Giảm thuế giá trị gia tăng cho 4 nhóm hoạt động kinh doanh văn hóa, giải trí
Vân Phong
(KTSG Online) - Bộ Tài chính bổ sung thêm 4 nhóm hoạt động kinh doanh được giảm thuế GTGT gồm: Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình. Ảnh minh hoạ: TTXVN. |
Chính phủ ban hành đã Nghị quyết số 89/NQ-CP về thông qua Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp miễn, giảm thuế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 vào ngày 13-8. Trước đó, có 7/12 Bộ và cơ quan đã đóng góp ý kiến cho dự thảo.
Với nội dung giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tư pháp đề nghị cần xem xét về đối tượng được giảm thuế GTGT để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng cùng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị mở rộng thêm đối tượng áp dụng đối với một số hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, báo chí, xuất bản. Tương tự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giảm, miễn thuế cho nhà báo và cơ quan báo chí.
Phản hồi, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu ý kiến này. Theo đó, việc giảm mức thuế GTGT với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề để đảm bảo mục tiêu hỗ trợ ‘trúng và đúng’ đối tượng, đồng thời cân đối với điều kiện thực tế của ngân sách.
Ngoài ra, Bộ Tài chính bổ sung thêm 4 nhóm hoạt động kinh doanh được giảm thuế GTGT gồm: Hoạt động xuất bản; Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác.
Với nội dung miễn tiền chậm nộp thuế, Bộ Tư pháp lo ngại miễn tiền chậm nộp sẽ tạo ra không công bằng và hiệu ứng không tốt cho việc chấp hành pháp luật về thuế. Còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đề nghị bỏ điều kiện phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020 nhằm tháo gỡ hơn nữa cho doanh nghiệp, tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Phản hồi, Bộ Tài chính cho rằng số nợ thuế năm 2021 có xu hướng tăng so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19, người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thua lỗ liên tục nên không có khả năng nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước làm tăng nợ thuế.
Theo quy định, người nộp thuế bị tính tiền chậm nộp với tỷ lệ 0,03% mỗi ngày. Số tiền này được tính trên tổng số tiền thuế nợ.
Việc này, theo Bộ Tài chính, sẽ tăng thêm khó khăn cho người nợ thuế trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã cố gắng nộp đủ số tiền nợ gốc của các khoản tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hiện chỉ còn nợ tiền chậm nộp.
Ngoài ra, Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định. Nhưng để được miễn tiền chậm nộp thì cần phải xác định được số thiệt hại vật chất của từng đối tượng.
“Trong bối cảnh ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay thì việc xác định thiệt hại vật chất là không khả thi”, Bộ Tài chính cho biết.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức - bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh - phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019 và 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, nhiều doanh nghiệp, tổ chức liên tục phát sinh lỗ và còn nợ tiền thuế và tiền chậm nộp. Cụ thể, số doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ 3 năm liên tiếp là gần 160.000, trong đó có 76.000 doanh nghiệp, tổ chức có nợ thuế, theo Bộ Tài chính.
Còn tổng số tiền thuế, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất còn nợ ở mức xấp xỉ 12.400 tỉ đồng tính đến cuối tháng 6-2021. Trong số, số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 là 2.700 tỉ đồng.
Trước đó, Tổng cục Thuế từng phản hồi về việc không có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Cơ quan này cho rằng đối tượng được thụ hưởng lợi ích của chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công trong 6 tháng cuối năm chủ yếu là nhóm có thu nhập cao. Điều này, theo cơ quan thuế, không đúng với mục tiêu hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện số thu thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân với tiền lương, tiền công.
Cũng theo cơ quan thuế, để hỗ trợ đúng đối tượng, các Bộ, ngành đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 ngày 2-6-2020 về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, mức giảm trừ cho bản thân tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng một tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng một tháng.
Tổng cục thuế cho biết, quy định mới đã làm giảm thu nhập tính thuế của 6 triệu người lao động, giảm thu ngân sách Nhà nước 10.800 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 1,2 triệu người lao động đang thuộc diện chịu thuế ở bậc 1 theo quy định mới thuộc diện không phải nộp thuế.