Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 21-8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại sau khoảng 10 ngày quay đầu giảm nhẹ.
Cụ thể, gạo 5% tấm Việt Nam chào bán ở mức 638 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với hôm 18-8.
Cùng tăng 10 USD/tấn nhưng gạo cùng loại của Thái Lan đang bán ở mức 628 USD/tấn. Còn Pakistan bán ra mức 588 USD/tấn, Myanmar đang bán cao nhất với mức 648 USD/tấn.
Đối với gạo 25% tấm của Việt Nam, hôm qua bán ra ở mức 623 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với ba ngày trước đó. Trong khi đó, gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan bán ra thấp hơn lần lượt là 60 và 100 USD/tấn.
Kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo hôm 20-7, giá gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam tăng một mạch từ 533 USD/tấn lên 638 USD/tấn hôm 10-8. Trong khoảng 10 ngày qua, giá gạo có xu hướng giảm 10-20 USD/tấn và tăng trở lại từ ngày 21-8.
Còn gạo 25% tấm của Việt Nam tăng liền mạch từ mức 513 USD tấn lên 623 USD tấn.
Như vậy, sau 1 tháng Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng 105 USD/tấn, còn gạo 25% tấm tăng 110 USD/tấn. Đây là mức giá xuất khẩu cao kỷ lục của Việt Nam trong khoảng 10 năm qua.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8-2023, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá đạt trên 266 triệu USD.
Điều này cho thấy giá xuất khẩu gạo bình quân trong giai đoạn này là trên 582 USD/tấn, tức tăng đáng kể so với con số 543 USD/tấn của tháng 7 và 534 USD/tấn của 7 tháng đầu năm nay.
Giá gạo trong nước tuần trước (từ ngày 10 đến 17-8) có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, lúa thường tại ruộng bán ra cao nhất 7.900 đồng/kg, giá bán bình quân 7.850 đồng/kg, tăng 64 đồng/kg so với tuần trước.
Lúa thường tại kho bán ra cao nhất ở mức 9.500 đồng/kg, bình quân 9.083 đồng/kg, giảm 333 đồng/kg so với tuần trước.
Trong bối cảnh thị trường lúa, gạo có biến động mạnh về cung cầu và giá, Tổng cục Dự trữ nhà nước vừa có yêu cầu các Cục Dự trữ nhà nước khu vực khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký, đảm bảo kế hoạch được giao.
Theo đó, Tổng cục Dự trữ nhà nước yêu cầu các Cục Dự trữ nhà nước khu vực và các đơn vị liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền.
Tổng cục Dự trữ nhà nước yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực dự trữ quốc gia để kịp thời tham mưu cho tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết nhằm đảm bảo mức tồn kho dự trữ quốc gia, đáp ứng trong mọi tình huống đột xuất cấp bách và không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh...
Các bên xuất khẩu gạo Việt Nam đàm phán tăng giá gạo xuất khẩu, cho thấy vấn đề giá gạo toàn cầu đang leo thang là hiện hữu.