TP.HCM đặt mục tiêu đưa 5-10% doanh nghiệp hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn - Ảnh: CHÂU PHẠM
Theo kế hoạch số 2715 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo nghị quyết số 86 của Chính phủ vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành; UBND TP yêu cầu duy trì, ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy.
"Nâng tỉ lệ khoảng 5% đến 10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch", kế hoạch nêu, đồng thời tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân từ nay đến hết tháng 9, bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thực phẩm cho hơn 10 triệu dân với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
Để thực hiện mục tiêu đó, TP tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án sau:
Phương án 1 là tiếp tục thực hiện phương thức "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2 là tiếp tục thực hiện phương thức "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương thức "1 cung đường - 2 địa điểm" mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc).
Phương án 3 là tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh ("người lao động xanh" được đi lại bằng xe cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh" (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lấy nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp).
Phương án 4 là kết hợp các phương thức nêu tại các phương án nêu trên.
Theo UBND TP, các doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định mới sẽ đăng ký với các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức theo quy định để được cho phép hoạt động theo các phương án trên kể từ sau ngày 15-8.
Ngoài ra, TP cũng yêu cầu tiếp tục phát huy hiệu quả của chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP hiện có như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và các mô hình chợ an toàn và các kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa.
Đồng thời, bổ sung phương thức phân phối “đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp từ nhà máy, trang trại đến người tiêu dùng" thông qua tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng để đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp đến người dân và tại các khu phong tỏa theo chương trình “bán hàng đồng giá".
TTO - Sau một thời gian áp dụng, các hiệp hội thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, nhựa… đồng loạt có kiến nghị mô hình sản xuất mới thay cho việc áp dụng sản xuất '3 tại chỗ' vì phát sinh rất nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ thành ổ dịch.