Sau khi chỉ số VN-Index giảm hơn 34 điểm trong phiên 7-9, đội ngũ phân tích của nhiều công ty chứng khoán cùng đưa ra quan điểm xu hướng chung của thị trường trong ngắn hạn chuyển từ đi ngang sang giảm điểm - Ảnh: B.MAI
Sau khi chứng kiến thị trường chứng khoán chìm trong "chảo lửa", chỉ số VN-Index khép lại phiên giao dịch hôm nay 7-9 với việc giảm tới 34,23 điểm (-2,68%) lùi xuống mốc 1.243,17 điểm, các chuyên gia của nhiều công ty chứng khoán đã nhanh chóng đưa ra nhận định và dự báo.
Vào tối nay, đội ngũ phân tích của Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ, việc thị trường giảm mạnh nhất hai tháng qua và thanh khoản tăng đột biến là biểu hiện của áp lực bán gia tăng hoặc bán cắt lỗ sau chuỗi đi ngang kéo dài ba tuần vừa qua. Mặc dù chỉ số chung mới giảm hôm nay nhưng đủ xóa sạch thành quả ba tuần trước đó.
"Nhịp giảm của thị trường là hoàn toàn bình thường sau khi chứng khoán thế giới đã giảm mạnh ở tuần trước, sự kỳ vọng của nhà đầu tư về câu chuyện room tín dụng cũng không có nhiều tác động đến nhóm cổ phiếu ngân hàng trong các phiên gần đây", phía MBS cho hay.
Với những diễn biến trên, công ty chứng khoán này đưa ra tín hiệu "cần thận trọng" dành cho nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Trong khi đó, đội ngũ nghiên cứu thuộc Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) do ông Trần Thăng Long làm trưởng nhóm cũng cho biết thị trường của phiên hôm nay nghiêng về tiêu cực với 18/19 ngành giảm điểm.
Nếu trong những phiên tới chỉ số VN-Index không thể bật lên trên ngưỡng 1.250 điểm thì có thể sẽ tiếp tục giảm xuống vùng 1.220 - 1.235 điểm hoặc thậm chí xuống vùng 1.190 - 1.200 điểm.
Với góc nhìn kỹ thuật, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, xu hướng ngắn hạn của thị trường đang dần chuyển từ đi ngang (sideway) sang giảm điểm.
"Theo chúng tôi, đây là điều khó tránh khỏi bởi dòng tiền đầu cơ đã có tín hiệu chậm lại trong nhiều ngày qua và các tín hiệu giảm điểm với hầu hết đã ngày càng rõ rệt trong các phiên gần đây", TVSI cho hay.
Bên cạnh đó, phía TVSI cũng nhìn nhận, thông điệp về hạn mức tín dụng mới của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng lại thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường. Điều này sẽ gây khó cho các ngân hàng theo kịp kế hoạch lợi nhuận và cũng khiến nhiều doanh nghiệp khát vốn gặp khó khăn.
Trước những diễn biến của thị trường, bộ phận phân tích của công ty chứng khoán này duy trì quan điểm nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi cơ hội giải ngân khi về vùng an toàn.
Chuyên gia của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhìn nhận, thị trường chứng khoán Mỹ quay trở lại giao dịch trong phiên đêm qua và đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Có lẽ điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, khiến cho áp lực bán xuất hiện ngay đầu phiên. Nhưng chính diễn biến trong phiên chiều mới tạo ra sự bất ngờ khi áp lực bán tăng mạnh, khiến thị trường có phiên giảm mạnh nhất kể từ phiên 20-6 đến nay.
Việc VN-Index giảm mạnh với khối lượng đột biến trong phiên hôm nay đã khiến xu hướng phục hồi tăng ngắn hạn đang chấm dứt.
"Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì.
Tuy nhiên rủi ro ngắn hạn đang ở mức cao, nhất là sau khi áp dụng chu kỳ T+2, các vị thế lướt sau 5 vòng giao dịch T+2 không mang lại nhiều lợi nhuận đã dẫn đến áp lực bán mạnh", chuyên gia của SHS cho hay.
Với quan điểm trên, SHS cho rằng nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, cơ cấu loại bỏ các mã yếu kém hơn so với thị trường chung khi thị trường hồi phục.
Về chiến lược đầu tư, phía Chứng khoán KB Việt Nam (KBS) khuyến nghị nhà đầu tư bán hạ tỉ trọng trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỉ trọng ở mức an toàn, tương ứng mức độ chấp nhận rủi ro.
TTO - Tập đoàn ô tô Volkswagen của Đức ngày 5-9 cho biết sẽ thúc đẩy việc đưa hãng sản xuất dòng xe thể thao hạng sang Porsche gia nhập thị trường chứng khoán, dù điều kiện tài chính chưa mỹ mãn.
Xem thêm: mth.73483409170902202-oac-cum-o-gnad-nah-nagn-or-iur-naohk-gnuhc-gnourt-iht/nv.ertiout