiếu bị thao túng, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào mua bán cổ phiếu với cảm giác “thắng lớn”. Lý giải điều này, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, dẫn đến giao dịch trên thị trường chứng khoán về cơ bản không ổn định, chủ yếu đi theo tâm lý đám đông.
Nhìn nhận về câu chuyện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn của JICA, Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa cho rằng, việc phá án thao túng giá cổ phiếu là hành động đáng hoan nghênh. Việt Nam cần hạn chế tình trạng doanh nghiệp nâng vốn ảo, doanh nghiệp kém chất lượng lên sàn, từ đó nâng cao hiệu suất của chỉ số thị trường, bên cạnh đó là cải thiện tính tuân thủ của các doanh nghiệp niêm yết, đơn vị trung gian như các công ty chứng khoán. Sự yếu kém của những đơn vị này góp phần gây ra các hành vi thao túng giá trên thị trường.
Vai trò của các tổ chức trung gian trên thị trường, bao gồm các công ty chứng khoán, nhằm đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và minh bạch đã được thảo luận rất kỹ tại các hội thảo, hội nghị gần đây do UBCK tổ chức. Ông Kojima Kazunobu khuyến nghị, Việt Nam cần phải nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các công ty chứng khoán. Thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác Việt Nam nên cân nhắc áp dụng bao gồm: phát huy vai trò của các tổ chức tự quản để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán.
Tại Hội nghị Thành viên năm 2023 do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) tổ chức mới đây, Chủ tịch UBCK Vũ Thị Chân Phương cũng đề nghị các công ty chứng khoán tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Bà Phương cũng lưu ý các công ty chứng khoán cần nâng cao vai trò, thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định pháp luật trong vấn đề cung cấp các dịch vụ, sản phẩm trên thị trường; cung cấp các dịch vụ đầu tư trên cơ sở ủy thác của khách, cũng như vấn đề tách bạch tài khoản nhà đầu tư với tài khoản tổng.
Luật Chứng khoán 2019 đã quy định rõ về các tuyến giám sát trên thị trường chứng khoán, trong đó có vai trò rất quan trọng của công ty chứng khoán - giám sát tuyến đầu.
Nói về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường cũng khẳng định, sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt. Tính riêng năm 2022, UBCK đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra đối với các mã chứng khoán có dấu hiệu giao dịch bất thường; thực hiện phân tích giao dịch đối với các mã chứng khoán, tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan các tài khoản giao dịch bất thường để tiếp tục xử lý; đồng thời, tổ chức triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, bao gồm thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất.
Lời cảnh tỉnh từ thị trường trái phiếu
Khi cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan, thị trường trái phiếu đã rúng động. UBCK đã công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 - 3/2022, với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Ngày 5/4/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông báo đang thực hiện rà soát lại hồ sơ các đợt phát hành trái phiếu, trường hợp phải hủy bỏ sẽ hoàn trả tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, vụ án chưa được đưa ra xét xử và các nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ lấy lại tiền.
Vụ việc tiếp theo đã chính thức khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đổ sập. Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đồng phạm. Kết quả điều tra xác định các bị can có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018 - 2019.
Sự liên thông giữa thị trường trái phiếu và cổ phiếu, cộng với tác động cộng hưởng từ thị trường nước ngoài đã gây ra những cú sụt giảm kinh hoàng trên thị trường chứng khoán hồi tháng 11/2022, đỉnh điểm là ngày 16/11/2022 khi VN-Index giảm còn 870 điểm, mất gần 40% so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 4 cùng năm.
Quả bom trái phiếu Vạn Thịnh Phát phát nổ đã phơi bày những vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kích hoạt hàng loạt khó khăn trên thị trường vốn. Cho đến nay, tỷ lệ nợ xấu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (loại trừ nhóm ngân hàng) đã lên tới hơn 20%, theo thống kê của FinnRating. Nhiều doanh nghiệp “vung tay quá trán”, đầu tư tràn lan bằng các đồng tiền huy động quá dễ dàng, nay lâm vào nợ nần chồng chất, chưa biết khi nào thoát ra.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, các đại án khiến thị trường rúng động nhưng cũng là “liều thuốc” để thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn, bền vững hơn. Qua các vụ việc, nhà đầu tư có thể đánh giá được chất lượng tổ chức phát hành, chất lượng tổ chức tư vấn, đầu tư có trách nhiệm hơn.
Luật sư Trương Thanh Đức khi nói về các đại án cũng cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm phải xử lý rất nặng. Điều hướng tới là xây dựng được một thị trường minh bạch, ở đấy, cái gì tốt, cái gì xấu đều được phơi ra, để nhà đầu tư có được thông tin và dựa trên cơ sở đó, họ có thể ra được quyết định đầu tư đúng đắn.