Chi tiết việc sử dụng ngân sách cho phòng, chống dịch Covid-19 được Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 22/9.
Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm nay tổng nguồn lực trung ương và địa phương dành cho chi phòng, chống Covid-19 khoảng 100.110 tỷ đồng, trong đó 54% là từ ngân sách trung ương, còn lại là nguồn lực của địa phương.
Nguồn trung ương khoảng 54.110 tỷ đồng là các khoản đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (gồm khoản dự phòng và nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương), các khoản tích luỹ chuyển nguồn từ năm 2020 sang và đóng góp của doanh nghiệp, người dân.
Nguồn địa phương có 46.000 tỷ đồng, gồm dự toán dự phòng ngân sách địa phương; 70% số dư Quỹ dự trữ tài chính và khoản địa phương cắt giảm, tiết kiệm được.
Tổng nguồn lực cho phòng, chống dịch
Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương | ||
Dự phòng | 17.500 | Dự phòng | 20.300 |
Cắt giảm tiết kiệm chi | 14.620 | Cắt giảm, tiết kiệm chi | 6.000 |
Chuyển nguồn năm 2020 | 13.300 | 70% dự trữ Quỹ tài chính | 19.700 |
Quỹ Vaccine | 8.660 |
Đơn vị: Tỷ đồng
Sau khi trừ đi số đã sử dụng, nguồn lực trung ương còn lại khoảng 31.830 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng ngân sách năm 2021 còn khoảng 2.880 tỷ đồng; cắt giảm, tiết kiệm chi 14.620 tỷ; ngân sách trung ương 2020 chuyển sang 8.230 tỷ đồng và Quỹ vaccine Covid-19 còn 6.100 tỷ.
Đến hết tháng 8, các địa phương đã chi 25.800 tỷ đồng cho phòng, chống Covid-19; hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn vì Covid-19 theo Nghị quyết 68/2021 và một số nhiệm vụ chi cấp bách khác.
Các khoản đã chi 8 tháng đầu năm
Ngân sách trung ương | Ngân sách địa phương | ||
Chống dịch | 10.700 | Chống dịch | 25.800 |
Mua vaccine | 7.650 | Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp | |
Mua, hỗ trợ sản xuất vaccine | 14.330 | ||
Quốc phòng an ninh, khắc phục thiên tai | 2.880 | ||
Còn lại | 31.830 | Còn lại | 20.200 |
Đơn vị: Tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, 90% địa phương đã sử dụng gần hết dự phòng ngân sách địa phương, chẳng hạn TP HCM đã dùng 86%; Bình Dương 100%, Đồng Nai đã sử dụng 94,8%. Có 8 địa phương sử dụng tối đa số dư Quỹ dự trữ tài chính, như TP HCM, Bình Dương đã dùng hết.
Khoản tiền các địa phương còn lại, 20.200 tỷ đồng, gồm dự phòng ngân sách địa phương (4.000 tỷ); Quỹ dự trữ tài chính (12.300 tỷ đồng) và tiết kiệm chi thường xuyên (3.900 tỷ đồng). Khoản ngân sách còn lại này chủ yếu tại các địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (như Hà Nội còn 7.700 tỷ đồng).
Các địa phương đang kiến nghị trung ương hỗ trợ thêm ngân sách cho phòng, chống Covid-19 và đề nghị được dùng khoản cải cách tiền lương cho chống dịch. Đến hết năm 2021, khoản cải cách tiền lương của các địa phương, không gồm kết dư ngân sách, khoảng 122.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên việc được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để cho chống dịch hay không, cần được Quốc hội đồng ý. Theo quy định hiện hành, khoản này chỉ được dùng cho hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19, không được dùng chi cho chống dịch.
Thời gian tới, trung ương cần chi 36.000-40.000 tỷ cho phòng, chống dịch Covid-19 (gồm cả mua vaccine). Theo tính toán của Bộ Y tế, cần 28.500 tỷ đồng để mua 170 triệu liều vaccine, tiêm cho 80 triệu dân.
Ước tính thời gian tới trung ương phải chi khoảng 16.070 tỷ đồng mua vaccine. Nếu dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hằng năm, kinh phí mua vaccine cần lớn hơn.
Bên cạnh đó, theo phương án của Bộ Y tế, nếu cả nước có 300.000 người nhiễm Covid-19, trong 28 ngày cần chăm sóc y tế, số tiền ngân sách nhà nước cần khoảng 60.570 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương chi ước tính hơn 38%, còn lại khoảng 37.130 tỷ sẽ dùng từ ngân sách địa phương.
Ngoài ra, dự kiến ngân sách trung ương phải tăng chi, hỗ trợ cho các địa phương khoảng 20.000-24.000 tỷ đồng trong những tháng cuối năm để chống dịch, mua vật tư thiết bị y tế và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (22/9) đã đồng ý chuyển 14.620 tỷ đồng từ khoản cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Số tiền này trước mắt sẽ dùng 4.900 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí chống dịch cho các bộ, ngành và địa phương. TP HCM được nhận hỗ trợ nhiều nhất (2.000 tỷ đồng), tiếp đến là Bộ Quốc phòng (1.000 tỷ đồng), Bộ Công an (900 tỷ). Các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh 500 tỷ đồng.
Anh Minh