Thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và rúp
Tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga xác nhận họ đã ký các thỏa thuận mới với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) liên quan đến tuyến đường ống phía đông, còn được gọi là Đường ống Năng lượng Siberia.
Gazprom cho biết: "Các khoản thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc giờ đây sẽ được thực hiện bằng đồng tiền quốc gia của hai nước, tức là đồng rúp và nhân dân tệ".
Chủ tịch Gazprom, Alexey Miller, cho biết sau cuộc họp với Dai Houliang, người đồng cấp của ông tại CNPC, cơ chế thanh toán mới là "quyết định giúp đôi bên cùng có lợi, kịp thời, đáng tin cậy và thiết thực".
Miller nói: "Tôi tin rằng nó sẽ giúp việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn, đóng vai trò là một tấm gương tuyệt vời cho các công ty khác và tạo động lực mới cho nền kinh tế của chúng ta".
Không có thêm chi tiết nào về cơ chế thanh toán được cung cấp trong tuyên bố của Gazprom, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/9 cho biết Trung Quốc sẽ thanh toán cho Gazprom dựa trên tỷ lệ chia 50-50 giữa đồng rúp và nhân dân tệ.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Putin có cuộc gặp trực tiếp tại Uzbekistan vào ngày 15/9 - hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin, dẫn lời đặc phái viên của Moscow tại Bắc Kinh Andrey Denisov.
CNPC đã phát một thông báo ngắn cho biết công ty đã ký thỏa thuận bổ sung với Gazprom để cung cấp khí đốt qua tuyến đường phía đông, mà không đề cập đến cơ chế thanh toán mới. Thỏa thuận được đưa ra khi giá trị hàng tháng của hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8 - tăng 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 11,2 tỷ USD, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố.
Tăng cường quan hệ
Zha Daojiong, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết việc chuyển đổi sang thanh toán bằng nội tệ là "điều có thể đoán trước".
"Việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế để thanh toán các hợp đồng đã diễn ra trong một số năm, cũng như đồng rúp".
"Khi quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga - được liên kết bằng đất liền với tư cách là các nước láng giềng - phát triển, ngay cả khi không có lệnh trừng phạt, thì việc hai bên giao dịch bằng tiền tệ của mình là điều hoàn toàn có thể hiểu được."
Thương mại xuyên biên giới giữa Nga và Trung Quốc từ trước tới nay được tính bằng USD và euro, và chỉ một phần nhỏ trong số đó được tính bằng đồng rúp và nhân dân tệ, theo Nick Marro - trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại The Economist Intelligence Unit.
"Thỏa thuận này khẳng định tham vọng dài hạn hơn của Nga và Trung Quốc trong việc đa dạng hóa hệ thống thanh toán xuyên biên giới của họ. Nhưng trước mắt, đây vẫn sẽ là một quá trình khó khăn", Marro nói.
"Điều này một phần là do các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc từ lâu đã làm nản lòng các nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, đây là một thách thức không thể biến mất trong một sớm một chiều".
Trung Quốc và Nga trong nhiều năm đã cố gắng tăng cường thương mại năng lượng với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD cho các hợp đồng toàn cầu.
Năm nay, nhập khẩu khí đốt tự nhiên Nga của Trung Quốc đã tăng lên, trong khi nhập khẩu từ hầu hết các nước khác đã giảm.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã mua tổng cộng 2,76 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng - trị giá 2,47 tỷ USD, theo hải quan Trung Quốc.