Đến dự có ông Phan Văn Mãi- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Lê Minh Dũng- Bí thư Huyện ủy Cần Giờ. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng và Phó Viện trưởng HIDS Trương Minh Huy Vũ chỉ trì hội thảo.
Cần Giờ - một gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định cam kết của lãnh đạo TP về quyết tâm xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển bền vững; cam kết đồng hành với những nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu này.
Cần Giờ có một vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TPHCM, đối với cả vùng hay nói rộng hơn là ở tầm quốc gia. Đây là cửa ngõ phía Đông, rất quan trọng của TP, nối ra biển, ra thế giới; là mặt tiền biển của TPHCM. “Cần Giờ là một gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển và trong xu hướng phát triển sắp tới hành lang này sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, thậm chí là sẽ quyết định những thời điểm đối với địa phương về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Nếu đầu tư phù hợp, Cần Giờ sẽ kết nối nối với Vũng Tàu, kết nối với các điểm trung tâm khác trong hành lang ven biển này” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo ông Phan Văn Mãi, Cần Giờ có những giá trị tự nhiên, văn hóa rất độc đáo, rất đặc biệt và phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy; làm sao chọn cho đúng định hướng, đúng những bước đi, hành động để vừa phát huy đúng vị trí, vai trò, vừa giữ gìn được những giá trị tự nhiên, văn hóa. Chính các giá trị này, sẽ làm nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển nhanh, phát triển xanh và bền vững.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, TP đang rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược. Do vậy, TP sẽ phát huy trí tuệ, dân chủ trong nghiên cứu khoa học và góp ý thẳng thắn với mục tiêu giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa tự nhiên, phát triển Cần Giờ xanh, đảm bảo được định hướng phát triển bền vững cho Cần Giờ và cả TP.
Biến Cần Giờ thành một ốc đảo đô thị “Xanh” lý tưởng
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Viện trưởng HIDS Trương Minh Huy Vũ cho biết, Cần Giờ có thể tận dụng những lợi thế lớn khi xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là địa phương có biển duy nhất của TP, tài nguyên tự nhiên và các điểm du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa phong phú, không khí trong lành và thời tiết lý tưởng.
Từ đó, các tham luận đề xuất tập trung các trụ cột để tạo nên sự khác biệt, với tầm nhìn đến năm 2050, Cần Giờ có hệ sinh thái tổng thể dựa trên nền kinh tế biển bền vững, hiện đại và nâng cao đời sống người dân. Đó là, hình thành trung tâm kinh tế biển hiện đại và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á; phát triển Cần Giờ là điểm đến du lịch ven biển độc đáo và sôi động Cần Giờ là điểm đến du lịch ven biển độc đáo, sôi động và tập trung nguồn lực để tạo ra các điểm tham quan bền vững mang bản sắc của địa phương và thu hút, liên kết các điểm tham quan các địa phương lân cận; phát huy lợi thế về vị trí, không khí trong lành, thiên nhiên trù phú để biến Cần Giờ thành một ốc đảo đô thị “Xanh” lý tưởng; xây dựng Cần Giờ thành đô thị kiểu mẫu trong tương lai.
Mô hình kinh tế tuần hoàn tại huyện Cần Giờ về các lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; du lịch xanh và bền vững; năng lượng tái tạo; nông nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe; khoa học cộng đồng; đô thị thông minh; gắn kết cộng đồng; giám sát cộng đồng.
Nghiên cứu cũng giới thiệu mô hình thí điểm kết hợp du lịch sinh thái với sản phẩm OCOP nhằm tăng trải nghiệm của du khách, và hướng đến nhân rộng mô hình trong tương lai. Từ đó, quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP được trình bày; cùng tập hợp giải pháp khả thi triển khai thực hiện giai đoạn sắp tới, gắn từng nhiệm vụ cần triển khai với từng sở ngành chức năng; song song đó đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2023 - 2030.
Ngoài ra, các ý kiến lưu ý cần nghiên cứu khái niệm và triết lý thế nào là một đô thị sinh thái, là một thành phố trong rừng, gồm cả yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu; Cần quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ; Xây dựng hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư; Cần xác định chức năng cụ thể của loại hình đô thị khoa học và một công viên rừng cao cấp.
Chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn
Tại hội thảo, các đại biểu đã hiến kế để xây dựng Cần Giờ thành một đô thị có cấu trúc tốt, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, diện mạo đô thị có nhiều nét khởi sắc, bảo tồn khai thác được các giá trị cảnh quan và di tích đặc thù, mở ra các hướng phát triển tiềm năng về rừng và biển.
TPHCM cần đầu tư cho lưới điện, trạm và hạ tầng truyền tải điện; Phát triển nhiều hồ chứa nước ngọt, nước mưa để dự phòng cung cấp nước cho TP, tiết kiệm nguồn nước mưa cho PCCC, và nông nghiệp CNC; Trồng thêm rừng, cây ăn trái phủ kín những khu đất trống, bảo tồn động vật chim thú, trồng thêm rừng ngập mặn để lấn biển, giảm tác hại do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động của đô thị hoá, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải phát điện.
TP điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới hướng đến cải tiến công cụ quản lý theo chỉ tiêu và bản vẽ; rút kinh nghiệm từ những bất cập ràng buộc, tính khô cứng trong cách quản lý theo nguyên tắc chỉ tiêu, nội dung quản lý sẽ chuyển dần sang gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững.
Về tổ chức bộ máy, hệ thống quản trị cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, đẩy mạnh trao quyền, thúc đẩy sự tham gia và xây dựng mô hình quản lý phát triển và đồng kiến tạo dựa trên nguyên tắc phối hợp chia sẻ, với những công nghệ ứng dụng và tích hợp cơ sở dữ liệu quản lý, nhằm phân tích kỹ và chuẩn bị tổ chức quản lý sử dụng, vận động, phát huy hiệu quả nhất mọi nguồn lực cho phát triển.
Một số ý kiến cho rằng, Cần Giờ cần chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn; phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại; khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông phá vỡ thế ốc đảo của Cần Giờ.
Ngoài ra, nghiên cứu đã giới thiệu mô hình thí điểm kết hợp du lịch sinh thái với sản phẩm OCOP nhằm tăng trải nghiệm của du khách, và hướng đến nhân rộng mô hình trong tương lai.
Xem thêm: lmth.123151_hnax-oig-nac-oaht-ioh-mchpt/hnihc-nit/nv.moc.nagnoc